[wpseo_breadcrumb]
- Ô-xtrây-li-a
- Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét
- Vương quốc Căm-pu-chia
- Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
- Cộng hoà Ấn Độ
- Cộng hoà In-đô-nê-xi-a
- Nhật Bản
- Đại Hàn Dân Quốc
- Cộng hoà DCND Lào
- Liên bang Ma-lai-xi-a
- Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma
- Niu-di-lân
- Cộng hòa Hồi giáo Pa-kít-xtan
- Cộng hoà Phi-líp-pin
- Cộng hoà Xinh-ga-po
- Vương quốc Thái Lan
- Đài Loan
© Photo cover by Fidel Fernando on Unsplash
Tổng quan tình hình kinh tế
Hồng Công có tên gọi chính thức là Khu Hành chính đặc biệt Hồng Công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, được tô giới cho Anh năm 1898 và đến năm 1997 trở về với Trung Quốc theo quy chế “một quốc gia hai chế độ”.
Nằm ở phía Đông Nam Trung Quốc, đối diện với Đồng bằng sông Châu Giang; phía Đông, Nam và Tây được biển bao quanh; phía Bắc giáp với Đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, Quảng Đông. Hồng Công có diện tích 1.104 Km2 (đất liền: 1.054 Km2, mặt nước: 50 Km2); bờ biển dài 733 Km. Lãnh thổ Hồng Công bao gồm các bộ phận chính: Đảo Hồng Công (81 km2, là đảo lớn thứ 2, đông dân cư nhất, trung tâm tài chính và kinh tế), Bán đảo Cửu Long (47 km2), Tân Giới (748 km2) cùng với Lan Đảo (là đảo lớn nhất với sân bay quốc tế và khu giải trí Disneyland) và 262 đảo lớn nhỏ khác (228 km2).
Hồng Công có dân số 7,4 triệu người (năm 2016), trong đó người Hoa chiếm 95% (Theo Cục Thống kê Hồng Công).
Tình hình phát triển kinh tế, thương mại
Kinh tế Hồng Công được đánh giá là nền kinh tế tự do nhất trên thế giới, theo định hướng dịch vụ (đóng góp hơn 90% GDP), với 4 trụ cột: Thương mại, Logistics (23,4 %); du lịch (5,1%); dịch vụ tài chính (16,6%); các dịch vụ nghề nghiệp và dịch vụ sản xuất khác (12,4 %). Với chính sách tự do hóa thương mại và mở cửa, Hồng Công trở thành một trong những trung tâm thương mại và tài chính quốc tế hàng đầu, cửa ngõ chiến lược quan trọng cho đầu tư, kinh doanh.
Kinh tế Hồng Công trong những tháng đầu năm 2018 tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự phục hồi xuất khẩu và tăng trưởng đầu tư cố định, các chỉ số hoạt động sản xuất, xuất-nhập khẩu, niềm tin kinh doanh, tỷ lệ thất nghiệp…. đều đạt mức khả quan với tổng sản phẩm quốc nội 3 tháng đầu năm đạt 83,6 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 4,7% so với cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp 2,8%, CPI là 2,3%.
Về xuất nhập khẩu, đầu tư, năm 2017, Hồng Công đứng thứ 7 về xuất khẩu hàng hóa và thứ 14 về xuất khẩu dịch vụ trên thế giới, trong đó:
(i) Xuất khẩu đạt 496,9 tỷ USD, tăng 8%; các đối tác xuất khẩu chính gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Singapore, Đức, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc…; mặt hàng xuất khẩu chính là: thiết bị điện tử (chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu hàng hóa), đá quý và kim loại quý (chiếm khoảng 14%), máy móc và động cơ…
(ii) Nhập khẩu đạt 558,6 tỷ USD, giảm 8,7%; các đối tác nhập khẩu chính gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ và Hàn Quốc…; mặt hàng nhập khẩu chính là: máy móc thiết bị điện và điện tử, mặt hàng chế biến, hóa chất, nhiên liệu khoáng sản và thực phẩm…
Hồng Công có thuế quan ở mức 0% đối với hầu hết các mặt hàng, trừ một số mặt hàng như: bia, rượu, thuốc lá, xăng dầu và methanol… Các lệnh cấm nhập khẩu và kiểm soát giấy phép chủ yếu được thực hiện đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực sức khỏe, an ninh, bảo vệ môi trường và tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế. Thủ tục hải quan tương đối đơn giản, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Hồng Công hiện cũng là thành viên của WTO và APEC.
