Trong hai ngày 05 và 06/4/2021, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, Thương vụ – Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal đã phối hợp với Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Thủ đô Dakar, Senegal cùng Tổ chức Phát triển kinh tế quốc gia Algeria đã tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến “Khai thác tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam – Algeria – Senegal 2021”.
Hội nghị thuộc Chương trình Cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2021, thu hút sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp 3 nước Việt Nam – Algeria – Senegal.
Hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhận định, “Hội nghị là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, tạo cầu nối giá trị cho doanh nghiệp 3 nước trong bối cảnh việc tới thăm, giao dịch trực tiếp tại thị trường của nhau chưa được kết nối trở lại”.
Phân tích về hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Algeria, ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal cho biết, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Algeria đạt 190 triệu USD trong năm 2019. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước chỉ đạt 150 triệu USD, giảm 20% so với năm 2019 do tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19.
Riêng 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 19,235 triệu USD.
Cơ cấu sản phẩm xuất nhập khẩu giữa hai nước không mang tính cạnh tranh mà bổ sung lẫn nhau. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Algeria bao gồm cà phê, gạo, hạt tiêu, thủy sản, sản phẩm sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và phụ tùng, máy móc thiết bị… Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Algeria dược phẩm, khoáng sản, giấy phế liệu, sản phẩm cao su, thức ăn chăn nuôi…
Về hợp tác đầu tư, liên doanh giữa PetroVietnam, Công ty dầu khí Thái Lan và Sonatrach là biểu tượng cho sự hợp tác thành công giữa Việt Nam và Algeria. 12 năm sau khi thực hiện (2003), dự án khai thác dầu mỏ Bir Seba (Ouargla) đã cho ra thùng đầu tiên vào tháng 8/2015. Sản lượng hiện tại là 18.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Nhuận cũng thừa nhận, hợp tác kinh tế hiện nay giữa Việt Nam và Algeria vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước.
Theo ông Hoàng Đức Nhuận, bên cạnh thị trường đầy hứa hẹn, Algeria vẫn là quốc gia xuất sắc trong việc xây dựng nền tảng công nghiệp hướng tới Châu Phi. Các doanh nghiệp Việt Nam được kêu gọi để nắm bắt những cơ hội về công nghiệp, khai thác, du lịch, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và công nghệ ở Algeria.
Về phần mình, Việt Nam kêu gọi các công ty Algeria đầu tư vào Việt Nam, nơi đang được coi là cửa ngõ vào thị trường ASEAN với hơn 650 triệu người tiêu dùng.
Tương tự với Senegal, ông Hoàng Đức Nhuận cho rằng, thương mại giữa Việt Nam với nước này còn khiêm tốn, chưa phát huy hết tiềm năng. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, thương mại giữa Việt Nam và Senegal đạt 95 triệu USD vào năm 2019.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Senegal trị giá 3,699 triệu USD.
Đáng chú ý, sản phẩm giữa hai nước không có sự cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung cho nhau. Cụ thể, những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Senegal bao gồm gạo, hạt tiêu, kẹo, bánh kẹo, các sản phẩm từ ngũ cốc, điện thoại di động và phụ tùng, hàng dệt may, rau quả, thủy sản… Việt Nam cũng nhập khẩu từ Senegal nhiều mặt hàng, trong đó chủ yếu là hạt điều, thức ăn gia súc và nguyên liệu, bông…
Ông Abdoulaye Sow, Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Thủ đô Dakar, Senegal, cũng thừa nhận, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Senegal vẫn còn khá khiêm tốn, vì vậy hai nước cần phải nỗ lực hơn nữa để khắc phục điều này.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác kinh doanh
Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal, trong bối cảnh mới hiện nay, đối mặt với nhiều thách thức, hợp tác kinh tế nói chung, đầu tư, thương mại nói riêng là đặc quyền và thế mạnh trong việc củng cố mối quan hệ hợp tác đa chiều gắn bó giữa ba nước. Đồng thời, ông Nguyễn Thành Vinh khẳng định, Chính phủ Việt Nam, cụ thể hơn là Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các đối tác kinh tế của ba nước Việt Nam – Algeria – Senegal trong việc thực hiện các dự án hợp tác khác nhau.
Với thị trường Senegal, ông Hoàng Đức Nhuận cho rằng, ngoài hoạt động thương mại thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm hiểu khả năng đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản như hạt điều, bông, xoài … tại thị trường này.
