Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-Australia (IA-CEPA) có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi, không chỉ đối với quan hệ Australia-Indonesia mà còn cả với quan hệ giữa Australia và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Bình luận về sự kiện này, tờ ASEAN Today cho rằng, thỏa thuận này được đưa ra vào thời điểm Australia và ASEAN đều phải đối mặt với những thách thức từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng như từ Trung Quốc. Quan hệ chiến lược và kinh tế chung với Trung Quốc có thể sẽ mang ý nghĩa quyết định đối với việc tăng cường hợp tác giữa Australia và ASEAN.
Vậy IA-CEPA có ý nghĩa gì đối với Indonesia và ASEAN? Thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực vào tháng Hai vừa qua sau khi được Indonesia phê chuẩn, ba tháng sau khi Australia thực hiện điều này. IA-CEPA dự kiến sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa giữa hai quốc gia và cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho các nhà đầu tư của cả hai bên.
Thỏa thuận này có thể thúc đẩy xuất khẩu nông sản Australia sang Indonesia, với hơn 99% sản phẩm nông nghiệp Australia sẽ được hưởng ưu đãi khi tiếp cận thị trường Indonesia. Xuất khẩu nông sản Australia sang Indonesia đã giảm trong vài năm qua, chỉ đạt 1,48 tỷ USD năm 2019 so với mức thông thường khoảng 2-2,2 tỷ USD/năm. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Australia sang Indonesia gồm lúa mì và gia súc sống, song xuất khẩu lúa mì đã bị sụt giảm trong những năm gần đây, chủ yếu do sự cạnh tranh từ Mỹ.
Đối với Indonesia, thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng nhằm khôi phục tăng trưởng kinh tế chậm chạp của nước này. IA-CEPA có thể mang lại cho Indonesia cơ hội gia tăng thương mại với Australia. Năm 2019, thâm hụt thương mại của Indonesia với Australia chỉ còn 3,2 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 8,7 tỷ USD một năm trước đó.
IA-CEPA sẽ là cơ hội để Indonesia trở thành một trong những đối tác thương mại lớn của Australia. Tính đến năm 2018, Singapore, Thái Lan và Malaysia là các đối tác thương mại hàng đầu của Australia tại ASEAN. Với thỏa thuận này, sự can dự kinh tế của Australia với Indonesia sẽ tăng lên, cũng như thương mại của Australia với khu vực ASEAN nói chung.
Căng thẳng với Trung Quốc liên quan đến đại dịch COVID-19 đang tạo cơ hội củng cố quan hệ ASEAN-Australia. Hiệp định thương mại tự do mới được đưa ra vào thời điểm cả Australia và ASEAN đang đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc gia tăng khi Canberra kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về phản ứng của Bắc Kinh trước đại dịch. Đáp lại, Trung Quốc đã phát động các biện pháp thương mại chống lại Australia. Bắc Kinh đã chặn nhập khẩu lúa mạch và thịt bò từ Australia, đồng thời thay đổi các quy định liên quan đến nhập khẩu quặng sắt từ Australia.
Cho tới nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Australia, chiếm tới 32,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này vào năm 2019. Xuất phát từ điều này và thực tế rằng quặng sắt là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc, nền kinh tế Australia có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Các thách thức kinh tế và chiến lược từ Trung Quốc có thể trở thành nhân tố chính thúc đẩy củng cố quan hệ Australia-ASEAN. Nền kinh tế Australia đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc, và trong giai đoạn hậu COVID-19, quốc gia này cần đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại. Việc can dự sâu hơn với ASEAN có thể cho phép Australia đóng vai trò lớn hơn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Lời kêu gọi tiến hành điều tra về COVID-19 của Australia đã được 116 quốc gia ủng hộ.
Các hành động của Trung Quốc tạo cơ hội cho Australia tái định vị vai trò của mình trong khu vực. Cho đến nay, mối quan hệ của Australia với các nước ASEAN chủ yếu là về kinh tế, song môi trường địa chính trị hiện nay đòi hỏi Australia và ASEAN cần tập trung vào các khía cạnh chiến lược trong quan hệ song phương. Hiệp định thương mại tự do với Indonesia có thể là bước tiến nhằm đa dạng hóa quan hệ Australia-ASEAN và gia tăng ảnh hưởng trên toàn khu vực.
Hữu Chiến