Ngày 2/6, đã diễn ra cuộc họp trực tuyến Hội đồng lần 4 của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cuộc họp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế Nhật Bản Nishimura Yasutoshi cùng với sự tham gia của Bộ trưởng và Quan chức cấp cao của các nước Australia, Bruney, Canada, Chile, Malaysia, Nhật Bản, Mexico, Newzealand, Peru, Singapore và Việt Nam để xem xét yêu cầu gia nhập chính thức Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp.
Hoan nghênh việc Vương quốc Anh chính thức gửi yêu cầu gia nhập Hiệp định vào ngày 1/2/2021, Các Bộ trưởng nhấn mạnh việc khởi động tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP đối với Vương quốc Anh gửi đi thông điệp quan trọng về cam kết của các nước CPTPP trong việc ủng hộ xây dựng hệ thống thương mại quốc tế công bằng, bình đẳng, hiệu quả, toàn diện và dựa trên luật lệ.
Điều này sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy các quy tắc tiêu chuẩn cao của CPTPP cho thế kỷ 21, đồng thời giúp khôi phục và phát triển hoạt động thương mại tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị và đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp.
Các Bộ trưởng cũng khẳng định Quyết định khởi động quá trình đàm phán gia nhập CPTPP đối với Vương quốc Anh chỉ là bước đi đầu tiên. Các nước CPTPP sẽ phối hợp với Vương quốc Anh để đảm bảo duy trì tiêu chuẩn cao của Hiệp định và vị thế đi đầu của Hiệp định CPTPP trong các mối liên kết khu vực và toàn cầu trong thời gian tới.
Tại phiên họp này, Việt Nam đã tham gia tích cực và đóng góp nhiều ý kiến hữu ích, được các nước ghi nhận và đánh giá cao, góp phần vào thành công chung của phiên họp Hội đồng lần thứ 4.
Về nước Anh, kể từ khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Anh đã thể hiện rõ mong muốn tham gia CPTP. Nếu được chấp nhận tư cách thành viên, Anh sẽ trở thành nước đầu tiên ngoài nhóm quốc gia đàm phán ban đầu của CPTPP. Động thái này không chỉ giúp Anh dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường EU mà còn được đánh giá là nhằm nhiều mục tiêu chiến lược khác.
Sau khi Bộ trưởng Ngoại thương Vương quốc Anh, bà Liz Truss thông báo việc chính phủ Anh sẽ đệ đơn xin gia nhập CPTPP, giới doanh nghiệp nước này đã lập tức lên tiếng hoan nghênh. Theo thông tin do Phòng thương mại và công nghiệp Anh cung cấp, nếu đàm phán thành công, Anh sẽ được tự do tiếp cận với một trong những khối thị trường lớn nhất toàn cầu, có tổng GDP lên tới trên 13,5 nghìn tỷ USD và là nơi tập trung những nền kinh tế phát triển năng động hàng đầu thế giới.
Trong năm 2019, tức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kim ngạch thương mại giữa Anh với các nước trong CPTPP đạt 110 tỷ bảng Anh, tương đương trên 150 tỷ USD và từ năm 2016 thì kim ngạch này liên tục tăng với mức khoảng 8%/năm. Vì thế, việc gia nhập CPTPP chắc chắn sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại của Anh với 11 nước CPTPP cao hơn nữa.
Về cụ thể, nếu gia nhập CPTPP, các doanh nghiệp Anh sẽ được hưởng nhiều lợi thế như giảm được đến khoảng 95% thuế quan hiện nay trong trao đổi thương mại với 11 nước CPTPP với rất nhiều mặt hàng như xe hơi, rượu whisky hay thực phẩm. Ngoài ra, quy định về xuất xứ hàng hóa cũng sẽ giúp Anh hưởng lợi khi các sản phẩm, hoặc thành phần sản phẩm được sản xuất tại 11 nước CPTPP sẽ coi như chung xuất xứ. Việc này có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất xe hơi Anh sử dụng nhiều hơn nguyên liệu từ các nước trong CPTPP mà vẫn coi là sản xuất tại Anh. Tiếp đến, việc gia nhập CPTPP cũng sẽ giúp đơn giản hóa việc đi lại làm ăn giữa các nước, đơn giản hóa việc xin và cấp thị thực.
Chu Văn