Trang chủ > Hồ sơ thị trường > Hồ sơ thị trường Cộng hòa Phi-líp-pin
- Ô-xtrây-li-a
- Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét
- Vương quốc Căm-pu-chia
- Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
- Cộng hoà Ấn Độ
- Cộng hoà In-đô-nê-xi-a
- Nhật Bản
- Đại Hàn Dân Quốc
- Cộng hoà DCND Lào
- Liên bang Ma-lai-xi-a
- Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma
- Niu-di-lân
- Cộng hòa Hồi giáo Pa-kít-xtan
- Cộng hoà Phi-líp-pin
- Cộng hoà Xinh-ga-po
- Vương quốc Thái Lan
- Đài Loan
- Hồng Công
Tình hình phát triển kinh tế những năm gần đây
Một số chỉ tiêu cơ bản về kinh tế
Năm 2017, theo ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Phi-líp-pin là nền kinh tế lớn thứ 34 trên thế giới theo GDP danh nghĩa, và là nền kinh tế lớn thứ 13 ở Châu Á. Phi-líp-pin là một trong những thị trường mới nổi và đứng thứ 6 ở Đông Nam Á theo giá trị GDP bình quân đầu người, sau các nước trong khu vực như Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Phi-líp-pin có nền kinh tế chuyển đổi từ một nước dựa trên nông nghiệp sang một nền kinh tế dựa trên các dịch vụ và sản xuất.
Xuất khẩu chính bao gồm chất bán dẫn và sản phẩm điện tử, thiết bị vận chuyển, hàng may mặc, sản phẩm đồng, sản phẩm dầu mỏ, dầu dừa và trái cây. Các đối tác thương mại lớn bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan, Hồng Kông, Đức, Đài Loan và Thái Lan.
Kể từ năm 2010 đến nay, kinh tế Phi-líp-pin liên tục tăng trưởng tương đối khá, đạt mức tăng trưởng trung bình trên 6%/năm, nhiều năm liền là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực Châu Á. Năm 2017, GDP của Phi-líp-pin đạt mức tăng trưởng 6,6%, với giá trị trên 300 tỷ USD, trong đó dịch vụ chiếm 57,46%, công nghiệp chiếm 34,1% và nông nghiệp chiếm 8,53%.
Một số ngành kinh tế trọng điểm
- Sản xuất
- Thương mại
- Cho thuê và mua bán địa ốc.
- Công nghiệp
- Dịch vụ
- Nông nghiệp
Thông tin về xuất nhập khẩu, đầu tư
Các mặt hàng xuất nhập khẩu chính:
- Các mặt hàng liên quan đến dừa (dầu dừa, bánh dừa…)
- Đường và các sản phẩm liên quan
- Hoa quả, rau củ (dứa, chuối, xoài…)
- Các sản phẩm nông nghiệp (cá, tôm, cà phê thô, rong biển, cao su tự nhiên, thuốc lá thô…)
- Các sản phẩm liên quan đến gỗ
- Các sản phẩm kim loại (đồng, sắt, vàng, nicken…)
- Ngành sản xuất (đồ điện tử, vải và dệt may, giày dép, vali, túi xách, đồ gỗ, đồ nội thất, thuốc, thực phẩm chế biến, đồ chơi trẻ em, bộ phận máy móc hoặc phương tiện giao thông…)
Các đối tác thương mại chính: Hồng Kông, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan
Một số nét chính về chính sách kinh tế, thương mại đầu tư
Định hướng lớn trong chính sách thương mại, đầu tư
Khu vực kinh tế tư nhân được xác định là một động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Vì vậy, trong những năm qua, Chính phủ Phi-líp-pin đã đưa ra nhiều biện pháp như đơn giản hóa các thủ tục, thực hiện bình đẳng trong kinh doanh, các biện pháp ưu đãi, giảm chi phí và chống các hiện tượng tiêu cực, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân phát triển.
Các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên
- Nông nghiệp, ngư nghiệp (sản xuất nông sản, chế biến nông sản, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất phân hữu cơ, dịch vụ sau thu hoạch).
- Công nghệ thông tin, viễn thông (thiết kế dữ liệu, phát triển phần mềm, xử lý truyền dẫn dữ liệu).
- Điện tử (nghiên cứu sản xuất các sản phẩm điện tử gốc trừ đồ gia dụng, dịch vụ điện tử)
- Lắp ráp ô tô, sản xuất phụ tùng xe.
- Năng lượng (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái sinh, áp dụng công nghệ tiên tiến).
- Cơ sở hạ tầng (hạ tầng giao thông, bến cảng, vận tải, viễn thông, cung cấp nước sạch, nhà ở giá thấp, hạ tầng nông nghiệp).
- Du lịch.
- Sắt thép, luyện kim.
- Đóng tàu biển, vận tải biển.
Các đối tác thương mại ưu tiên
Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông.
