Vừa qua, báo Philstar.com, Philippines có bài phân tích về việc Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trên bờ vực của cuộc chiến kinh tế, và có thể dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu, như sau:
Đầu tiên là một cuộc chiến thương mại, nhưng kịch bản có thế xảy ra là một cuộc chiến tiền tệ. Vì nhiều lý do, hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đều có thâm hụt thương mại nghiêm trọng với Trung Quốc. Mặc dù có lập luận cho rằng đây không nhất thiết là lỗi của Trung Quốc, nhưng có ý kiến cho rằng Trung Quốc đã tăng thặng dư thương mại thông qua trợ cấp nhà nước, kiểm soát tiền tệ, trộm cắp công nghệ và kiểm soát nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Dù lý do là gì, các nền kinh tế khác sớm hay muộn cũng phải giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại ngày càng nghiêm trọng, nguyên nhân dẫn đến làm nền kinh tế của họ yếu hơn.
Ấn tượng chung là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung này hoàn toàn là vấn đề của ông Trump. Tuy nhiên, trên thực tế ngay cả Đảng Dân chủ cũng ủng hộ hầu hết chiến dịch chống Trung Quốc. Cần lưu ý rằng các công đoàn lao động Mỹ là những người ủng hộ trung thành của Đảng Dân chủ, họ từ lâu đã tuyên bố rằng chính phủ phải bảo vệ người lao động Mỹ khỏi việc chuyển công ăn việc làm của người lao động Mỹ cho người Trung Quốc.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tham gia vào cuộc chiến thương mại từ năm 2018, bắt đầu khi Washington cáo buộc Bắc Kinh cho phép trộm cắp tài sản trí tuệ và hạn chế đầu tư nước ngoài, trừ khi là đầu tư liên doanh. Vào tháng 3 năm 2018, Hoa Kỳ áp dụng thuế quan ban đầu đối với $50- $60 tỷ trị giá hàng hóa bao gồm 1.300 loại hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách đặt thuế đối với 128 sản phẩm mà nước này nhập khẩu từ Mỹ.
Vào tháng 6 năm 2018, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đã phát động chiến tranh thương mại và cho biết sẽ áp dụng thuế quan tương tự đối với hàng hóa của Mỹ. Sau đó, Washington tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung lên 200 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc. Trung Quốc một lần nữa áp thuế đối với các sản phẩm bổ sung của Hoa Kỳ. Tháng 5 năm 2019, Trump tuyên bố rằng các mức thuế trước đây đánh vào 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc sẽ được nâng lên 25%. Vào ngày 1 tháng 6 năm 2019, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế đối với 60 tỷ đô la trị giá hàng hóa của Hoa Kỳ.
Ngày 1 tháng 8 năm ngoái, Trump đã thông báo trên Twitter rằng thuế quan 10% sẽ được áp dụng đối với số hàng hóa còn lại trị giá 300 tỷ đô la của Trung Quốc. Rõ ràng Trump đang đề cập đến phần còn lại của thâm hụt thương mại 500 tỷ đô la chưa được áp dụng thuế quan bổ sung. Trong vòng bốn ngày, Trung Quốc đã công bố biện pháp trả đũa vượt xa biện pháp thuế quan. Trung Quốc ra lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp là hàng xuất khẩu chính của Hoa Kỳ.
Động thái đáng lo ngại nhất là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho phép tỷ giá giữa Nhân dân tệ và Đô la Mỹ giảm thấp hơn mức 7,0 Nhân dân tệ đổi 1 đô la, thấp hơn giá trị đồng tiền của họ.
Trước khi chiến tranh thương mại bắt đầu, Trung Quốc mua 25 triệu đến 30 triệu tấn đậu nành mỗi năm từ Mỹ. Cho đến nay chỉ có 5,3 triệu tấn đậu nành được giao trong năm tháng đầu năm nay so với 15,2 triệu tấn trong năm tháng đầu năm 2018. Tờ Tân Hoa Xã đưa tin các công ty Trung Quốc đã bắt đầu ngưng mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ vì biện pháp trả đũa. Cho đến bây giờ, chiến tranh thương mại bị giới hạn trong việc áp dụng thuế quan bố sung. Việc cấm nhập khẩu một số sản phẩm đã mở ra hướng mới cho cuộc chiến. Có thể Washington sẽ cấm nhập khẩu một số sản phẩm của Trung Quốc.
Chính quyền Trump đã coi Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho phép đồng Nhân dân tệ giảm xuống dưới ngưỡng chính. Trump cáo buộc Trung Quốc làm suy yếu đồng tiền của mình để tạo ra lợi thế thương mại không công bằng.
Theo Eswar Prasad, chuyên gia về hệ thống tài chính Trung Quốc tại Đại học Cornell: Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã coi Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ, báo hiệu rằng cuộc chiến thương mại đang mở rộng thành một cuộc chiến toàn diện và chiến tranh kinh tế mở giữa hai nước. Thị trường chứng khoán trên khắp thế giới đã bị chao đảo. Theo tờ Thời báo Tài chính: Chứng khoán của Hoa Kỳ ghi nhận mức giảm kỉ lục trong một ngày của năm 2019 và lợi suất trái phiếu giảm do các nhà đầu tu lo ngại căng thắng thuơng mại Mỹ-Trung sẽ kìm hãm sự tăng trưởng toàn cầu. Vào ngày 6/8/2019, thị trường chứng khoán châu Á cũng đã giảm mạnh khi mở cửa.
Nhiều nhà kinh tế và phân tích chính trị nhớ lại ngày 9/8/2007, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm 3%. Không có khủng hoảng ngày hôm đó; nhưng đó là khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu năm 2018, các học giả địa chính trị đã cảnh báo rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang diễn ra xung đột, và cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ không có giải pháp dễ dàng và cuối cùng sẽ dẫn đến một cuộc chiến kinh tế toàn diện.
Paul Blustein, người viết về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã viết: Người Trung Quốc đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng họ đã sẵn sàng chiến đấu. Để mất giá tiền tệ vào thời điểm khó khăn như vậy có nghĩa rằng họ đã sẵn sàng chịu đựng rất nhiều tổn thất và điều đó không làm tôi ngạc nhiên rằng thị trường chứng khoán cuối cùng sẽ vào cuộc và điều này có thể thực sự tồi tệ.”
(ĐSQVN tại Philippines)