Những trở ngại trên con đường phục hồi kinh tế của Singapore

0
177
(ảnh minh hoạ)
Bài phân tích trên tờ The Straits Times (Singapore) cuối tuần qua nhận định, quá trình phục hồi từ tình trạng suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử mới chỉ diễn ra ở những ngày đầu, nền kinh tế Singapore giờ đây giống như ly nước đầy một nửa. Đối với những người bi quan, tình hình hiện nay giống như công việc mới hoàn thành một nửa, còn những người lạc quan thì cho rằng nửa còn lại sẽ đem đến những cơ hội mới.
Nhiệm vụ đưa nền kinh tế Singapore quay trở lại mức trước khi dịch viêm đường hô hấp COVID-19 bùng phát, sẽ là một công việc đầy thách thức, cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn hơn.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều quan điểm nhất trí rằng việc đổ đầy nửa ly nước còn lại, đưa nền kinh tế Singapore quay trở lại mức trước khi dịch viêm đường hô hấp COVID-19 bùng phát, sẽ là một công việc đầy thách thức, cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn hơn.

Một loạt số liệu kinh tế mới được công bố cho thấy “đảo quốc sư tử” đã đạt được một số tiến bộ và tình trạng tồi tệ nhất đã lùi lại phía sau. Số liệu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III/2020 mà Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) nước này công bố ở mức âm 7%, tốt hơn nhiều so với mức giảm 13,3% trong quý II (so với cùng kỳ năm ngoái).

Tuy nhiên, đà tăng trưởng trong quý III chủ yếu được hỗ trợ bởi việc nối lại các hoạt động kinh tế sau khi các biện pháp phong tỏa do dịch bệnh được nới lỏng. Khi những hạn chế đi lại được nới lỏng hơn nữa trong thời gian tới, nền kinh tế Singapore có thể suy giảm ít hơn trong quý IV/2020.

Số liệu tăng trưởng năm 2021 sẽ bắt đầu trở lại mức dương. Tuy nhiên, ngay cả khi GDP tăng trưởng dương thì đà tăng vẫn ở mức khiêm tốn trong cả năm sau.

Sự bùng phát bất ngờ của dịch bệnh trên toàn cầu là lời nhắc nhở rằng căn bệnh chết người vẫn còn ở quanh chúng ta. Ngay cả khi một số hãng dược phẩm đã tiến gần đến việc bào chế được vắc-xin, thì cũng không thể hy vọng rằng dịch bệnh này sẽ sớm được dập tắt trên toàn cầu.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã khiến một phần đáng kể nền kinh tế Singapore, từ hàng không đến du lịch khách sạn cho tới bán lẻ, đã bị đóng cửa gần như hoàn toàn. Lĩnh vực xây dựng sẽ tiếp tục phải hứng chịu thiệt hại do các dự án bị trì hoãn và nhu cầu xây dựng mới nhìn chung giảm sút.

Cơ quan quản lý tòa nhà và xây dựng Singapore (BCA) hồi tháng Chín đã điều chỉnh nhu cầu xây dựng, giảm xuống còn 18-23 tỷ SGD (13,24-16,92 tỷ USD) cho năm 2020, từ mức dự kiến 28-33 tỷ SGD (20,60-24,28 tỷ USD) hồi tháng Một.

Giống như hầu hết các nền kinh tế phát triển, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của Singapore chiếm gần 70% nền kinh tế và con số tương đương về công ăn việc làm của “đảo quốc sư tử”. Nếu lĩnh vực dịch vụ này bị “chảy máu” nhiều việc làm sẽ mất đi và khó có thể có được việc làm mới. Bộ Nhân lực Singapore (MOM) cho biết tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong tháng 8/2020 là 4,5%.

Nhu cầu tiêu dùng và điều kiện thị trường lao động còn rất mong manh, không chỉ ở Singapore mà còn trên toàn thế giới. Đây là tin xấu đối với lĩnh vực sản xuất ở Singapore vốn gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài.

Trong khi đó, xung đột thương mại chưa có dấu hiệu chấm dứt giữa Mỹ và Trung Quốc là một rủi ro khác đối với các nhà sản xuất Singapore. Những lo ngại về thuế quan cũng như các biện pháp trừng phạt và những tác động của chúng làm gián đoạn các chuỗi cung ứng có thể khiến các doanh nghiệp Singapore trì hoãn đưa ra các quyết định về các khoản đầu tư, dự án và hợp đồng mới, từ đó khiến tâm lý kinh doanh trở nên yếu ớt. Nói một cách đơn giản là những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Không có con số đánh giá chính thức cho năm sau, nhưng hầu hết các nhà phân tích khu vực tư nhân tin rằng Singapore có thể đạt mức tăng trưởng từ 5-6%. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS – ngân hàng trung ương nước này) cho biết lạm phát lõi (không bao gồm chi phí nhà ở và vận tải cá nhân) ở mức 0-1% trong năm 2021, so với âm 0,5-0% trong năm nay.

Mức dự báo lạm phát thấp cho thấy MAS tin rằng nhu cầu sẽ không cải thiện nhiều vào năm sau. Theo MAS, sự tăng tốc ban đầu trong lĩnh vực dịch vụ sẽ suy giảm do điều kiện thị trường lao động vẫn còn yếu và tâm lý lo ngại của người dân về an toàn sức khỏe.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng các số liệu kinh tế quý III/2020 và những đánh giá của MAS cho thấy tiến trình phục hồi kinh tế của Singapore còn dài và chông gai. Tiến trình này sẽ kéo dài hơn so với hai cuộc suy thoái trước đây, có thể phải mất hai năm GDP thực của Singapore mới đạt được mức như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng COVID-19.

Nguyễn Thúy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here