Indonesia-Trung Quốc: Thỏa thuận sử dụng đồng nội tệ có rủi ro?

0
202
Đồng NDT đã thực sự thâm nhập vào Indonesia kể từ khi Trung Quốc đưa ra Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) năm 2012.
Đồng Nhân dân tệ (NDT) đã thực sự thâm nhập vào Indonesia kể từ khi Trung Quốc đưa ra Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) năm 2012. Theo dữ liệu thống kê của Indonesia, hiện tại, khoảng 10% thương mại toàn cầu của nước này hiện sử dụng NDT.
Đồng NDT đã thực sự thâm nhập vào Indonesia kể từ khi Trung Quốc đưa ra Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) năm 2012.

Ngày 30/9, Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại, hay còn gọi là hợp tác thanh toán tiền tệ địa phương (LCS). Theo đó, PBoC và BI nhất trí khuyến khích sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch thương mại và đầu tư trực tiếp.

Điều này bao gồm việc sử dụng báo giá tỷ giá hối đoái trực tiếp và giao dịch liên ngân hàng đối với NDT của Trung Quốc và đồng rupiah của Indonesia. Sự hợp tác này sẽ được tăng cường thông qua việc chia sẻ thông tin thường xuyên giữa hai chính phủ.

Dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương

Thỏa thuận thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại giữa Indonesia và Trung Quốc được Jakarta đánh giá là dấu mốc quan trọng trong việc tăng cường hợp tác tài chính song phương giữa nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới là Trung Quốc và nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia. Chính phủ Indonesia cho rằng hợp tác với Trung Quốc trong việc sử dụng đồng nội tệ để thanh toán thương mại là mục tiêu quan trọng cần đạt được vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia hiện nay.

Nếu hợp tác song phương thuận lợi, hai nước sẽ không cần sử dụng đồng USD trong giao dịch thương mại mà có thể chuyển đổi sang sử dụng tiền tệ tương ứng. Theo ông Perry Warjiyo, Thống đốc BI, cả Indonesia và Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu rất kỹ lưỡng các hoạt động trao đổi thương mại và các hình thức thanh toán giữa hai nước và nhận thấy rằng cần sớm triển khai LCS để đảm bảo lợi ích cho cả hai bên. Việc ký kết thực hiện LCS sẽ khuyến khích hai quốc gia sử dụng đồng nội tệ của mình để tiến hành các giao dịch thương mại và đầu tư trực tiếp mà không bị ảnh hưởng bởi các rủi ro do đồng USD mang lại.

Việc Indonesia và Trung Quốc thực hiện LCS sẽ mở rộng khung hợp tác LCS hiện có giữa BI và Ngân hàng trung ương Thái Lan, Ngân hàng trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia) và Bộ Tài chính Nhật Bản. Với việc thực hiện LCS, áp lực đối với đồng rupiah của Indonesia sẽ được giảm bớt, sự mất giá của đồng rupiah có thể được kiểm soát trước những biến động của đồng USD. Khi đồng USD mạnh lên so với đồng rupiah, các nhà nhập khẩu của Indonesia phải chi nhiều tiền hơn để thanh toán các mặt hàng được nhập khẩu từ các quốc gia không sử dụng đồng USD. Trong khi đó, với việc sử dụng nội tệ, rủi ro tỷ giá hối đoái không còn.

Đánh giá về vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng LCS sẽ giúp cho cả Indonesia và Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào USD, vốn là đồng tiền chính trong các giao dịch quốc tế của hai nước này. Đối với Trung Quốc, việc giảm bớt phụ thuộc vào USD đồng nghĩa với việc tránh được một nguy cơ phải chịu quyền tài phán của Mỹ. Điều này cũng có thể giúp Trung Quốc đảm bảo một trong những mục tiêu chính của mình là thống trị thương mại quốc tế với tư cách là nhà sản xuất lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Indonesia hy vọng LCS sẽ giúp đất nước giảm rủi ro trước sự biến động của đồng USD, vốn chiếm khoảng 90% các giao dịch nước ngoài của Indonesia. Việc sử dụng nội tệ để giao dịch thương mại với Trung Quốc có thể giúp Indonesia duy trì sự ổn định tài chính trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đang biến động do đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ra. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu do hoạt động thương mại giảm đã làm gia tăng sự bất ổn toàn cầu, đặc biệt là đối với một thị trường mới nổi như Indonesia.

Nhằm đối phó với Trung Quốc, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã điều chỉnh lãi suất khiến đồng USD trở nên hấp dẫn, buộc các nhà đầu tư phải rút tiền từ thị trường Indonesia. Điều này dẫn đến việc đồng rupiah mất giá. Đồng rupiah của Indonesia từng trải qua đợt giảm mạnh nhất trong 20 năm qua khi có thời điểm giảm xuống còn hơn 16.700 rupiah/USD. Trong khi đó, tỷ giá của đồng rupiah so với NDT vẫn ổn định ở mức từ 1.900- 2.100 rupiah. Do đó, các giao dịch sử dụng đồng NDT sẽ rẻ hơn và có nhiều lợi hơn.