Chính sách mới nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh
Chính phủ Phi-líp-pin tăng cường khuyến khích đầu tư nước ngoài, huy động các nguồn lực tài chính, công nghệ từ bên ngoài, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, tạo dựng nền tảng cơ sở cho phát triển kinh tế của đất nước. Năm 1987, Phi-líp-pin thông qua Luật đầu tư nước ngoài, đến năm 1991, sửa đổi thành Đạo luật RA 704 tạo ra một hành lang pháp lý khung cho hoạt động đầu tư nước ngoài tại PLP. Đạo luật này khẳng định chính sách ổn định, cởi mở, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Khi đầu tư vào Phi-líp-pin, các nhà đầu tư nước ngoài được đảm bảo các quyền lợi sau:
- Được hưởng các ưu đãi về thuế và các ưu đãi phi thuế khác;
- Chuyển vốn đầu tư cho đối tác hoặc di chuyển về nước;
- Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài;
- Hợp đồng vay ngoại tệ;
- Tự do xuất khẩu sản phẩm của mình;
- Không bị quốc hữu hóa, trưng dụng hoặc trưng thu;
- Chính sách ưu đãi đầu tư của Phi-líp-pin;
- Được miễn thuế thu nhập trong vòng 6 năm nếu đầu tư vào lĩnh vực khuyến khích (sản xuất, chế biến các loại hàng hóa, vật tư nguyên liệu mà Phi-líp-pin chưa sản xuất trước đây, ứng dụng các mô hình, công thức, mẫu mã, biện pháp và quy trình công nghệ trong sản xuất sản phẩm và nguyên liệu mới; hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tạo ra những thành tựu mới trong sản xuất, góp phần thực hiện chương trình tự túc lương thực, lĩnh vực liên quan đến phát triển năng lượng sinh học) và 4 năm đối với các lĩnh vực khác. Đầu tư vào vùng sâu, vùng xa thì được áp dụng đều cho 6 năm. Đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung, vào lĩnh vực sản xuất điện, tăng vốn đầu tư theo hướng sản xuất hàng xuất khẩu thì vẫn được hưởng ưu đãi thuế trong vòng 6 năm (mức thuế thu nhập doanh nghiệp chung hiện nay là 30%, được áp dụng từ năm 2009);
- Miễn giảm thuế thu nhập đối với chi phí cho người lao động và chi phí hạ tầng (áp dụng trong các khu công nghiệp và khu kinh tế tự do);
- Được miễn thuế đối với máy móc, thiết bị thuộc vốn đầu tư cơ bản;
- Được miễn thuế nhập khẩu vật tư, nguyên liệu dùng cho sản xuất đối với các xí nghiệp trong khu kinh tế và khu kinh tế tự do Subic, Clark. Trong trường hợp sản phẩm được phép bán vào thị trường nội địa thì phải nộp thuế vật tư nguyên liệu nhập khẩu;
- Không bị hạn chế đối với việc nhập khẩu máy móc phụ tùng đã qua sử dụng;
- Chỉ đóng 5% thuế thu nhập đối với các xí nghiệp trong đặc khu kinh tế và khu kinh tế tự do Subic, Clark;
- Hàng hóa vật tư cung cấp vào các khu kinh tế tự do nói trên được miễn thuế VAT. Đầu tư vào các khu kinh tế đặc biệt ngoài các ưu đãi nêu trên, còn có các chế độ ưu tiên khác như: nếu đầu tư trên 100.000 USD thì được hưởng cư trú dài hạn hơn; đầu tư trên 150.000 USD thì được cấp cư trú dài hạn cho vợ và con dưới 21 tuổi, nhà đầu tư cùng lúc có thể sở hữu cổ phần ở các xí nghiệp khác nhau;
Các FTAs hiện đang tham gia:
- AFTA
- FTA giữa các nước ASEAN, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-New Zealand, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Úc
- ASEAN + 6
- ATIGA
- EFTA
Các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật thường sử dụng
Các biện pháp phòng vệ thương mại được chia thành 3 quy định pháp lý phù hợp các Hiệp định của WTO, gồm có: (i) RA 8800 – Đạo luật biện pháp tự vệ; (ii) RA 8752 – Đạo luật chống bán phá giá năm 1999; (iii) RA 8751 – Các biện pháp đối kháng.
Các biện pháp tự vệ – cứu trợ khẩn cấp được cung cấp cho một ngành công nghiệp trong nước, sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp, bị ảnh hưởng nặng do lượng hàng nhập khẩu đột ngột tăng mạnh
Các biện pháp chống bán phá giá – giúp bảo vệ một ngành công nghiệp nội địa của Philippine đang bị ảnh hưởng hoặc có thể tổn thất nặng do việc bán phá giá các vật phẩm được nhập khẩu hoặc bán tại Philippines.
Các biện pháp đối kháng – biện pháp áp đặt đối với một sản phẩm được chính phủ nước xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp cấp bất kỳ loại trợ cấp cụ thể nào.