Để tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam – Senegal, ông Nhuận đề xuất, hai nước cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cụ thể là ký kết các hiệp định về hợp tác thương mại và công nghiệp, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, không đánh thuế hai lần…; đẩy nhanh việc thành lập Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Senegal, tạo cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp và thúc đẩy sự tham gia của các nhà kinh tế trong các hội chợ, triển lãm quốc tế diễn ra tại mỗi nước; tăng cường trao đổi thông tin thị trường và các cơ hội kinh doanh, đầu tư giữa hai nước.
Cùng quan điểm với ông Hoàng Đức Nhuận, ông Nasredine Mounir, Chủ tịch Tổ chức Phát triển kinh tế quốc gia Algeria (ONDE) cho rằng, sự hợp tác trước đây đã được khởi xướng trong một số lĩnh vực mang lại lợi ích chung như năng lượng, nông nghiệp, đánh bắt cá, thì nay vẫn cần được tăng cường hơn nữa và mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Ông Nasredine Mounir cũng kêu gọi các nhà điều hành kinh tế Việt Nam quan tâm sâu sát đến thị trường Algeria và bắt đầu đầu tư vào nước này trong những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam như công nghiệp nhẹ, nông nghiệp, kinh doanh nông sản, điện thoại di động, công nghệ thông tin và truyền thông.
Bên cạnh nguồn cơ sở vật chất và các ưu đãi khác, cùng với vị trí địa lý chiến lược, lực lượng lao động dồi dào và lành nghề, nguồn nhân lực có trình độ, hệ thống logistics hiệu quả và cơ sở hạ tầng hàng hải, hàng không và trên bộ hiện đại của Algeria, các nhà đầu tư Việt Nam cũng sẽ có thể tận dụng và hưởng lợi từ hiệp định thương mại tự do với các nước Ả-rập và với các nước Châu Phi để tiếp thị và xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất tại Algeria, sang các nước Ả-rập, Châu Phi. “Để đồng hành cùng các đối tác, chúng tôi đang đề xuất thành lập một hội đồng doanh nghiệp Algeria – Việt Nam. Hội đồng này sẽ đóng vai trò là không gian trao đổi, tham vấn và hiện thực hóa các giao dịch kinh tế và thương mại tốt đẹp giữa các nhà điều hành kinh tế của hai nước”, ông Nasredine Mounir nhấn mạnh.
Ông Sid-Admed Boulil, Cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải Algeria bày tỏ mong muốn thương mại giữa hai nước được thúc đẩy hơn nữa. Việt Nam có thể nhập khẩu từ Algeria những sản phẩm như: cá ngựa, tôm hùm, giấy và bìa tái chế, gốm sứ, thức ăn gia súc và da… Ngược lại, các doanh nghiệp Algeria cũng mong muốn tìm hiểu các quy định của Việt Nam liên quan đến nhập khẩu và thị trường hàng hóa, sản phẩm từ Việt Nam.
Theo ông Vũ Bá Phú, trong thời gian tới, nếu dịch Covid 19 được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam, Algeria và Senegal cần lưu ý tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác, tìm kiếm đa dạng các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư.
Ông Vũ Bá Phú cũng bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam, Algeria và Senegal sẽ tận dụng tối đa thời gian giao dịch tại các phiên giao thương của hội nghị để chia sẻ các tiềm năng, nhu cầu trao đổi thương mại và đầu tư, cùng hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn kinh tế nhiều khó khăn, thách thức và cùng phát triển.
“Cục Xúc tiến thương mại luôn sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam, Algeria và Senegal có thêm cơ hội hợp tác kinh doanh hiệu quả, ổn định lâu dài”, ông Vũ Bá Phú khẳng định.
Sau phiên hội nghị toàn thể, doanh nghiệp 3 nước Việt Nam, Algeria và Senegal đã thực hiện hơn 100 lượt giao dịch trực tuyến, giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm, trao đổi thông tin, nhu cầu của nhau để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Nhiều mặt hàng của Việt Nam như vải khô, thực phẩm chế biến, các loại gia vị quế, hồi, tiêu… được các doanh nghiệp nhập khẩu Algeria và Senegal đặc biệt quan tâm.
(https://moit.gov.vn)