Hậu đại dịch Covid-19 và tương lai của đồng USD

0
404
(Internet)
Tỷ lệ USD trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu thế kỷ này.

Cuối tháng 3/2020, các thị trường tài chính toàn cầu sụp đổ trong bối cảnh hỗn loạn của đại dịch COVID-19. Các nhà đầu tư quốc tế lập tức nương tựa vào đồng USD giống như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải cấp một lượng USD lớn cho các đối tác của họ trên toàn cầu. 75 năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, vị thế hàng đầu của đồng USD vẫn chưa hề suy yếu.

Ưu thế lâu dài của đồng USD là điều đáng chú ý – đặc biệt xét trong bối cảnh các thị trường mới đang nổi lên và nền kinh tế Mỹ đang suy thoái đáng kể, từ chỗ chiếm gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới trong năm 1960 xuống còn 25% USDGDP thế giới như hiện nay. Tuy nhiên, vị thế của đồng USD sẽ được thử thách thông qua khả năng Washington vượt qua cơn bão COVID-19 và trỗi dậy bằng các chính sách kinh tế cho phép họ từng bước quản lý nợ công và hạn chế thâm hụt ngân sách cơ cấu.

Vị thế của đồng USD có ý nghĩa rất quan trọng. Việc đồng USD giữ vai trò đồng tiền dự trữ chính trên toàn cầu mang lại cho Mỹ mức giá thấp hơn khi mua các loại tài sản tính bằng đồng USD. Quan trọng không kém, nước này còn có thể có thâm hụt thương mại lớn hơn, giảm rủi ro tỷ giá và tăng tính thanh khoản cho thị trường tài chính của mình. Cuối cùng, việc đồng USD giữ vai trò quan trọng có lợi cho các ngân hàng Mỹ vì điều đó làm gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn bằng đồng USD của họ.

Việc đồng USD duy trì được vị thế này lâu đến vậy là một điều bất thường mang tính lịch sử, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy. Cho đến nay, đồng nhân dân tệ có khả năng cạnh tranh với đồng USD nhất. Quy mô kinh tế, triển vọng tăng trưởng trong tương lai, sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu cùng việc đẩy nhanh các nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đều giúp Trung Quốc mở rộng vai trò của đồng tiền này. Tuy nhiên, những điều kiện này vẫn chưa đủ. Những thành công vang dội của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ tài chính – bao gồm cả việc triển khai nhanh chóng các hệ thống thanh toán trên điện thoại di động và dự án thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số gần đây của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc – sẽ không thay đổi được điều đó. Một đồng tiền kỹ thuật số được ngân hàng trung ương hậu thuẫn không làm thay đổi bản chất của đồng nhân dân tệ.

Bắc Kinh vẫn còn những trở ngại lớn cần phải vượt qua trước khi đồng nhân dân tệ có thể thực sự trở thành đồng tiền dự trữ chính trên toàn cầu. Để tạo ra sự thay đổi, Trung Quốc cần đạt nhiều tiến bộ hơn trong việc chuyển sang nền kinh tế định hướng thị trường, cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, và phát triển một thị trường tài chính hoạt động hiệu quả và được điều tiết tốt để giành được sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế, từ đó xóa bỏ các biện pháp kiểm soát vốn và biến đồng nhân dân tệ thành một đồng tiền do thị trường định đoạt.

Mỹ cần phải nhận ra những gì đang thực sự bị đe dọa trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Mỹ cần duy trì vị thế đi đầu trong đổi mới tài chính và công nghệ, nhưng không cần phải phóng đại tác động của một đồng tiền dự trữ kỹ thuật số của Trung Quốc đối với đồng USD. Trên hết, Mỹ phải bảo toàn những điều kiện đã tạo nên ưu thế của đồng USD ngay từ đầu: một nền kinh tế sôi động bắt nguồn từ các chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính đúng đắn; một hệ thống chính trị cởi mở và minh bạch; và vai trò lãnh đạo về kinh tế, chính trị và an ninh ở nước ngoài. Nói tóm lại, việc duy trì vị thế của đồng USD sẽ không phụ thuộc vào những gì xảy ra ở Trung Quốc. Thay vào đó, nó sẽ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khả năng của Mỹ trong việc điều chỉnh nền kinh tế hậu COVID-19 của mình sao cho đó vẫn là một mô hình thành công.