Quy tắc xuất xứ của Hồng Công đối với các sản phẩm cụ thể được ban hành theo nguyên tắc cơ bản được quốc tế chấp nhận. Giấy chứng nhận xuất xứ (CO) không phải là tài liệu xuất khẩu bắt buộc, chỉ được yêu cầu đối với những giao dịch đòi hỏi những thủ tục hải quan của nước nhập khẩu hoặc để thỏa mãn đề nghị của người mua.
Một số nét chính về chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư của Hồng Công
Định hướng lớn trong chính sách thương mại, đầu tư
Tại Báo cáo chính sách phát triển của Hồng Công, Bà Carrie Lam, Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Công đã nhấn mạnh: Chính quyền đóng vai trò “điều phối”, “thúc đẩy phát triển” và tranh thủ những cơ hội phát triển từ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và Quy hoạch “Vịnh nước lớn” (Greater Bay Area) mang lại; thúc đẩy Hồng Công trở thành trung tâm dịch vụ pháp luật và giải quyết tranh chấp quốc tế của BRI và Greater Bay Area, đồng thời khuyến khích tăng cường hợp tác giữa Hồng Công với giới luật sư tại Greater Bay Area.
Để phát triển Hồng Công trở thành Trung tâm sáng tạo và công nghệ quốc tế, các biện pháp thúc đẩy sự đổi mới, công nghệ và ngành công nghiệp sáng tạo được thực hiện; đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ 5 năm của Chính quyền là tăng gấp đôi chi tiêu về nghiên cứu phát triển tổng thể Hồng Công, từ 0,73% tăng lên 1,5% GDP. Phát triển công nghiệp sáng tạo, cùng với Thâm Quyến phát triển Vườn công nghệ và sáng tạo Hồng Công – Thâm Quyến tại khu vực sông Lok Ma Chau (Hong Kong – Shenzhen Innovation and Technology Park in the Lok Ma Chau Loop), đồng thời xây dựng khu vực “Vịnh nước lớn” trở thành Trung tâm khoa học công nghệ cao của thế giới.
Để củng cố Hồng Công là Trung tâm tài chính, đầu tư và thương mại quốc tế, Chính quyền hỗ trợ thúc đẩy thị trường tài chính Hồng Công đa dạng hóa phát triển, đi đầu trong việc phát hành trái phiếu xanh tại năm tài chính tiếp theo, nghiên cứu mở rộng các kênh qua biên giới về dòng chảy hai chiều nguồn vốn Nhân dân tệ; thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực, bao gồm các quốc gia nằm trong Sáng kiến “Vành đai, Con đường”, thúc đẩy các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế 2 lần.
Để giảm bớt gánh nặng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuế lợi nhuận doanh nghiệp được giảm xuống còn 8,25% đối với lợi nhuận 2 triệu Đô la Hồng Công đầu tiên, giá trị lợi nhuận tiếp theo được tính theo tiêu chuẩn là 16,5%. Ngoài ra, Chính quyền cấp kinh phí bổ sung 250 triệu Đô la Hồng Công cho Hội đồng Phát triển thương mại Hồng Công để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội mà Sáng kiến “Vành đai, Con đường” và Quy hoạch “Vịnh nước lớn” mang lại, thúc đẩy thương mại điện tử, nâng cao vị thế là Trung tâm Hội nghị, Triển lãm quốc tế và mua sắm của thế giới.
Chính sách phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật
Hồng Công là một trong những thị trường thương mại tự do nhất trên thế giới, về cơ bản không xây dựng rào cản kỹ thuật cũng như biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu. Trước xu hướng bảo hộ và phòng vệ thương mại nổi lên gần đây, với tư cách là một nền kinh tế thành viên WTO, APEC, Hồng Công đã nhiều lần khẳng định chính sách nhất quán về thương mại tự do và mở cửa, phản đối chủ nghĩa bảo hộ.
Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Hồng Công
Với quy chế “Một quốc gia hai chế độ”, Hồng Công độc lập tương đối trong thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại với các nước, trong đó có Việt Nam. Quan hệ Việt Nam – Hồng Công thời gian qua tiếp tục phát triển tốt đẹp cả về song phương và đa phương (cùng là thành viên APEC, WTO), theo đà phát triển của quan hệ chung Việt Nam – Trung Quốc.
