Phán quyết của WTO, cuộc tranh cãi Mỹ – Trung và tương lai cơ chế giải quyết tranh chấp hàng đầu

0
1371
Việc nối lại đàm phán Mỹ - Trung để đi đến một thỏa thuận đang diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng.

Mỹ đã không hoàn toàn tuân thủ điều luật của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có thể hứng chịu các lệnh trừng phạt của Trung Quốc nếu không dỡ bỏ một số biện pháp thuế quan bị xem là vi phạm quy định của WTO. Đây là tuyên bố được đưa ra trong báo cáo ngày 16/7 của Ban Hội thẩm thuộc WTO.

Việc nối lại đàm phán Mỹ – Trung để đi đến một thỏa thuận đang diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng.

Cuộc tranh cãi mới

Văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer lập tức lên tiếng cho rằng, phán quyết của WTO đã thừa nhận một thực tế là Mỹ đã chứng minh được việc Trung Quốc đã trợ giá các mặt hàng xuất khẩu nói trên thông qua các doanh nghiệp nhà nước (SOE) của họ, đồng thời làm méo mó nền kinh tế.

Tuy nhiên, phán quyết này cũng cho rằng Mỹ cần chấp nhận những mức giá mà Trung Quốc đề ra để tính toán được mức trợ cấp, cho dù USTR coi những mức giá này là “sai lệch”. Phía Mỹ cho rằng, kết luận này bỏ qua các kết luận của Ngân hàng Thế giới, tài liệu, khảo sát kinh tế và những minh chứng khác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mà Mỹ đã viện dẫn.

“Quyết định của tòa phúc thẩm WTO đã hủy hoại các quy định của WTO, khiến chúng kém hiệu lực trong việc chống lại các biện pháp trợ giá nhà nước của Trung Quốc vốn đang gây tổn hại đến công nhân và doanh nghiệp Mỹ cũng như làm méo mó hoạt động của thị trường toàn cầu”.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/7 phản pháo rằng, quyết định của tòa phúc thẩm WTO cho thấy Mỹ “liên tục lạm dụng các biện pháp trừng phạt thương mại gây tổn hại nghiêm trọng đến tính công bằng trong môi trường thương mại quốc tế”.

Cuộc tranh cãi mới này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài hơn một năm qua chưa có hồi kết và việc nối lại đàm phán để đi đến một thỏa thuận đang diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng.

Mỹ và Trung Quốc bị cuốn vào cuộc chiến thuế quan từ tháng 7/2018, khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc giải quyết những hoạt động thương mại mà nước này cho là trái quy định và không công bằng trong nhiều thập niên. Trung Quốc khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào đạt được cũng phải là một thỏa thuận công bằng và bình đẳng, khiến hai nước vẫn chưa thể tìm kiếm tiếng nói chung để kết thúc cuộc chiến đã làm tổn hại đến các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây biến động cho các thị trường tài chính.

Vụ Trung Quốc kiện Mỹ nói trên liên quan 17 cuộc điều tra mà Bộ Thương mại Mỹ tiến hành từ thời Chính quyền tiền nhiệm Barack Obama từ năm 2007-2012. Ngay sau phán quyết WTO, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự hoài nghi về việc Trung Quốc không thực hiện cam kết mua thêm các mặt hàng nông nghiệp của Mỹ, đồng thời tuyên bố Washington sẽ đánh thuế quan lên lượng hàng hóa bổ sung của Trung Quốc trị giá 325 tỷ USD nếu thấy cần thiết.

Mỹ khó có thể bỏ qua WTO

Năm 2012, Trung Quốc đệ đơn kiện lên WTO, cáo buộc các biện pháp thuế chống trợ cấp của Mỹ nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã vi phạm quy định của WTO. Các mặt hàng gồm tấm pin Mặt Trời, tháp điện gió, xi lanh thép và ống nhôm có tổng trị giá là 7,3 tỷ USD tại thời điểm đó. Mỹ đã tuyên bố rằng Chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và các công ty tư nhân sản xuất các mặt hàng này. Do đó, các cơ chế giá cả thị trường không hoạt động và các công ty Trung Quốc có thể cung cấp cho thị trường thế giới các sản phẩm với giá rất thấp. Và điều này làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ, làm giảm số lượng việc làm ở Mỹ. Vì vậy, để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, Mỹ phải áp dụng các biện pháp hạn chế.

Trong một cuộc phỏng vấn của Sputnik, Chuyên gia Chen Fengying của Học viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc cho rằng, WTO đóng vai trò như một cơ chế giải quyết các tranh chấp thương mại, và Mỹ không thể bỏ qua vai trò của tổ chức này. Ông Chen Fengying nhận định rằng tất cả các nước đều cần đến WTO. Không chỉ Trung Quốc, mà cả Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng có thể giải quyết những tranh chấp và vấn đề thông qua tổ chức này.

Do đó, Mỹ khó có thể bỏ qua các quyết định của WTO. Ngay cả nếu Mỹ rút khỏi WTO, vẫn còn có các thành viên khác. Chắc chắn WTO sẽ tồn tại bất kể Mỹ có ở đó hay không. Vì WTO là một tổ chức đa phương, EU và Nhật Bản sẽ không rút khỏi tổ chức này. Tất cả đều mong muốn có một hệ thống đa phương, một tổ chức dựa trên các quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc cải cách WTO chắc chắn là cần thiết bởi đây là nhu cầu thay đổi theo thời gian. Theo thời gian, một số hiện tượng nhất định đang thay đổi, do đó nên thực hiện những cuộc cải cách. Tuy nhiên, tổ chức này có thể tiếp tục tồn tại dựa trên các quy tắc và hệ thống đa phương.

Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ với quyết định của Ban Hội thẩm WTO. Tuyên bố của USTR cho rằng, phán quyết của cơ quan phúc thẩm WTO cho thấy, mối quan ngại của Mỹ về cơ quan này. Trước đó, Washington đã cáo buộc cơ quan này vi phạm các quy định mang tính thủ tục và vượt quá thẩm quyền của mình. Theo Reuters, nếu Trung Quốc muốn áp đòn trừng phạt với Mỹ trong vụ việc này thì Bắc Kinh cần phải đệ đơn kiện mới, trong đó lập luận về mức độ tổn hại đối với hoạt động thương mại của mình.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Chính phủ Mỹ đã cản trở quy trình bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm thành viên Cơ quan phúc thẩm của WTO, cơ quan được coi là tòa cấp cao nhất xử lý tranh chấp thương mại thế giới. Thông thường, cơ quan này gồm tổng cộng 7 thành viên và cần 3 thành viên để xử lý mỗi vụ tranh chấp. Tuy nhiên, kể từ ngày 11/12 tới, cơ quan này sẽ chỉ còn lại 1 thẩm phán duy nhất, gây ra sự hoạt động không theo thông lệ của cơ quan này, ít nhất là trong ngắn hạn, Cao ủy EU về thương mại Cecilia Malmstrom bày tỏ quan ngại ngày 16/7.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here