Ngày 15/3/2022, Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã công bố bộ công cụ giúp các công ty và cơ quan chính phủ áp dụng các tiêu chuẩn hiện có để đẩy nhanh quá trình số hóa quy trình thương mại.[1]
Nội dung báo cáo vừa công bố nhấn mạnh một trong những rào cản chính đối với việc áp dụng các quy trình không cần giấy tờ là thiếu nhận thức chung về các tiêu chuẩn hiện có cho thương mại kỹ thuật số. Hiện tại, chưa đến 1% tài liệu thương mại được số hóa hoàn toàn trên toàn cầu – với một giao dịch điển hình yêu cầu trao đổi 36 tài liệu và 240 bản sao in ra giấy.
Trong bối cảnh đó, Bộ công cụ tiêu chuẩn cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới cung cấp cho cộng đồng thương mại quốc tế một cái nhìn tổng quan toàn diện về các tiêu chuẩn thương mại kỹ thuật số hiện đang được sử dụng. Để đạt được mục tiêu này, bộ công cụ xác định gần 100 tiêu chuẩn, khuôn khổ và sáng kiến mang lại hiệu quả cho phép tất cả các bên trong chuỗi cung ứng toàn cầu có cùng một ngôn ngữ.
Báo cáo được thực hiện bởi hai đồng tác giả Emmanuelle Ganne – Nhà phân tích cấp cao tại Tổ chức Thương mại Thế giới và Hannah Nguyễn – Giám đốc Hệ sinh thái Kỹ thuật số tại Sáng kiến Tiêu chuẩn Kỹ thuật số ICC. Phát biểu trong buổi ra mắt bộ công cụ, bà Ganne cho biết, mục tiêu là trang bị cho mọi thành viên tham gia chuỗi cung ứng một số tiêu chuẩn đáng chú ý nhất và được sử dụng rộng rãi để giúp thúc đẩy số hóa thương mại lên cấp độ cao hơn. Bà Hannah Nguyễn cho biết thêm, bộ công cụ đưa ra hướng dẫn về các tiêu chuẩn hiện có để số hóa thương mại. Hy vọng rằng việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về những điều này sẽ thúc đẩy sự thống nhất trong các chuỗi cung ứng quốc tế và do đó thúc đẩy khả năng tương tác thực sự cho các quy trình thương mại không cần giấy tờ..
Báo cáo đưa ra một loạt các tiêu chuẩn nền tảng để tất cả các bên tham gia thương mại toàn cầu áp dụng – chẳng hạn như mã quốc gia đến tiêu chuẩn nhận dạng pháp nhân – đồng thời kết hợp các bộ công cụ khởi đầu cho nhiều loại thành viên khác nhau trong chuỗi cung ứng, từ các vấn đề hậu cần cho đến hải quan. Cả ICC và WTO sẽ làm việc để thúc đẩy việc sử dụng bộ công cụ mới thông qua các mạng tương ứng của họ và sẽ liên tục cập nhật các tiêu chuẩn được đề cập để đảm bảo bộ công cụ vẫn phù hợp với tất cả người sử dụng.
[1] Bộ công cụ này có thể được tải về tại địa chỉ https://iccwbo.org/publication/standards-toolkit-for-cross-border-paperless-trade
(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)