Sự cạnh tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ tài chính

Nhiều người trở về từ Trung Quốc đã hết lời bình luận về mức độ độc lập với tiền mặt của nước này. Từ việc mua đồ ăn vặt tại một quán ven đường đến việc cho tiền những người ăn xin – mọi thứ giờ đây đều được thực hiện thông qua mã QR trên điện thoại thông minh (mã vạch hình vuông có thể quét bằng điện thoại). Những dòng người xếp hàng trước máy rút tiền tự động (ATM) đã là hình ảnh của quá khứ. Các công ty Trung Quốc ngày càng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ tài chính, và người tiêu dùng Trung Quốc chính là nền tảng người dùng lớn nhất của họ.

Những thực tế này thường khiến các chuyên gia cho rằng ưu thế của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ tài chính có thể sớm gây nguy hiểm cho vị thế toàn cầu của đồng USD. Đây chưa phải là mối lo ngại nghiêm trọng – cũng chưa rõ Mỹ có đang thực sự tụt hậu trong lĩnh vực công nghệ tài chính hay không. Trung Quốc không phải là nước tiên phong trong lĩnh vực này, mà là nước nhanh chóng áp dụng và mở rộng quy mô công nghệ. Mặc dù khai thác một thị trường rộng lớn gồm các khách hàng không sử dụng dịch vụ ngân hàng, đặc biệt ở vùng nông thôn Trung Quốc, nhưng hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba và Tencent vẫn đi đầu trong việc tạo ra các dịch vụ giúp giao dịch kỹ thuật số trở nên hiệu quả hơn nhiều. Những dịch vụ này đã được đón nhận như một hiện tượng. Chẳng hạn, năm 2018, tổng giá trị giao dịch thanh toán qua điện thoại di động ở Trung Quốc đạt 41.500 tỷ USD.

Thành công này có được phần lớn là do cơ sở hạ tầng tài chính hiện thời của Trung Quốc đã lỗi thời và hệ thống ngân hàng nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả. Quan trọng không kém, thẻ tín dụng chưa bao giờ tạo được chỗ đứng ở Trung Quốc, vì vậy khi điện thoại thông minh trở nên rẻ và phổ biến hơn, sự nhảy vọt từ một nền kinh tế dựa vào tiền mặt sang ngân hàng trên điện thoại di động là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Hơn nữa, khi chứng kiến Trung Quốc thoát khỏi sự phụ thuộc vào tiền mặt như vậy, nhiều người Mỹ cũng khó có thể nhớ lại lần cuối cùng họ dùng tiền mặt cho bất cứ việc gì khác ngoại trừ một vài giao dịch lặt vặt là khi nào. Họ có thể chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng này sang tài khoản ngân hàng khác một cách nhanh chóng và thuận lợi. Các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động như Venmo và Apple Pay hoạt động tương tự như Alipay và WeChat. Tuy nhiên, nhìn chung, người Mỹ vẫn chuộng thẻ tín dụng vì chúng thuận tiện không kém điện thoại di động và hạ tầng tài chính hiện thời an toàn, vững chắc và đáng tin cậy.

Các công ty công nghệ Trung Quốc đã tăng cường đổi mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và bù đắp những thiếu hụt về cơ sở hạ tầng tài chính của đất nước. Hơn nữa, họ đã bắt đầu triển khai những công nghệ này tại thị trường các nước đang phát triển, với nền kinh tế còn non trẻ được khuyến khích nhanh chóng tiếp nhận điện thoại thông minh và do đó mở ra cơ hội to lớn để cho các công ty Trung Quốc giành thị phần tại đây.

So sánh giữa hình thức và chức năng
Mặc dù ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể phát hành một đồng tiền kỹ thuật số ngay từ đầu năm 2020, nhưng các tít báo đã cường điệu hóa những thay đổi mà nó mang lại. Những người lo ngại rằng bước tiến này có thể báo trước cái kết cho ưu thế của đồng USD đã lầm: Hình thức tiền tệ có thể thay đổi, nhưng bản chất của nó thì không.
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số vẫn là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Không ai tạo ra một đồng tiền mới. Đồng tiền được sử dụng trong các giao dịch có thể khác nhau, nhưng triển vọng đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ phụ thuộc vào chính những yếu tố áp dụng cho nước phát hành đồng tiền đó. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích sử dụng đồng nhân dân tệ để thực hiện các giao dịch thương mại như một phần trong nỗ lực quốc tế hóa đồng tiền của họ, nhưng dầu mỏ và các mặt hàng chính khác vẫn được định giá bằng đồng USD.

