Ba Lan là thị trường lao động đầy tiềm năng đối với Việt Nam

0
129
Những thay đổi chính sách và nhu cầu phát triển kinh tế khiến Ba Lan tiếp tục cần nhiều lao động.

Những thay đổi chính sách và nhu cầu phát triển kinh tế khiến Ba Lan tiếp tục cần nhiều lao động từ Việt Nam và các quốc gia châu Á khác như Philippines, Ấn Độ, Nepal…

Những thay đổi chính sách và nhu cầu phát triển kinh tế khiến Ba Lan tiếp tục cần nhiều lao động.

Dòng người lao động từ Nam Á và Đông Nam Á đã đổ vào Ba Lan từ mấy năm qua, nhất là sau khi hàng triệu lao động Ukraine, vốn có visa ngắn hạn sang làm việc tại Ba Lan nay tìm cách sang Đức. Sự thay đổi trong chính sách visa của Đức và một số nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) đã mở cửa thị trường lao động với mức lương cao hơn cho lao động Ukraine.

Đối với lao động Việt Nam, các nhà tuyển dụng và sử dụng lao động Ba Lan đánh giá rất cao những ưu điểm của lao động Việt Nam. Theo ông Mateusz Matysiak, một quản lý tại công ty Emat HRC đóng ở Wolsztyn, lao động Việt Nam có trình độ tay nghề cao, với đa số biết sử dụng tiếng Anh. Theo ông, lao động Việt rất “chăm chỉ và yêu mến đất nước Ba Lan”. Ông nói thêm các công ty môi giới lao động tại Việt Nam làm việc cũng rất chuyên nghiệp và biết cách trợ giúp đối tác. Trên mạng Internet, các nhà tuyển dụng Ba Lan đã đăng tuyển thợ hàn cho các xưởng đóng tàu quân sự của Hải quân Ba Lan. Nước này từng hợp tác và giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực khai mỏ, cơ khí và đóng tàu.

Theo truyền thông Ba Lan, với đà tăng trưởng kinh tế khởi sắc ghi nhận trong nhiều năm qua (5,1% năm 2018), Ba Lan đang cần nhiều lao động, trong bối cảnh tình trạng di dân hiện nay trong nội bộ EU khiến hàng triệu công dân của quốc gia Trung Âu này đi làm việc ở những nước khác.

Chính phủ Ba Lan ước tính khoảng 1,2 triệu lao động Ukraine đã làm việc tại Ba Lan trong năm 2018, chưa kể con số khoảng 250.000 công dân từ những nước giáp “biên giới phía Đông” gồm Belarus, Nga, Moldavia, Armenia và Georgia. Năm 2018, Ba Lan đã cấp hơn 320.000 giấy phép lao động cho người nước ngoài, trong đó công dân Nepal có số giấy phép lao động nhiều nhất, với 20.000 giấy phép. Bangladesh có trên 8.000 công dân được cấp giấy phép lao động tại Ba Lan, trong khi Ấn Độ có hơn 3.000.

Hiện chưa rõ con số công dân Việt Nam sang làm việc tại Ba Lan là bao nhiêu, nhưng các công ty tuyển dụng Ba Lan phàn nàn rằng, chính các cơ quan lãnh sự của họ chậm trễ trong việc giải quyết thị thực cho công dân Việt Nam và các nước châu Á khác, giữa lúc Ba Lan đang chịu sự giám sát của EU về chính sách nhập cư vốn ưu tiên lao động trong nội khối và hạn chế tình trạng di dân từ bên ngoài EU.

Năm 2018, Bộ Lao động, Bộ Đầu tư và Phát triển cùng Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan đã đi đến một thoả thuận nhằm đơn giản hoá thủ tục tiếp nhận lao động từ bên ngoài EU. Được biết, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu với giới trí thức Việt Nam, trong đó có cả những cựu học sinh từng học tập tại Ba Lan, cũng như các sự kiện xúc tiến nhằm giới thiệu về thị trường lao động Ba Lan.

Mức lương trung bình tại Ba Lan hiện vào khoảng 1.000 Euro/tháng, thấp hơn so với ở Đức, Anh, Ireland, Thụy Điển… nhưng vẫn đủ hấp dẫn đối với người lao động ngoài EU. Cuối năm ngoái, Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam, ông Wojciech Gerwel nói với giới truyền thông rằng Hãng hàng không quốc gia Ba Lan (LOT) có kế hoạch mở đường bay thẳng tới Việt Nam.

Văn Trường

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here