Các mặt hàng đã bị áp dụng biện pháp tự vệ: giấy in báo giá rẻ, bảng làm từ giấy tái chế.
Các mặt hàng bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá: kính nổi trong và màu đồng của Trung Quốc.
Quan hệ kinh tế với Việt Nam
Thương mại
- Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Phi-líp-pin phát triển tốt, đặc biệt là quan hệ thương mại. Trong các nước ASEAN, Phi-líp-pin hiện là đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam.
- Về hợp tác thương mại, năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam – Phi-líp-pin đạt 4 tỷ USD, tăng gần 22% so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Phi-líp-pin đạt 2,8 tỷ USD tăng 28%, kim ngạch nhập khẩu từ Phi-líp-pin đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 9,3%.
- Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Phi-líp-pin gồm có: điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 15,1%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (10,2%), gạo (7,9%), sắt thép các loại (7,8%), clanke và xi măng (7,2%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (6,2%), thủy sản (4,6%), cà phê (3,9%), hàng dệt may (3,2%) và phương tiện vận tải và phụ tùng (2,7%).
- Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Phi-líp-pin gồm có: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 45,6%), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (7%), kim loại thường khác (4,5%), chất dẻo nguyên liệu (2,8%), phế liệu sắt thép (1,9%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (1,7%), phân bón các loại (1,6%), sản phẩm chất dẻo (1,5%), sản phẩm sắt thép (1,2%).
Đầu tư
- Về đầu tư của Phi-líp-pin vào Việt Nam, hiện Phi-líp-pin có 76 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 328 triệu USD, đứng thứ 35/126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô vốn bình quân 1 dự án của Phi-líp-pin là 4,32 triệu USD/dự án, bằng 1/3 mức bình quân chung của 1 dự án FDI tại Việt Nam.
- Theo ngành: Đến nay, Phi-líp-pin đã đầu tư vào 10/21 ngành theo hệ thống phân ngành của Việt Nam, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ nhất với 25 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 252 triệu USD (chiếm 33% số dự án và chiếm khoảng 77% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản với 2 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 60 triệu USD…
- Hình thức: Các nhà đầu tư Phi-líp-pin đầu tư chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 59 dự án với số vốn đăng ký đạt 165 triệu USD (76% số dự án, 52,6% vốn đầu tư); hình thức liên doanh có 17 dự án, 163 triệu USD.
- Địa bàn: Phi-líp-pin đã đầu tư vào 20/63 tỉnh thành của Việt Nam, đứng đầu là Hà Nội (17 dự án; 92,5 triệu USD); Bình Dương (6 dự án; 74 triệu USD); Ninh Bình (1 dự án; 60 triệu USD); TP. Hồ Chí Minh (32 dự án; 41 triệu USD).
- Về đầu tư của Việt Nam vào Phi-líp-pin, Việt Nam có 5 dự án đầu tư sang Phi-líp-pin với tổng vốn đầu tư là 4 triệu USD, trong lĩnh vực phát triển phần mềm – ứng dụng (FPT), dịch vụ, thương mại.
Các hiệp định, thỏa thuận song phương chính
- Hiệp định Thương mại (1/1978);
- Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư (02/1992);
- Hiệp định thành lập Uỷ ban Hỗn hợp về Thương mại và Kinh tế Việt Nam – Phi-líp-pin (2/1992);
- Thoả thuận lập Uỷ ban Hợp tác Song phương (3/1994);
- Tuyên bố chung về nguyên tắc 9 điểm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông (11/1995);
- Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ về phòng và chống các tội phạm hình sự (12/1998);
- Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo (11/2002);
- Bản Thoả thuận thăm dò địa chấn chung Việt Nam – Phi-líp-pin – Trung Quốc tại Biển Đông (3/2005);
- Bản Thỏa thuận về Hợp tác xúc tiến Thương mại (8/2007);
- Chương trình Hành động giai đoạn 2007-2010 (8/2007); Bản Thỏa thuận về Hợp tác Thủy sản (6/2010);
- Bản Thỏa thuận về Hợp tác Quốc phòng (10/2010);
- Bản Thỏa thuận về Hợp tác Học thuật (10/2010);
…….
Phi-líp-pin là thị trường quy mô lớn với hơn 100 triệu dân, kim ngạch nhập khẩu trên 90 tỷ USD/năm. Yêu cầu về chất lượng và giá cả hàng hóa không quá cao, văn hóa tiêu dùng không quá khắt khe (không phải theo các quy định tôn giáo, khá cởi mở với đồ dùng nhập khẩu), phù hợp với khả năng cung cấp của Việt Nam. Mặt khác, hàng hóa của Việt Nam được hưởng mức thuế ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN;
Giao thông thuận lợi cho giao lưu thương mại song phương với đường bay thẳng từ Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh khoảng 3- 3,5 tiếng; chi phí ăn ở, đi lại không quá đắt đỏ, giúp giảm chi phí giao dịch, gặp gỡ khách hàng.