LCS cũng rất quan trọng đối với Indonesia vì thương mại quốc tế của Indonesia với Trung Quốc và dòng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc từ các nước châu Á nói chung – đã tăng lên đáng kể. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất đối với các sản phẩm phi dầu khí của Indonesia. Năm 2019, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu lớn nhất sang Indonesia, với giá trị 25,8 triệu USD, chiếm khoảng 16,68% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Cũng trong năm 2019, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất của Indonesia với tổng trị giá 44,5 triệu USD, tương đương 29,95% tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á.

Các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia cũng tăng vọt trong 5 năm trở lại đây. Năm 2019, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Indonesia với tổng vốn đầu tư trị giá 4,7 tỷ USD, tương đương 17% tổng vốn đầu tư. Sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia đã có dấu hiệu đe dọa đến sự thống trị của Singapore với tư cách là nhà đầu tư hàng đầu của Indonesia.

Đối với Indonesia, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại chính và là nhà đầu tư hàng đầu, nhưng Indonesia hiếm khi sử dụng đồng NDT trong các giao dịch thương mại. Chủ tịch Hiệp hội sử dụng lao động Indonesia, ông Hariyadi Sukamdani cho biết, trong năm 2018, chỉ 10% giao dịch thương mại giữa Indonesia – Trung Quốc được sử dụng đồng NDT.

Những rủi ro

Giới chuyên gia cho rằng, Indonesia đang đối mặt với rất nhiều rủi ro khi ký kết LCS vì Chính phủ Trung Quốc có xu hướng thường sử dụng biện pháp phá giá đồng NDT để đảm bảo các lợi ích thương mại của Trung Quốc. Việc này có nghĩa là Indonesia sẽ phải đối mặt với một số nguy cơ rất lớn và thường xuyên hơn khi quyết định chuyển sang sử dụng đồng NDT để trao đổi thương mại với Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường thực hiện các biện pháp điều chỉnh chính sách tiền tệ để phản ứng nhanh hơn với mọi diễn biến trên thị trường. Năm 2019, Trung Quốc đã hạ giá đồng NDT để khiến hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh hơn khi tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ bắt đầu gay gắt. Nếu đồng NDT mất giá, các sản phẩm của Trung Quốc sẽ trở nên rẻ hơn và có tính cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.

Trong trường hợp này, nếu Indonesia sử dụng đồng NDT, nhập khẩu của Indonesia từ Trung Quốc có thể sẽ tăng vọt, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường nội địa của Indonesia. Gần đây, các nhà kinh doanh sản phẩm dệt may của Indonesia đã rất tức giận khi chứng kiến các mặt hàng dệt may của Trung Quốc ngày càng dễ dàng tràn vào Indonesia và chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng ngoài việc đối mặt với nguy cơ rủi ro trên lĩnh vực kinh tế, Indonesia cũng đang đối mặt với nguy cơ phải chấp nhận để Trung Quốc có thêm cơ hội củng cố vị thế chính trị tại Indonesia sau khi hai bên ký kết trong bối cảnh vị thế chính trị của Trung Quốc tại Indonesia đang ngày càng tăng cao trong những năm gần đây.

Trung Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai của Indonesia (sau Singapore) và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Indonesia phải đặt ra luật chơi để đảm bảo việc sử dụng đồng NDT ngày càng rộng rãi nhưng phải đảm bảo “an toàn” cho Indonesia và mang lại lợi ích cho cả hai bên, không chỉ riêng Trung Quốc. Đồng thời, Indonesia cần cân nhắc để chính sách hạ giá đồng tiền của Trung Quốc sẽ không gây hại cho nền kinh tế của mình trong tương lai bằng một chiến lược đối phó hiệu quả. Trong bối cảnh đó, chiến lược Indonesia cần tính đến là phải đa dạng hóa hàng hóa nguồn nhập khẩu của Indonesia từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, hoặc khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp Indoneisa giảm nhập khẩu và phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Indonesia cũng có thể đa dạng hóa các đối tác của mình bằng cách thiết lập các thỏa thuận sử dụng nội tệ với các quốc gia khác. Đến nay, Indonesia đã ký kết các thỏa thuận sử dụng nội tệ với Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nước này cũng cần nhanh chóng tính tới việc ký kết các thỏa thuận sử dụng đồng nội tệ với các đối tác phi truyền thống như Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia vùng Vịnh khác. Chỉ có như vậy, Indonesia mới có thể giảm thiểu các rủi ro trong quá trình thực hiện thỏa thuận sử dụng đồng nội tệ để trao đổi thương mại với Trung Quốc.

Hải Ngọc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here