Hướng đi nào để xuất khẩu Việt Nam bớt phụ thuộc vào khu vực FDI?

0
1449
(ảnh minh hoạ)

Mặc dù xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) của nền kinh tế lại đang có xu hướng tăng lên so với những năm gần đây. Đây là một mối quan ngại đối với Việt Nam, đặc biệt là nếu xét đến các gián đoạn trong thương mại quốc tế cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của đại dịch, xung đột Nga-Ukraine, kinh tế Trung Quốc…

xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) của nền kinh tế lại đang có xu hướng tăng lên.

Miếng bánh đang rơi vào khu vực FDI

Mặc dù xuất khẩu tăng mạnh, nhưng mức độ phụ thuộc của Việt Nam vào khu vực FDI lại tăng lên trong những năm gần đây. Theo Bộ Công Thương, năm 2019, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 181,35 tỷ USD, chiếm 70,1% và tăng lên 202,89 tỷ USD, chiếm 72,3% năm 2020. Đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI ước đạt 247,5 tỷ USD tăng 21,1%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt khoảng 88,7 tỷ USD, tăng 13,4%, thấp hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (19%) và chỉ chiếm 26,4% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2020 chiếm 27,7%).

So với các doanh nghiệp trong nước, số doanh nghiệp FDI không nhiều, có lĩnh vực thua xa số doanh nghiệp nội, nhưng đóng góp vào xuất khẩu lại lớn. Chẳng hạn, mặt hàng đồ gỗ có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đạt 48% so với 52% của doanh nghiệp nội, trong khi số doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 15% so với 85% doanh nghiệp nội trong tổng số doanh nghiệp đồ gỗ.

Một số địa phương phụ thuộc vào FDI rất lớn. Tỉnh Bắc Ninh xuất khẩu lớn thứ 2 cả nước năm 2021, đạt 44,8 tỷ USD và xuất siêu tới 6,5 tỷ USD. Song, đó không phải nội lực của Bắc Ninh, mà do tỉnh này thu hút FDI thuộc top đầu cả nước. Thực trạng xuất khẩu của Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai… cũng tương tự (Nguyễn Duy Nghĩa, 2022).

Chọn Việt Nam là điểm đến, các doanh nghiệp FDI đều mong muốn được cung cấp linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu tại chỗ để nhẹ giá thành đầu vào, chủ động sản xuất. Tuy nhiên, cho đến nay, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn ì ạch, nên khu vực FDI vẫn phải dựa vào nguyên vật liệu từ bên ngoài. Đó là chưa kể, các ngành công nghiệp của Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu còn trầm trọng hơn khu vực FDI, cả lượng và chủng loại nguyên vật liệu phải nhập khẩu nhiều hơn. Ví dụ, thủy sản xuất khẩu phải nhập khẩu thủy sản nguyên liệu; xuất khẩu nhân điều nhưng lại nhập khẩu hạt điều thô; chế biến gỗ phải nhập khẩu gỗ tròn, gỗ dán, ván sợi…

Nhìn chung, Việt Nam được hưởng lợi từ ngoại thương và FDI vì tạo ra việc làm và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, đóng góp vào nguồn thu thuế và tăng thu nhập của người lao động. Các dự án FDI cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và bí quyết sản xuất cho Việt Nam, tạo ra hiệu ứng lan tỏa, qua đó các doanh nghiệp trong nước được kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các doanh nghiệp FDI.

Nhiều doanh nghiệp địa phương cũng được thành lập bởi các cựu nhân viên các công ty nước ngoài, những người đã tách ra thành lập doanh nghiệp riêng sau khi tích lũy đủ kiến ​​thức và kinh nghiệm. Tuy nhiên, sự phụ thuộc xuất khẩu quá nhiều vào khu vực FDI của Việt Nam lại là một vấn đề tiềm ẩn rủi ro đối với đất nước.

Bản chất của việc doanh nghiệp FDI xuất siêu nhiều sẽ không mang lại nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Điều này xuất phát từ việc các doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhiều, thì cũng nhập nguyên liệu đầu vào từ các nước xuất xứ, không phải ở Việt Nam, kéo theo giá trị gia tăng trong nước không cao.

Cán cân thương mại trong những năm qua chỉ rõ, vai trò sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đang thuộc về khu vực FDI; ngược lại, vai trò nhập khẩu hàng hóa, chủ yếu là hàng tiêu dùng phục vụ thương mại đang thuộc về khu vực doanh nghiệp trong nước. Điều này gián tiếp cho thấy điểm yếu trong cơ cấu của nền kinh tế, khi năng lực sản xuất phụ thuộc quá lớn vào doanh nghiệp nước ngoài.

Doanh nghiệp trong nước dường như bị thu hẹp trong phạm vi “làm thương mại”. Tất nhiên, làm thương mại và dịch vụ tốt không phải là vấn đề. Rủi ro nằm ở chỗ, với một nền kinh tế quy mô dân số 100 triệu dân, sự phụ thuộc lớn vào năng lực sản xuất của nước ngoài sẽ đem đến nhiều nguy cơ nếu môi trường kinh tế – chính trị toàn cầu có những biến động lớn.

Cảnh báo từ các “cú sốc” bên ngoài

Dù chỉ chiếm 20,3% GDP của Việt Nam, các công ty FDI đã đóng góp tới 67,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019. Một trong những ví dụ điển hình về sự đóng góp “ngoại cỡ” của khu vực FDI vào sự phát triển kinh tế và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là Samsung.