Các mặt hàng có tiềm năng tại thị trường:
- Thủy sản: Ngành này chưa được phát triển như Việt Nam. Thủy sản Việt Nam có chất lượng cao, được ưa chuộng.
- Nông sản: dân số đông, sức tiêu thụ nông sản lớn, sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu người dân
- Thực phẩm chế biến: đặc tính người Philippines chuộng thức ăn nhanh vì tính tiện lợi và giá rẻ.
- Vật liệu xây dựng: Philipines đang có Chương trình đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng do Tổng thống ban hành. Do đó nhu cầu về vật liệu xây dựng rất cao, đặc biệt là xi măng.
- Dây điện, cáp điện và thiết bị điện: Chất lượng dây điện, cáp điện và thiết bị điện của Việt nam có chất lượng cao, được ưa chuộng tại thị trường Philippines.
Các quy định về xuất nhập khẩu
Hàng hóa nhập khẩu vào Phi-líp-pin được phân theo ba nhóm chính: (i) Nhóm hàng hóa được phép nhập khẩu tự do; (ii) Nhóm hàng hóa nhập khẩu có sự quản lý; (iii) Nhóm hàng hóa cấm nhập khẩu.
Hàng hóa nhập khẩu vào Phi-líp-pin bằng đường không hoặc đường biển phải được người chuyên chở kê khai rõ. Hàng hóa nhập khẩu được phân ra loại chính thức và không chính thức. Loại không chính thức gồm: (i) hàng hóa nhập khẩu cho mục đích thương mại với mức thuế dưới 500 USD hoặc (ii) hành lí của hành khách với mục đích sử dụng cá nhân. Các hình thức chuyên chở khác sẽ được khai báo thuế quan theo hình thức nhập khẩu chính thức, chủ yếu gồm nhập khẩu của công ty, đại lý, cá nhân với khối lượng lớn có tính chất thương mại.
Tất cả hàng hóa nhập khẩu phải được kiểm định trước khi chuyên chở. Việc kiểm định được thực hiện bởi một công ty kiểm định được phép hoạt động tại nước xuất khẩu. Hàng hóa nhập khẩu có giấy chứng nhận đáp ứng yêu cầu (Clean Report of Findings – CRF) và phải được nộp kèm với tờ khai nhập khẩu.
Tuy nhiên có một số hàng hóa nhập khẩu chịu sự quản lý nhập khẩu, có nghĩa là chỉ được phép nhập khẩu nếu chúng có đủ những giấy tờ nhập khẩu do cơ quan chính phủ có liên quan cấp. Cục Hải quan, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước PLP hoặc bất kì một ngân hàng nào được ủy quyền cũng có thể kiểm tra tình trạng nhập khẩu của mọi hàng hóa nhập khẩu.
Những chứng từ nhập khẩu cần chuẩn bị:
- Hóa đơn thương mại
- Vận đơn chuyên chở (đường biển hoặc máy bay)
- Giấy chứng nhận xuất xứ
- Phiếu đóng gói
Ngoài ra còn có một số giấy chứng nhận đặc biệt khác do tính chất của hàng hóa yêu cầu và/hoặc do nhà nhập khẩu/ ngân hàng/ hoặc các điều khoản trong thư tín dụng yêu cầu, ví dụ như Giấy phép của Cục Thực phẩm và Dược phẩm….
Thông quan hàng nhập khẩu:
Có 4 bước chính liên quan đến quy trình nộp chứng từ nhập khẩu:
- Lập chứng từ
- Kiểm tra và đánh giá
- Thanh toán thuế
- Giải phóng hàng hóa ra khỏi khu vực thuế quan.
Nhập khẩu tạm thời:
Tại PLP những mặt hàng nhập khẩu tạm thời không phải trả thuế nhưng phải ký quỹ một khoản đảm bảo tương đương 150% mức thuế được xác định để đảm bảo việc tái xuất trong một thời hạn cụ thể.
Các mặt hàng mua để phục vụ sửa chữa, chế biến hoặc tu bổ sẽ được tái xuất sau khi hoàn thành công việc sửa chữa, chế biến hoặc tu bổ trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày nhập.
Các mặt hàng và phương tiện xe cộ cá nhân và gia dụng thuộc sở hữu của các chuyên gia nước ngoài được mang theo sử dụng và sẽ được tái xuất trong thời hạn sáu tháng sau khi kết thúc các điều khoản trong hợp đồng của họ, có thể gia hạn thêm sáu tháng trong các trường hợp đặc biệt.
Các mặt hàng được sử dụng cho giải trí công cộng hoặc trưng bày triển lãm hoặc thi đấu và các thiết bị dùng cho sân khấu biểu diễn sẽ được tái xuất trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày nhập.
