Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam hiện đã thành công trong việc đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ hai Đông Nam Á, thứ 15 trên thế giới với 10 nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ đô la Mỹ. Để đạt được những thành tựu trên, cần đến cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp, đóng vai trò “đầu tàu” trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng cường liên kết, hợp tác; huy động nguồn lực đất để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; cơ giới hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp; tập trung sản xuất các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn; tạo vị thế xây dựng thương hiệu quốc gia Nông nghiệp Việt Nam. Về kết cấu hạ tầng, Chính phủ cũng đang tích cực vận động xã hội hoá nguồn vốn đầu tư, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp nhằm cải thiện hoạt động sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh những thành tựu trên, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như sau: Thứ nhất, số lượng doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, đầu tư trong ngành nông nghiệp chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp cả nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, số lượng này chỉ dừng lại ở mức 1%. Tỉ lệ này, cùng với với nguồn lực hạn chế của hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam gây ảnh hưởng đến nguồn vốn tái đầu tư trong ngành nông nghiệp, đe doạ tính bền vững trong hoạt động sản xuất. Thứ hai, trình độ khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp còn tương đối thấp. Hiện nay, chỉ có 5% số doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp ứng dụng các công nghệ, thành tựu khoa học kỹ thuật đạt chứng nhận VietGAP và tương đương, khiến chất lượng sản phẩm không ổn định kéo theo sự bất ổn của thị trường tiêu thụ nông sản, gây ảnh hưởng đến chính người nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong ngành này. Thứ ba, ý thức của một số nhà sản xuất còn thấp, thường xuyên vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Tình trạng này chủ yếu xuất hiện tại các hộ sản xuất nhỏ lẻ nhưng lại gây ảnh hưởng đến hình ảnh chung, khiến các đối tác tẩy chay mặt hàng nông sản Việt. Trên cơ sở những tồn tại trên, để góp phần nâng cao hơn nữa các hoạt động sản xuất, đầu tư, Chính phủ cần có những chính sách phù hợp, giúp giải quyết dứt điểm những tồn tại nêu trên, đồng thời nghiên cứu, kịp thời ban hành những chính sách ưu đãi hơn nữa, khuyến khích khu vực tư gia tăng các hoạt động đầu tư vào ngành nông nghiệp.
(ninhbinh.gov.vn)