Trong hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam và Hồng Công đã ký có các văn bản, thỏa thuận hợp tác quan trọng gồm:
– Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đánh vào thu nhập ký tháng 12/2008 và có hiệu lực từ 01/01/2010.
– Thỏa thuận về Xúc tiến thương mại ký tháng 4/2009, nhằm tăng cường hỗ trợ và phát triển giao thương, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin về thị trường, các chính sách kinh tế, thương mại có tác động tới quan hệ giao thương của cộng đồng doanh nghiệp.
– Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hồng Công đã chính thức được ký kết, cùng với đó là Hiệp định đầu tư ASEAN – Hồng Công.
Tình hình xuất nhập khẩu
Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất trong số các nước ASEAN và thứ 9 trên thế giới đối với Hồng Công. Tăng trưởng thương mại Việt Nam – Hồng Công bình quân trong giai đoạn 5 năm 2012 – 2016 đạt 13,9%/năm, trong đó xuất khẩu tăng trung bình 14,7%/năm và nhập khẩu 11,9%/năm; Việt Nam luôn ở vị trí xuất siêu, với mức tăng trung bình 16,2%/năm trong giai đoạn 2012 – 2016. Theo số liệu phía Hồng Công, năm 2017, trao đổi thương mại hai chiều đạt 18,1 tỷ USD, tăng 11,7% so với năm 2016, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 7,9 tỷ USD, tăng 13,6% và nhập khẩu đạt 10,2 tỷ USD, tăng 10,3%. 6 tháng đầu năm 2018, trao đổi thương mại tiếp tục đà tăng trưởng nhanh.
Hồng Công hiện là đối tác đầu tư lớn thứ 6 (sau Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan và các quần đảo thuộc Anh) trong số các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Lũy kế đến 20/5/2018, Hồng Công có 1.322 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 18,7 tỷ USD, tập trung vào các ngành nghề chính: công nghệ chế biến, chế tạo, may mặc, dịch vụ, đầu tư bất động sản, xây dựng nhà hàng khách sạn… Gần đây, đầu tư vào thị trường căn hộ chung cư cao cấp tại Việt Nam là một xu hướng mới và kênh ưu thích của người Hồng Công, theo đó nhiều dự án bất động sản của các chủ đầu tư như Vincom, Capital Land, FLC… đã và đang được chào bán tại Hồng Công.
Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam vào Hồng Công còn khiêm tốn, quy mô nhỏ, chủ yếu là dưới hình thức văn phòng đại diện, chi nhánh của một số đoàn/doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, viễn thông, bất động sản, logistics, du lịch…
Thuận lợi
Hồng Công là một thị trường tự do, thể hiện ở mức thuế 0% với hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển, với sân bay bận rộn nhất thế giới về vận chuyển hành khách và hàng hóa và một trong 5 cảng container bận rộn nhất thế giới; hệ thống dịch vụ thương mại, bán buôn, bán lẻ rất phát triển. Với vị trí là trung tâm tài chính, thương mại, trung chuyển hàng hoá cho cả khu vực và thế giới, tập trung nhiều văn phòng, chi nhánh của hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới về mua bán, phân phối hàng hoá, rất thuận tiện cho các giao dịch. Nơi đây cũng thường xuyên tổ chức các hội chợ, hội thảo, sự kiện quốc tế lớn về kinh tế, tài chính, ngân hàng…
Thị trường Hồng Công gắn kết chặt chẽ với thị trường Trung Quốc đại lục, qua đó hàng hóa của các nước có thêm cơ hội để tiếp cận/thâm nhập thị trường rộng lớn một cách trực tiếp hoặc thông qua các nhà xuất nhập khẩu trung gian Hồng Công, tranh thủ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) ký giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Công năm 2003 với nhiều ưu đãi.
Trong số các nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hồng Công, ngoài những mặt hàng Hồng Công có nhu cầu nhập khẩu cao như máy móc phụ tùng, điện thoại và linh kiện, máy vi tính…, nhóm hàng công nghiệp chế biến mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép, túi xách, vali, ô dù cũng có triển vọng xuất khẩu khả quan sang thị trường này. Về dài hạn, nhóm hàng này của Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu bởi số lượng doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Hồng Công đầu tư vào những lĩnh vực này của Việt Nam đang tăng.