Các đồ dùng, phương tiện do các nhà sản xuất phim nước ngoài mang theo để sử dụng làm các cảnh phim tại PLP sẽ được tái xuất trong vòng sáu tháng kể từ ngày, có thể gia hạn thêm sáu tháng nữa.
Nhập khẩu có giấy phép:
Phi-líp-pin vẫn chú trọng bảo hộ thuế quan cho những ngành công nghiệp có tính chiến lược như ô tô, hóa dầu, thép, ngành may mặc, thủ công mỹ nghệ. Hàng nông sản khi nhập khẩu phải tuân theo những thủ tục xin giấy phép và giấy phép nhập khẩu. Những hạn chế về số lượng vẫn áp dụng cho mặt hàng gạo, cá và thủy sản.
Phi-líp-pin vẫn giữ mức thuế cao đối với nhiều mặt hàng nông sản bao gồm ngũ cốc, thú nuôi và các sản phẩm từ thụ, đường, một số loại rau và cà phê.
Chính sách thuế và thuế suất
Hệ thống thuế ở Phi-líp-pin bao gồm các thuế và phí áp dụng chung trong cả nước. Thuế và phí do chính quyền địa phương quy định. Thuế toàn quốc bao gồm các thuế thu nội địa và thuế xuất nhập khẩu. Về quản lý thuế, Phi-líp-pin thực hiện hệ thống tự đánh giá và chịu trách nhiệm, đặc biệt đối với thuế thu nhập cá nhân. Những người thuê nhân công là người chịu trách nhiệm tính thuế thu nhập của những người làm công cho mình và nộp số tiền thuế đó cho cơ quan thuế.
Những ưu đãi thuế
Các lĩnh vực được khuyến khích về thuế bao gồm các hoạt động kinh doanh xuất khẩu, phát triển công nghiệp, khai thác mỏ, sản xuất và chế biến nông sản, thủy sản, vận chuyển, dược phẩm, các sản phẩm công nghệ cao, các dự án môi trường, dịch vụ công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở bình dân, các hoạt động nghiên cứu và phát triển, các dịch vụ xã hội, du lịch. Các khu kinh tế đặc biệt như Khu chế xuất, Khu thương mại tự do hay Khu công nghệ được ưu đãi, miễn giảm thuế đối với việc nhập khẩu máy móc, thiết bị và vật tư đầu vào. Thêm vào đó, Chính phủ có ưu đãi về thuế thu nhập đối với các ngành công nghiệp mũi nhọn hay các công ty đang sản xuất mở rộng.
Miễn thuế: Luật Đầu tư quy định các doanh nghiệp đã đăng ký với Cục Đầu tư và hội đủ tiêu chí nêu trong Chương trình ưu tiên hàng năm được miễn thuế từ bốn đến sáu năm. Ngoài ra các doanh nghiệp này còn được hưởng tín dụng thuế để mua máy móc, thiết bị và nguyên liệu thô do Phi-líp-pin sản xuất.
Các khu kinh tế đặc biệt: Phi-líp-pin có 195 khu kinh tế đang hoạt động, gồm hai khu kinh tế nông – công nghiệp, 118 khu công nghiệp/ trung tâm công nghệ thông tin, 64 khu công nghiệp chế tạo, 02 khu trung tâm du lịch y tế và 09 khu kinh tế – du lịch. Ngoài ta còn có 83 khu kinh tế đang được triển khai xây dựng gồm 01 khu kinh tế nông – công nghiệp, 50 trung tâm công nghệ thông tin, 30 khu công nghiệp chế tạo và 01 khu kinh tế du lịch. Các doanh nghiệp ở khu kinh tế đặc biệt được hưởng những ưu đãi về thuế sau:
- Miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, vật liệu phụ tùng thay thế;
- Miễn thuế thu nhập từ 4 đến 8 năm;
- Hưởng thuế suất đặc biệt 5% tổng thu nhập thay cho tất cả các loại thuế toàn quốc và địa phương sau thời kỳ miễn thuế;
- Hưởng ưu đãi tín dụng thuế đối với hàng hóa thay thế nhập khẩu;
- Miễn phí bến cảng, thuế xuất khẩu và các phí nhập khẩul
- Hưởng ưu đãi tín dụng thuế đối với máy móc thiết bị nội địa.
Các hiệp định quốc tế: PLP đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần và các hiệp định thuế khác với nhiều nước. Hiện tại, có trên 30 điều ước quốc tế có hiệu lực. Những ưu đãi và miễn giảm thuế của các điều ước quốc tế PLP tham gia được luật thuế PLP thừa nhận.
Thuế xuất – nhập khẩu
Tất cả hàng hóa nhập khẩu vào PLP đều phải nộp thuế hải quan trước khi nhận hàng về nếu không được miễn trừ thuế phù hợp với quy định của Bộ tài chính.
