Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bangladesh sẽ giảm xuống còn 2% trong năm nay do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và sẽ phục hồi ở mức 9,5% trong năm tài khóa 2021. Trước đó, Ngân hàng thế giới (WB) cũng đã dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Bangladesh sẽ chỉ còn ở mức 2-3% trong năm tài khóa 2020. Tuy vậy, kinh tế Bangladesh được dự báo có mức tăng trưởng cao hơn các quốc gia châu Á như Trung Quốc (1,2%) và Ấn Độ (1,9%), là một trong số những nước được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng dương trong năm nay. IMF cũng dự báo lạm phát của nền kinh tế Bangladesh sẽ ở mức khá dễ chịu, 5,5% trong năm tài khóa 2020 và 5,6% trong năm tài khóa 2021.
Theo Trưởng bộ phận kinh tế của IMF Gita Gopinath, kinh tế thế giới trong năm 2020 sẽ tăng trưởng -3% và tình hình sẽ còn tệ hơn các cuộc khủng hoảng kinh tế hồi những năm 1930 và giai đoạn 2008-2009. Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra trên thế giới, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ phát triển ở mức 3,3% trong năm 2020. Tuy nhiên, bà Gopinath cũng cho rằng kinh tế thế giới sẽ khởi sắc hơn vào năm 2021 khi phục hồi tốc độ tăng trưởng ở mức 5,8% nếu tình hình dịch bệnh thuyên giảm trong nửa cuối năm 2020 và các chính sách ngăn cản việc phá sản hàng loạt, mất việc làm, áp lực lên hệ thống tài chính… được thực thi hiệu quả. Tổng thiệt hại đối với GDP toàn cầu trong năm 2020 và 2021 do khủng hoảng dịch bệnh sẽ vào khoảng 9 nghìn tỷ USD, nhiều hơn cả tổng GDP của Đức và Nhật gộp lại.
Bà Gopinath cũng cho rằng các quốc gia phụ thuộc vào ngành du lịch và giải trí sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nước đang phát triển sẽ đối mặt với các thách thức mới như sự đảo chiều luồng vốn, áp lực về tiền tệ, hệ thống y tế yếu kém và thiếu hụt ngân sách để hỗ trợ nền kinh tế.
Giáo sư Shamsul Alam, thành viên Cục Kinh tế tổng hợp cho rằng dự báo của IMF hay WB hay ADB đưa ra lúc này đều là quá sớm do chưa có con số hay nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)