Việc đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu gần như không phải là đặc quyền đã được định sẵn. Đồng USD có được tính ưu việt là nhờ sự kết hợp của nhiều sự kiện ngẫu nhiên trong lịch sử, các điều kiện địa chính trị sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các chính sách của FED, cũng như quy mô và động lực của nền kinh tế Mỹ. Ngày nay, vị thế độc tôn không cần bàn cãi của đồng USD dường như là yếu tố bất biến của hệ thống quốc tế, nhưng trong nửa đầu thế kỷ 20, đồng USD và đồng bảng Anh về cơ bản từng là hai đồng tiền dự trữ cạnh tranh trực tiếp với nhau.

Theo thời gian, hệ thống tiền tệ quốc tế có thể sẽ chấp nhận nhiều hơn 2 đồng tiền dự trữ toàn cầu có sức ảnh hưởng tương đương. Đồng nhân dân tệ là một đối thủ đáng gờm, vì nó đã là đồng tiền dự trữ cùng với đồng yên Nhật, đồng euro và đồng bảng Anh. Và nếu không gặp phải tai ương lớn, thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai gần. Đó cũng sẽ là nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi sau cuộc khủng hoảng dịch COVID-19.

Tuy vậy, việc đồng nhân dân tệ có thể cùng với đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ chính không phải là kết luận đã có từ trước. Để đạt được vị thế này, Trung Quốc sẽ phải cải cách nền kinh tế và phát triển thị trường vốn của mình – những việc sẽ rất khó khăn và đòi hỏi phải cân nhắc nhiều vấn đề chính trị phức tạp trong nước. Những tham vọng đòi hỏi những chuyển đổi tương tự của Trung Quốc trong thời gian gần đây – chẳng hạn như tham vọng biến Thượng Hải thành một trung tâm tài chính toàn cầu chính thức trong năm 2020 – cho đến nay đã bị cản trở: Một trung tâm tài chính đơn giản là điều không thể khi các biện pháp kiểm soát vốn đã được áp dụng và đồng tiền không do thị trường quyết định. Cũng vì lý do này mà đồng nhân dân tệ khó có thể trở thành đồng tiền dự trữ chính.

Đồng tiền kỹ thuật số được Bắc Kinh hậu thuẫn mặc dù khó có thể làm suy yếu ưu thế của đồng USD nhưng chắc chắn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc trong nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Ở những quốc gia có đồng tiền không ổn định, chẳng hạn như Venezuela, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là một phương án hấp dẫn thay thế cho đồng nội tệ. Các công ty Trung Quốc như Tencent, vốn đã hiện diện đáng kể tại các nước đang phát triển ở châu Phi và Mỹ Latinh, có thể mở rộng sự hiện diện của họ ở đó, giúp cho đồng nhân dân tệ kỹ thuật số giành được thị phần trong tương lai. Điều này có thể giúp nâng cao vị thế toàn cầu của đồng nhân dân tệ và trở thành một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc ra bên ngoài.
Khuyến khích các đổi mới của Mỹ của khu vực tư nhân trong việc triển khai các công nghệ tài chính mới hơn là việc đồng USD mất đi vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu. Đồng tiền kỹ thuật số không phải là ý tưởng của riêng Trung Quốc, cũng không phải là phạm trù của riêng các ngân hàng trung ương – đổi mới tài chính trong lĩnh vực tiền tệ kỹ thuật số và thanh toán qua điện thoại di động đang diễn ra cả trong khu vực tư nhân của Mỹ.

Tuy nhiên, những công nghệ mới này cũng ẩn chứa những rủi ro cố hữu. Nếu không có chính sách bảo mật dữ liệu, thì việc ứng dụng rộng rãi những công nghệ này sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, những công nghệ mới này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc rửa tiền và các hoạt động tài chính bất hợp pháp khác, vốn đều là những vấn đề đáng quan tâm.
Thung lũng Silicon và Phố Wall từ lâu đã đi đầu trong việc tạo ra những đổi mới trong lĩnh vực tài chính, các nền tảng kỹ thuật số mới cho giao dịch và các loại hình tiền tệ mới. Nếu những sáng kiến này được hiện thực hóa, thì các công ty Mỹ có thể tạo ra đồng tiền kỹ thuật số tiện lợi, an toàn và bảo mật nhất thế giới, với các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ chống lại các hoạt động tài chính bất hợp pháp. Việc nâng cao hiệu quả và giảm chi phí giao dịch sẽ mang lại lợi ích hữu hình cho người tiêu dùng.

