Hoa Kỳ và Israel đàm phán ký lại Hiệp định FTA đã ký năm 1985

0
88
(Reuters)
(Reuters)

Tháng 3/2019, Israel và Hoa Kỳ tổ chức vòng đàm phán cấp cao nhằm nâng cấp, ký lại hiệp định FTA đã ký năm 1985. Theo đó, Hoa Kỳ yêu cầu Israel mở cửa thị trường và giảm thuế, và tháo gỡ các rào cản cho các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ (cụ thể như lê, táo, pho mai, bơ…) được tiếp cận thị trường Israel thuận lợi hơn.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, theo hiệp định FTA năm 1985 giữa Hoa Kỳ và Israel, “hầu hết sản phẩm của Israel đều được hưởng miễn thuế nhập khẩu ở Hoa Kỳ; trong khi đó, các sản phẩm của Hoa Kỳ tiếp tục đối mặt với mức thuế cao trong nhiều lĩnh vực và đang bị hạn chế tiếp cận vào thị trường Israel”.

Mặc dù Israel là đồng minh thân cận nhất, đối tác thương mại tự do lâu đời nhất của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ liên tục ủng hộ Israel trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự và viện trợ quân sự tại khu vực Trung Đông, nhưng việc Tổng thống Donald Trump tìm cách điều chỉnh các điều khoản thương mại với Israel cho thấy không có đồng minh nào nhận được miễn trừ từ Hoa Kỳ trong các thỏa thuận thương mại mà Hoa Kỳ cho là không công bằng. Trước đây, trong nửa cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, Hoa Kỳ đã từng thúc đẩy tiến tới nâng cấp FTA với Israel, nhưng đàm phán giữa hai bên không tiến triển. Dự kiến nội dung đàm phán sắp tới sẽ tập trung vào việc giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng nông nghiệp. Trước sức ép của phía Hoa Kỳ, cách tiếp cận đàm phán và nội dung trao đổi về mặt kỹ thuật của phía Israel vẫn khá thận trọng và dè dặt.

Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Israel với kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm khoảng 36 tỷ USD. Mặc dù quy mô kinh tế của Isael nhỏ hơn Hoa Kỳ 55 lần nhưng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Israel đạt xấp xỉ 9,4 tỷ USD trong năm 2017 và 8 tỷ USD trong năm 2018. Các mặt hàng đá quý, dược phẩm, máy móc thiết bị điện là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Israel sang Hoa Kỳ; trong khi, nhóm hàng nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1 tỷ USD trong tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2017.

Trong một tin có liên quan, theo báo cáo của OECD, vào đầu tháng 7/2019, Israel vẫn áp dụng chính sách bảo hộ nông nghiệp. Chính phủ Israel hỗ trợ nông dân về trợ cấp giá, bất chấp những nỗ lực mở cửa thị trường để cạnh tranh. Thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm lương thực đang ở mức trung bình 19,1% là không công bằng, cao hơn nhiều so với mức trung bình 3⁄4 của hàng phi nông sản, áp thuế đối với 258 sản phẩm lương thực nhập khẩu (trong khi sản phẩm lương thực khô được áp thuế 0% thì các sản phẩm khác như trứng, sản phẩm bơ sữa, trái cây và rau củ quả bị áp mức thuế rất cao), và áp dụng cơ chế kiểm soát giá, hạn ngạch sản xuất, kiểm soát cửa khâu nhằm ngăn chặn nông sản nhập khẩu vào Israel. Thực tế cho thấy Israel thực hiện chính sách bảo hộ thị trường nông sản khá chặt chẽ. Trong các cuộc đàm phán mở cửa thị trường, Israel tỏ ra khá “rắn” về vấn đề này và thường đưa ra cam kết ở mức thấp.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Israel)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here