Thuế suất: Thuế suất thuế nhập khẩu rất đa dạng, tùy thuộc vào loại hàng hóa nhập khẩu, từ 3-50%. Những quyết định thay đổi về thuế quan được công bố tại trang điện tử của Tổng cục Hải quan PLP và Ủy ban thuế quan PLP (www.customs.gov.ph). Những thay đổi đáng chú ý gần đây là Sắc lệnh 703 của Tổng thống PLP ngày 22/1/2008, sửa đổi thuế suất đối với đối với một số mặt hàng nhập khẩu nhằm thực hiện cam kết giảm thuế quan đối với 80% sản phẩm xuống còn 0% theo lộ trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung của Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).
Việc trả thuế được tiến hành thông qua các ngân hàng và theo phương thức điện tử nối với các cơ quan thuế quan. Theo Hệ thống thanh toán trên mạng tự động (OLRS), khi việc trả thuế qua các ngân hàng đã được thông báo cho các cơ quan thuế quan, các cơ quan thuế quan sẽ mở khóa các khoản thuế đã trả và cho phép người điều hành cảng để người nhập khẩu hoặc đại diện của người nhập khẩu nhận hàng về.
Thuế của chính quyền địa phương:
Hiến pháp PLP trao cho chính quyền địa phương quyền được tạo ra các nguồn thu nhập riêng của họ và có thể đánh thuế, thu phí đối với một số hoạt động kinh doanh theo quy định của Luật chính quyền địa phương. Các nhà sản xuất, bán buôn, xuất khẩu, các nhà thầu chịu thuế lũy tiến đối với một phần nhất định của tổng doanh thu và thuế phần trăm tối đa trong khoảng 0,375-0,75% của phần doanh thu không bị đánh thuế lũy tiến, tùy thuộc địa điểm kinh doanh. Các ngành hàng khác nhau có mức thuế khác nhau.
Luật Chính quyền địa phương cũng quy định nhứng sắc thuế chính quyền địa phương không được đánh thuế gồm:
- Thuế thu nhập, trừ trường hợp các ngân hàng và các thể chế tài chính khác.
- Thuế chứng chỉ
- Thuế bất động sản, thừa kế, quà biếu, trừ trường hợp chuyển giao sở hữu tài sản được quy định tại Luật Chính quyền địa phương.
- Thuế hải quan, phí đăng kí tàu thuyền và các loại phí hải quan khác, trừ phí bến bãi đối với những bến bãi do chính quyền địa phương xây dựng và vận hành.
- Các loại thuế và phí đối với hàng hóa được đưa tới, đưa đi hay đi qua vùng lãnh thổ tài phán của chính quyền địa phương dưới dạng phí bến bãi, phí cầu đường hay bất cứ thuế nào khác dưới bất cứ hình thức nào đối với hàng hóa, sản phẩm
- Các loại thuế và phí đối với các hàng nông sản, thủy sản của nông dân và ngư dân.
- Các loại thuế đối với doanh nghiệp được Hội đồng đầu tư chứng nhận đầu tư trong thời gian từ bốn đến sáu năm kể từ ngày đăng ký
- Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng được nêu tại Luật thu nội địa quốc gia và các thuế, phí đối với sản phẩm dầu mỏ.
- Thuế VAT đối với việc mua bán, hàng đổi hàng hoặc trao đổi hàng hóa hay dịch vụ
- Các loại thuế trên hóa đơn của nhà thầu vận chuyển và các cá nhân tham gia vận chuyển hành khác và hàng hóa, trừ những trường hợp quy định tại Luật chính quyền địa phương.
- Thuế đối với tái bảo hiểm
- Các loại thuế, phí đối với việc đăng ký xe, cấp các loại bằng, giấy phép lái xe, trừ xe xích lô
- Các loại thuế, phí đối với các sản phẩm nội địa PLP xuất khẩu, trừ những trường hợp theo luật định
- Các loại thuế, phí đối với các doanh nghiệp thực sự do các đơn vị hành chính địa phương (xã, huyện) tổ chức và đăng ký và đối với các hợp tác xã.
- Các loại thuế, phí bất kỳ đối với chính quyền trung ương, các cơ quan, tổ chức của Chính phủ và các đơn vị chính quyền địa phương.
Quy định về bao bì, nhãn mác
Yêu cầu ghi nhãn và đánh dấu của Phi-líp-pin được quy định trong Đạo luật người tiêu dùng của Phi-líp-pin (Đạo luật Cộng hòa số 7394) và Tiêu chuẩn quốc gia Phi-líp-pin (PNS). Cục Tiêu chuẩn Phi-líp-pine (BPS) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) là cơ quan tiêu chuẩn quốc gia phát triển và thực hiện PNS.
Tất cả các sản phẩm tiêu dùng được bán trong nước, dù được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu, đều phải có các thông tin sau trên nhãn của họ:
- Tên thương hiệu và tên thương hiệu được đăng ký và chính xác;
- Thương hiệu đã được đăng ký;
- Tên và địa chỉ doanh nghiệp đã đăng ký của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc người đại diện cho sản phẩm tiêu dùng ở Philipin;
- Tổng thành phần hoạt chất hoặc hoạt tính;
- Chất lượng thực của nội dung, về mặt trọng lượng; và,
- Nước sản xuất, nếu là sản phẩm nhập khẩu.