Tính đến tháng 3/2020, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam với số vốn đầu tư lũy kế hơn 17 tỷ USD. Samsung cũng là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất tại Việt Nam, với tổng số nhân viên là hơn 110.000 người. Năm 2019, doanh thu của Samsung tại Việt Nam là khoảng 68,3 tỷ USD, bằng khoảng 26% GDP của Việt Nam. Đóng góp của Samsung vào hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng rất đáng chú ý. Năm 2019, Tập đoàn này đã xuất khẩu các sản phẩm trị giá 51,3 tỷ USD, chiếm 19,4% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm đó.

Dù đầu tư của Samsung vào Việt Nam là một ví dụ tiêu biểu cho thấy thành công của Việt Nam trong việc thu hút FDI, nhưng nó cũng làm nổi bật sự phụ thuộc của Việt Nam vào dòng vốn nước ngoài và xuất khẩu. Việc một công ty nước ngoài đóng góp tới 19,4% kim ngạch xuất khẩu là điều chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam và cũng là điều hiếm thấy ở các quốc gia trên thế giới. Nếu Samsung quyết định ngừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngay cả khi Samsung không có kế hoạch thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam trong tương lai gần, việc chúng ta phụ thuộc vào xuất khẩu và FDI khiến nền kinh tế rất dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc bên ngoài. Tác động từ đại dịch Covid-19 đang diễn ra là một lời nhắc nhở rõ ràng về điểm yếu này.

Mặc dù Việt Nam vẫn duy trì được kết quả xuất khẩu khá ổn định, nhưng nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm suy giảm đã khiến nhiều công ty FDI phải giảm quy mô sản xuất và sa thải lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như may mặc và da giày.

Tương tự, làn sóng các công ty đa quốc gia rút khỏi Trung Quốc hoặc đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc trong vài năm qua cũng gây báo động cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Tại một thời điểm nào đó trong tương lai, điều tương tự cũng có thể xảy ra với Việt Nam khi chi phí lao động tăng cao khiến một số công ty đa quốc gia không thể tiếp tục duy trì cơ sở sản xuất của họ ở Việt Nam.

Có thể thấy, khối ngoại hiện đang chiếm ưu thế trong xuất khẩu rất nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, như: công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến – chế tạo, gỗ… Việt Nam không nên phụ thuộc quá nhiều vào FDI. Điều này được giải thích dựa trên “nguyên lý phụ thuộc”, tức là quốc gia phụ thuộc sẽ đóng vai trò bên lề, trong khi quốc gia còn lại sẽ là quốc gia cốt lõi và nguồn lực sẽ mất dần từ quốc gia này sang quốc gia kia.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Để giảm bớt sự phụ thuộc xuất khẩu vào khu vực FDI, Việt Nam cần gia tăng sức mạnh nội tại thông qua một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần nhìn nhận lại chiến lược thu hút FDI. Theo đó, nghiên cứu xóa bỏ một số ưu đãi mà các doanh nghiệp FDI đã tận hưởng trong những năm qua, chuyển hướng vào đầu tư nội lực cho doanh nghiệp trong nước. Chỉ nên tập trung ưu đãi cho khu vực FDI vào những sản phẩm, chi tiết sản xuất nào tạo giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao.

Đồng thời, khuyến khích thu hút các dự án FDI tạo sức lan tỏa lớn, tăng kết nối với khu vực trong nước, từ đó giúp các doanh nghiệp Việt lớn dần, đủ sức trở thành đối tác của các doanh nghiệp FDI, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và dần tăng tỷ trọng trong đóng góp vào xuất khẩu.

Thứ hai, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này đóng vai trò là chất xúc tác của nền kinh tế và quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm. Đặc biệt, khi những doanh nghiệp này tác động ngược trở lại sẽ mang đến lợi ích cho doanh nghiệp nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao, để củng cố nền tảng công nghiệp trong nước của Việt Nam. Việc Chính phủ hỗ trợ Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, mở rộng sang các ngành công nghiệp ô tô, điện tử và công nghệ cao là một ví dụ điển hình. Nếu thành công, những “con chim đầu đàn” như vậy sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam, mà còn tạo ra nhiều kim ngạch xuất khẩu hơn cho đất nước.

Thứ ba, tăng cường hợp tác khu vực thông qua ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Cần có một kế hoạch tổng thể về kinh tế và công nghiệp ASEAN, tương tự như kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025. Kế hoạch này sẽ xác định mạng lưới sản xuất và cơ sở chuỗi cung ứng dựa trên lợi thế cạnh tranh hay vị trí chiến lược của các quốc gia thành viên. Ví dụ như việc tích hợp hoàn toàn các dây chuyền và khu sản xuất thiết bị điện và điện tử (E&E) của Việt Nam với Malaysia. Một giải pháp khác là khôi phục liên kết giao dịch ASEAN dựa trên Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF). Thông qua đó, cung cấp các chương trình đầu tư xuyên biên giới.

Thứ tư, tăng chi đầu tư trực tiếp trong nước, bao gồm cả đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Tăng cường ứng dụng và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước hiện đại hóa sản xuất.

Thứ năm, đa dạng hóa và thúc đẩy hơn nữa các liên kết thương mại và đầu tư ngoài các đối tác FDI truyền thống. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp từ vườn ươm, start-up đến đào tạo, quản trị, tài chính, thông tin định hướng, thị trường… Đẩy mạnh chiến lược phát triển thương hiệu Việt và quảng bá trên toàn thế giới.

Thứ sáu, phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng ưu tiên với một số ngành trọng điểm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, nguyên vật liệu trong nước để sản xuất thay thế dần nguồn nhập khẩu; tái cơ cấu sản xuất với kỹ thuật hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa…

Tri Võ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here