Các nhà hoạch định chính sách khi đó phải thận trọng tìm cách cân bằng giữa việc giảm thiểu rủi ro của những công nghệ mới này và nâng cao khả năng đổi mới của các công ty tư nhân Mỹ. Nguy cơ ở đây là việc các cơ quan điều tiết của Mỹ có thể nâng cao rào cản gia nhập đối với các doanh nghiệp Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu của những người ưa chuộng ngân hàng kỹ thuật số hơn là ngân hàng truyền thống ở Mỹ cũng như những người tiêu dùng không có tài khoản ngân hàng trên toàn thế giới – theo dữ liệu của Ngân hàng thế giới, con số này rơi vào khoảng 2 tỷ người, và hầu hết trong số họ đều ở các nước đang phát triển với thị trường tài chính yếu kém và đồng tiền dễ dao động.

Ưu thế của đồng USD bắt nguồn từ trong nước

Mỹ cần nghiêm túc coi Trung Quốc là một đối thủ kinh tế đáng gờm. Tuy nhiên, khi nhắc đến tính ưu việt của đồng USD, nguy cơ chính không phải bắt nguồn từ Bắc Kinh mà từ chính Washington. Mỹ phải duy trì một nền kinh tế có được sự tín nhiệm toàn cầu. Nếu không làm điều đó thì theo thời gian, vị thế của đồng USD sẽ bị ảnh hưởng.

Vị thế của đồng USD là một minh chứng cho sự vững chắc của hệ thống chính trị và kinh tế Mỹ. Để bảo vệ vị thế của đồng USD, nền kinh tế Mỹ phải duy trì nguyên trạng là một mô hình thành công và có tính cạnh tranh. Điều này, đòi hỏi phải có một hệ thống chính trị đủ khả năng thi hành các chính sách cho phép có thêm nhiều người Mỹ khá giả về kinh tế. Điều này cũng đòi hỏi phải có một hệ thống chính trị đủ khả năng duy trì một nền tài chính vững mạnh. Lịch sử cho thấy không một quốc gia nào có thể duy trì vị thế đứng đầu nếu không có sự thận trọng về tài chính trong dài hạn. Hệ thống chính trị của Mỹ phải phản ứng nhanh nhạy trước những thách thức kinh tế hiện nay.

Các lựa chọn chính sách kinh tế của Mỹ ở nước ngoài cũng rất quan trọng vì chúng ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ và quyết định phần lớn khả năng của nước này trong việc định hình các sự kiện toàn cầu. Để duy trì vị thế đi đầu, Mỹ cần ủng hộ sáng kiến điều chỉnh các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu chi phối thương mại, đầu tư và cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ sao cho phù hợp với tình hình thực tế trong thế kỷ 21.

Washington cũng cần lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương – dựa vào ưu thế của đồng USD – cũng có cái giá của nó. Việc biến đồng USD thành vũ khí theo cách này có thể tiếp thêm động lực cho cả đồng minh và kẻ thù của Mỹ trong việc phát triển những đồng tiền dự trữ thay thế – và thậm chí có thể hợp lực làm điều đó. Đó chính là lý do tại sao Liên minh châu Âu đã và đang thúc đẩy việc sử dụng đồng euro trong các giao dịch quốc tế.

Tương tự, khả năng đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ chủ chốt như đồng USD phụ thuộc hoàn toàn vào cách Trung Quốc định hình lại nền kinh tế của chính họ. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh thực hiện thành công những cải cách cần thiết, thì họ sẽ tạo ra một nền kinh tế hấp dẫn hơn đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Mỹ và thiết lập một sân chơi công bằng hơn cho các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc – những thay đổi theo hướng có lợi cho Mỹ.

Giá trị của một đồng tiền quốc gia đối với những người nắm giữ nó xét cho cùng phản ánh những nguyên tắc cơ bản về kinh tế và chính trị của nước đó. Những năm hậu khủng hoảng COVID-19 sẽ là một phép thử quan trọng đối với khả năng phục hồi của Mỹ. Trước hết, Mỹ phải thúc đẩy các chính sách kinh tế vĩ mô đưa đất nước bước vào lộ trình phát triển bền vững để có thể quản lý nợ quốc gia và giảm bớt thâm hụt ngân sách cơ cấu, và họ không được phép vi phạm những nguyên tắc cơ bản để duy trì sức mạnh kinh tế của chính mình, vốn đều bắt nguồn từ tinh thần đổi mới và khả năng quản lý hiệu quả. Nếu Washington tuân thủ lộ trình này, thì họ có mọi lý do để tin vào đồng USD.

Quyên Trần

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here