BPS thực hiện chương trình cấp dấu chứng nhận sản phẩm (product certification mark ) để xác minh sự phù hợp của sản phẩm với PNS và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Điều này bao gồm các sản phẩm quan trọng như thiết bị điện và điện tử, cũng như người tiêu dùng, hóa chất và vật liệu xây dựng. Các sản phẩm được sản xuất tại địa phương phải có dấu hợp chuẩn Philipin (Phi-líp-pin Standard (PS) mark), trong khi các sản phẩm nhập khẩu phải có các dấu chứng nhận hàng hóa nhập khẩu (ICC) được cấp bởi BPS.
Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch
Tất cả thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào Phi-líp-pin đều phải tuân thủ luật về thực phẩm và kiểm dịch thực vật của Phi-líp-pin.
Tất cả các sản phẩm thực phẩm và nông sản, bao gồm các sản phẩm thực vật nhập vào Phi-líp-pin, đều phải trải qua các quy trình được thiết kế để kiểm tra xem chúng không bị nhiễm sâu bệnh và chúng phù hợp với mục đích sử dụng của chúng hay không.
Các quy định và thủ tục kiểm dịch động thực vật được áp dụng cho các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm nhập khẩu về cơ bản cũng tương tự như đối với tất cả các loại sản phẩm khác. Theo luật nhập khẩu của Phi-líp-pine, trách nhiệm của nhà nhập khẩu là đảm bảo rằng bất kỳ sản phẩm nào nhập vào lãnh thổ hải quan của nước này đều tuân thủ đầy đủ các quy định về vệ sinh và kiểm dịch của Phi-líp-pine.
Các cơ quan thực thi sẽ kiểm tra sự tuân thủ bằng cách kiểm tra hàng hóa và các tài liệu xuất nhập khẩu có liên quan và quyết định liệu hàng hóa có thể nhập vào Phi-líp-pin hay không.
Trong trường hợp không tuân thủ, hàng hóa có thể được yêu cầu phải được xử lý trước khi được đưa ra hoặc có thể bị từ chối và ra lệnh hủy hoặc xử lý bên ngoài Phi-líp-pin. Do đó, điều rất quan trọng là các nhà nhập khẩu và xuất khẩu đảm bảo rằng việc tuân thủ được thực hiện trước khi hàng hóa được vận chuyển đến Phi-líp-pin.
Hai cơ quan chính được giao nhiệm vụ xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ở Phi-líp-pin là Cục Thực phẩm và Thuốc (BFAD) thuộc Bộ Y tế (DOH) và Cục Tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp và thủy sản (BAFPS) của Bộ Nông nghiệp (DA). Theo Đạo luật Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm, BFAD chịu trách nhiệm về sự an toàn của các sản phẩm thực phẩm chế biến, còn theo Đạo luật hiện đại hóa nông nghiệp và thủy sản (AFMA), BAFPS được giao chịu trách nhiệm về các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản tươi sống.
Quyền sở hữu trí tuệ
Theo luật pháp của Phi-líp-pin, nhãn hiệu là bất kỳ dấu hiệu nào nhìn thấy được có khả năng phân biệt hàng hóa (gọi là nhãn hiệu hàng hóa) hoặc các dịch vụ (gọi là nhãn hiệu dịch vụ) của một doanh nghiệp và bao gồm cả bao bì của hàng hóa sản phẩm đề có thể đăng ký là nhãn hiệu tại Phi-líp-pin. Tuy nhiên, có một số nhãn hiệu hàng hóa không được đăng ký bảo hộ:
- Nhãn hiệu có nội dung trái với đạo đức xã hội và trật tự công cộng, lừa dối hoặc gây phản cảm đối với xã hội;
- Nhãn hiệu có chứa đựng bấ (t kỳ sự mô phỏng nào giống với quốc kỳ, quốc huy của Phi-líp-pin hoặc của các nước khác;
- Nhãn hiệu chứa đựng tên, hình ảnh hoặc chữ ký của một cá nhân nào đó còn sống, trừ khi được phép của người đó, hoặc tên, hình ảnh hoặc chữ ký của Tổng thống Philipin đã qua đời nhưng trong thời gian vợ/chồng góa của Tổng thống đó còn sống, trừ khi được người đó cho cho phép;
- Nhãn hiệu trùng lặp hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký hoặc nhãn hiệu của người khác có ngày nộp đơn sớm hơn được dùng cho hàng hóa hoặc dịch vụ cùng loại hoặc có liên quan với nhau;
- Nhãn hiệu trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới và Phi-líp-pin;
- Nhãn hiệu có khả năng lừa dối công chùng, đặc biệt là về bản chất, chất lượng, đặc tính hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa, hoặc dịch vụ.
