Nhiều cơ chế đặc thù
Theo thông tin của Báo Đầu tư, cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký 3 tờ trình gửi Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 3 dự án đường bộ, gồm Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn I, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn I, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn I để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Cả 3 báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ lần này đều đã được tiếp thu, hoàn chỉnh ý kiến của Hội đồng Thẩm định Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Đây là những dự án hạ tầng cao tốc quan trọng quốc gia, được cấp có thẩm quyền ưu tiên dành vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Giao thông Vận tải, tổng mức đầu tư 3 dự án trong giai đoạn phân kỳ đầu tư lên tới 84.463 tỷ đồng, trong đó Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là 17.837 tỷ đồng; Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột là 21.935 tỷ đồng; Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là 44.691 tỷ đồng.
Để đảm bảo mục tiêu hoàn thành 3 dự án vào năm 2026, cùng với việc đề xuất dùng toàn bộ vốn đầu tư công, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị áp dụng một số cơ chế đặc thù liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu và phân cấp triển khai đầu tư.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng khoản 1, Điều 5, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội đối với cả 3 dự án, trong đó có việc cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình; các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định tại khoản này đến khi hoàn thành dự án.
Bên cạnh đó, sau khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua, căn cứ năng lực, kinh nghiệm quản lý của các địa phương và trên cơ sở sử dụng tối đa năng lực của Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định đơn vị chủ quản thực hiện các dự án thành phần theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chuyên môn về xây dựng, chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở và đóng vai trò là cơ quan rà soát, điều phối bảo, đảm các dự án thành phần thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, khớp nối và không vượt tổng mức đầu tư của Dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.
Trông đợi bán quyền thu phí
Hiện thách thức lớn nhất đối với quá trình triển khai 3 dự án là việc cân đối nguồn vốn để triển khai, đặc biệt trong giai đoạn 2025 – 2026.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau khi rà soát, đã xác định, 3 dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia Biên Hòa – Vũng Tàu, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột còn thiếu khoảng 18.829 tỷ đồng cần cân đối bổ sung kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội có cơ chế đặc thù “cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình”.
Như vậy, nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận áp dụng cơ chế chỉ định thầu có tiết kiệm 5% dự toán đối với toàn bộ các gói thầu xây lắp của 3 dự án Biên Hòa – Vũng Tàu, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, nhu cầu giải ngân kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 của các dự án sẽ giảm tương ứng khoảng 1.658 tỷ đồng; nhu cầu bổ sung vốn cho 3 dự án này chỉ còn 17.171 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng Đề án Nhượng quyền khai thác (thu giá dịch vụ) các đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đầu tư toàn bộ bằng vốn đầu tư công để hoàn trả vốn ngân sách trung ương và dự kiến đấu giá nhượng quyền khai thác sau khi cơ bản hoàn thành các đoạn tuyến cao tốc vào năm 2023.
Với dự kiến thời gian hợp đồng nhượng quyền trong 10 năm, theo ước tính sơ bộ, ngân sách nhà nước sẽ thu được khoảng 18.000 tỷ đồng. Số thu này hiện chưa tính toán trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021 – 2025. Đối với số vốn còn thiếu, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị được sử dụng, cân đối từ số tiền thu được từ nhượng quyền khai thác các đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 theo chủ trương tại các nghị quyết của Quốc hội.
“Số thu thực tế tùy thuộc kết quả đấu giá nhượng quyền, nhưng có thể cao hơn do các nhà đầu tư không phải chịu chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng và lợi nhuận của nhà đầu tư khi tổ chức thi công xây dựng”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
(Anh Minh/baodautu.vn)