Huawei đang bị cô lập?

0
108
Động tác của Mỹ Động thái này đã khiến nhiều công ty công nghệ trên khắp thế giới quay lưng lại với Huawei.

Những ngày qua, nhiều tập đoàn công nghệ của Anh, Nhật Bản – hai nước đồng minh của Mỹ – đã thông báo ngừng hợp tác với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông khổng lồ Trung Quốc.

Động tác của Mỹ đã khiến nhiều công ty công nghệ trên khắp thế giới quay lưng lại với Huawei.

Theo AFP, tập đoàn Panasonic của Nhật Bản ngày 23/5 ngừng giao dịch với Huawei, trong khi Toshiba thông báo sẽ tạm ngừng mọi hoạt động giao hàng cho Huawei để rà soát lại sản phẩm. Một phát ngôn viên của Toshiba cho biết sẽ chỉ giao hàng cho “từng trường hợp khi biết chắc sản phẩm của công ty không sử dụng linh kiện được sản xuất trên lãnh thổ Mỹ”.

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục gây sức ép với chính quyền Seoul để Hàn Quốc ngừng sử dụng sản phẩm của Huawei. Nhật báo Chosun Ilbo được Reuters trích dẫn, tiết lộ rằng trong một cuộc họp giữa quan chức ngoại giao hai nước, Mỹ đã khuyến cáo Hàn Quốc không nên sử dụng tập đoàn viễn thông LG Uplus của nước này trong các lĩnh vực nhạy cảm vì LG sử dụng linh kiện của Huawei. Trong tương lai, Hàn Quốc nên loại Huawei khỏi thị trường.

Trước đó, ngày 22/5, các nhà cung cấp viễn thông lớn của Nhật Bản (KDDI, SoftBank Corp) và Anh Quốc (EE, Vodafone) đã tạm hoãn chiến dịch tung sản phẩm mới của Huawei ra thị trường. Những sản phẩm mới của Huawei có thể sẽ bị mất phần lớn tính năng nếu không có công nghệ của Mỹ.

Hồi tuần trước, Washington đã cấm các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với Huawei do quan ngại về vấn đề an ninh quốc gia. Động thái này đã khiến nhiều công ty công nghệ trên khắp thế giới quay lưng lại với Huawei. Người sáng lập Huawei khi trả lời các câu hỏi của phóng viên trong một cuộc họp báo tổ chức ở trụ sở chính Huawei tại Thâm Quyến ngày 21/5 đã lưu ý rằng, công ty có thể đáp ứng nhu cầu chip của mình mà không cần sự tham gia của các công ty Mỹ. Hiện nay, Huawei đã tự sản xuất một nửa số chip cần thiết, trong khi số còn lại mua từ các công ty Mỹ.

Giới quan sát nhận định Huawei đã trở thành con bài mặc cả của Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/5 đã mô tả tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc là rất nguy hiểm, song nhấn mạnh tranh chấp của hãng này với Mỹ có thể được giải quyết trong một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên án “hành động quấy rối kinh tế”của Mỹ nhằm “cản trở tiến trình phát triển” của Trung Quốc, đồng thời khẳng định Bắc Kinh “sẽ chiến đấu tới cùng”.

Mới đây, tờ New York Times dẫn nguồn tin cho hay chính quyền Mỹ đang cân nhắc hạn chế công ty thiết bị giám sát của Trung Quốc là Hikvision trong việc mua các công nghệ Mỹ. Hikvision là một trong những nhà sản xuất hệ thống giám sát qua video lớn nhất thế giới. Trong số các sản phẩm của công ty có thiết bị giám sát giao thông, máy ảnh nhiệt, máy bay không người lái và các thiết bị video khác. Các hệ thống Hikvision đã được sử dụng tại Thế vận hội Bắc Kinh, Giải Vô địch Bóng đá Thế giới tại Brazil. Giờ đây, công ty này có thể lọt vào “danh sách đen” của chính quyền Mỹ, có nghĩa là Washington cũng sẽ ban hành lệnh cấm các công ty của Mỹ không được hợp tác với Hikvision.

Máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất cũng bị Mỹ tấn công vào tuần này. Bộ An ninh Nội địa Mỹ vừa có chỉ thị mới cảnh báo các công ty trong nước về việc dữ liệu của họ có thể bị đe dọa khi được thu thập bằng máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất. Trên máy bay không người lái đã cài đặt các thành phần có thể chuyển dữ liệu sang máy tính của bên thứ ba không thuộc về nhà khai thác. Cảnh cáo của Bộ An ninh Nội địa không nêu tên công ty sản xuất nào ở Trung Quốc, nhưng gần 80% các thiết bị bay không người lái sử dụng ở Mỹ và Canada là sản phẩm của công ty DJI, có trụ sở đặt tại Trung Quốc.

Đài Sputnik dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng Mỹ dường như đánh giá thấp hậu quả của các giải pháp đối phó mà Trung Quốc có thể sử dụng để đáp trả các biện pháp trừng phạt chống lại các công ty của nước này. Các chuyên gia Nga không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể sử dụng kim loại đất hiếm – nguyên liệu chiến lược quan trọng trong các ngành công nghiệp công nghệ cao của Mỹ như một con át chủ bài trong cuộc chiến thương mại. Về mặt lý thuyết, Trung Quốc có thể ồ ạt bán ra trái phiếu kho bạc Mỹ trên thị trường thế giới để hạ giá đồng USD, giống như Nga có thể ngừng cung cấp titan cho phương Tây.

Mới đây, ngày 22/5, Trung Quốc đã để cho ba hãng hàng không lớn là Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines lên tiếng đòi tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu Boeing của Mỹ bồi thường những tổn thất do phải tạm ngưng khai thác máy bay Boeing và hoãn giao thêm nhiều chiếc 737 MAX.

Mai Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here