Pháp luật Philipin thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với các nhãn hiệu chưa đăng ký trong một thời gian không xác định chừng nào nhãn hiệu được chủ sở hữu sử dụng liên tục tại Philipin và công chúng phân biệt được hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đó với hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu của người khác. Chủ sở hữu nhũng nhãn hiệu không đăng ký này có thể bảo vệ quyền của mình thông qua luật về cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, chỉ có các công ty đăng ký tại Phi-líp-pin có chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ nhân có bằng sáng chế cho phép sử dụng nhãn hiệu mới có quyền khởi kiện bên thứ ba sử dụng trái phép nhãn hiệu của mình theo thủ tục tố tụng hình sự. ngoài ra, quyền khiếu nại vi phạm nhãn hiệu và các hế tài theo luật nhãn hiệu hàng hóa của Phi-líp-pin chỉ có hiệu lực đối với những sản phẩm đã được đăng ký. Phi-líp-pin áp dụng quyền ưu tiên đối với nhãn hiệu được cấp cho người nào nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trước trong số những đơn đăng ký cùng một nhãn hiệu cho một nhóm sản phẩm.
Nếu người nộp đơn không phải là người cư trú hợp pháp hoặc không có cơ sở kinh doanh hợp pháp ở Phi-líp-pin thì người đại diện hoặc tổ chức được ủy quyền tại Philipin nộp giúp.
Đăng ký nhãn hiệu ở Phi-líp-pin được bảo hộ trong thời hạn 10 năm. Hiệu lực đăng ký nhãn hiệu tại Philipin có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp mỗi lần 10 năm. Chủ sở hữu nhãn hiệu phải nộp đơn xin gia hạn trong vòng 6 tháng trước khi hết hạn hoặc 6 tháng sau khi hết hạn với điều kiện phải trả thêm phí gia hạn muộn.
Tập quán kinh doanh
- Trong quan hệ giao dịch, người Philipin rất cởi mở khi giao tiếp, không cầu kỳ về trang phục, nói tiếng Anh tốt. trong đàm phán thường đi thẳng vào vấn đề cần trao đổi, không vòng vo, rào đón. Phần lớn thương nhân Philipin ít hút thuốc và uống rượu. Trong các buổi tiệc không dùng nhiều rượu, bia. Người Phi-líp-pin không muốn tiếp khách, hội họp, giao dịch vào các ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần (thông thường ngày Chủ nhật họ hay tắt máy điện thoại). Các công ty thường thuê luật sư riêng để bảo vệ quyền lợi của mình.
- Hoạt động buôn bán ở Phi-líp-pin phần lớn thông qua trung gian hoặc các đại lý (agent). Thông thường các doanh nghiệp làm ăn đều thông qua trung gian vì phần lớn các nhà máy, các siêu thị ủy quyền cho các đại lý nhập khẩu. Có trường hợp thời gian đầu xuất hàng qua trung gian suôn sẻ, sau đó người bán nghĩ rằng muốn bán trực tiếp cho người mua sẽ được giá hơn, nhưng khi đặt vấn đề thì nhà nhập khẩu lại đề nghị tiếp xúc với đại lý của họ. Và như vậy sẽ ảnh hưởng đến quan hệ sau này và không được lợi gì.
- Các nhà nhập khẩu muốn nhập mặt hàng nào thì phải tìm kiếm danh mục ít nhất là năm nhà cung cấp để lựa chọn và so sánh.
- Khi xảy ra tranh chấp, hai bên cố gắng thương lượng. Nếu đưa ra tòa án Phi-líp-pin giải quyết thì sẽ không có lợi bởi nhiều lẽ (i) chi phí thuê luật sư tại Phi-líp-pin rất cao; (ii) mất rất nhiều thời gian để tòa xử; (iii) mất nhiều tiền của và công sức trong việc theo kiện.
- Khi tới Phi-líp-pin buôn bán cần đổi tiền pê sô chi tiêu vì mọi thanh toán đều bằng đồng nội tệ (trừ tiền ở khách sạn có thể thanh toán bằng đô la Mỹ). Cần chuẩn bị ít tiền lẻ để làm tiền boa cho người phục vụ theo phong tục tập quán của người Phi-líp-pin.
Tại Việt Nam
Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (844) 22205518
Đại sứ quán Phi-líp-pin tại Việt Nam
Địa chỉ: 27B – Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Việt Nam.
Điện thoại: (84-04) 39437873/39434493/39437948/39439826
Fax: (84-04) 39435760
Email: hanoi.pe@dfa.gov.ph; hnpe2000@gmail.com
Tại Phi-líp-pin
Đại sứ quán Việt Nam tại Phi-líp-pin
Địa chỉ: 670 Pablo Ocampo street, Malate, Manila
Điện thoại: +63 2521 6843
Fax: +63 2526 0472
Email: vnembph@yahoo.com