Trong bối cảnh đầu tư vào Trung Quốc đại lục đang dần bão hòa, giá lao động không còn cạnh tranh, để tranh thủ những cơ hội mang lại từ Sáng kiến “Vành đai, Con đường”, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Hồng Công – ASEAN và để phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của mình, Hồng Công đang có xu hướng dịch chuyển dần một phần dòng vốn đầu tư ra bên ngoài, đặc biệt quan tâm tới khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội này, hoan nghênh và khuyến khích các doanh nghiệp Hồng Công tích cực thúc đẩy hợp tác đôi bên cùng có lợi, thực hiện đầu tư vào các dự án quy mô lớn, mang tính chất lâu dài, như về kết cấu hạ tầng, nhà ở; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực…
Khó khăn
Với dân số 7,4 triệu người, dung lượng thị trường Hồng Công không còn lớn, nhất là đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm, chủ yếu là để trung chuyển hàng hóa ra khu vực và thế giới.
Hồng Công là một thị trường đòi hỏi cao, tiếp tục thắt chặt việc kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu. Để thâm nhập sâu vào thì trường này, nhiều mặt hàng thực phẩm của Việt Nam như hải sản, lợn sữa, hoa quả tươi… cần chú trọng nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, hàng hóa của các nước cũng vấp phải cạnh tranh mạnh mẽ với hàng hóa Trung Quốc.
Yêu cầu về chất lượng hàng hóa
Đây là một yêu cầu cần đặc biệt được quan tâm, nhất là đối với các mặt hàng nông, hải sản, thực phẩm, hoa quả tươi là những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Trên thực tế, một số hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang Hồng Công đã bị từ chối do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc thành lập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nước ngoài
Theo quy định của Hồng Công, phải có ít nhất một cá nhân hoặc doanh nghiệp Hồng Công đứng ra làm công ty thư ký, làm đầu mối giao dịch giấy tờ; doanh nghiệp mới được thành lập không nhất thiết phải có văn phòng riêng, có thể lấy địa chỉ của công ty thư ký làm địa chỉ đăng ký thành lập và giao dịch.
Vấn đề thị thực nhập cảnh Hồng Công, mở tài khoản ngân hàng
Do chính sách quản lý nhập cư, siết chặt kiểm soát tiền tệ, chống rửa tiền, việc xin thị thực nhập cảnh Hồng Công đối với người Việt Nam, nhất là thị thực làm việc bị hạn chế, mất nhiều thời gian; việc mở tài khoản ngân hàng cũng hết sức khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn vào Hồng Công cần có kế hoạch sớm, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.
Vấn đề lừa đảo và gian lận thương mại
Do sự dễ dàng trong thành lập đưa đến tình trạng tồn tại một con số không nhỏ doanh nghiệp, văn phòng đại diện “ma” hoạt động lừa đảo đối với các doanh nghiệp thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và trình độ nghiệp vụ ngoại thương, không tìm hiểu kỹ đối tác, bị hấp dẫn bởi giá cả, điều kiện thanh toán…
Một số địa chỉ tìm kiếm thông tin về quy định quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của Hồng Công
Cục Vệ sinh an toàn Thực phẩm và Môi trường Hồng Công (FEHD) là cơ quan quản lý, thực thi chính sách về an toàn thực phẩm: www.fehd.gov.hk
Cục Thương mại và Công nghiệp Hồng Công là cơ quan quản lý chung về thương mại và công nghiệp: www.tid.gov.hk
Cục Hải quan Hồng Công: www.customs.gov.hk
Tại Việt Nam
Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (844) 22205518
Tại Hồng Công
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Công
(Consulate General of Vietnam in Hong Kong)
Địa chỉ: 15/F, Great Smart Tower, 230 Wan Chai Road, Wan Chai, Hong Kong.
Bộ phận Thương vụ, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Công
Địa chỉ: 17/F, Golden Star Building, 20 – 24 Lockhart Road, Wan Chai, Hong Kong.
Điện thoại: +852 2865 3218
Fax: +852 2865 3808
Điện thoại: +852 25914517 hoặc +852 25270495.
Fax: +852 25914524