Chiến lược phát triển mới của Hàn Quốc hậu Covid-19

0
1137
Chiến lược phát triển mới là kế hoạch chi tiết cho 100 năm tiếp theo của Hàn Quốc”
Chiến lược phát triển mới là kế hoạch chi tiết cho 100 năm tiếp theo của Hàn Quốc.

Tổng thống Moon Jae-in đã chính thức công bố chiến lược phát triển mới trong bài phát biểu trước cả nước hôm 14/7. Ông nói: “Chiến lược phát triển mới là kế hoạch chi tiết cho 100 năm tiếp theo của Hàn Quốc”.

So sánh với chương trình mang đậm dấu ấn của Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt trong những năm 1930, chiến lược phát triển mới đề xuất không chỉ giúp Hàn Quốc thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hậu COVID-19, mà còn vạch ra một lộ trình giúp họ nhanh chóng chuyển đổi kỹ thuật số trên toàn quốc và cải tổ ban lãnh đạo trong thời kỳ hậu COVID-19. Chiến lược này xoay quanh 3 trụ cột – kỹ thuật số, môi trường xanh, và con người (củng cố mạng lưới việc làm và an sinh xã hội) – với khoản đầu tư khổng lồ 133,1 tỷ USD và dự kiến tạo ra 1,9 triệu việc làm mới cho tới năm 2025.

Chiến lược phát triển mới là một trong những chiến lược từ trung hạn đến dài hạn xuất phát từ cuộc khủng hoảng COVID-19 và chắc chắn cũng là một trong những kế hoạch tham vọng nhất của Hàn Quốc. Bài viết này xem xét kỹ hơn chiến lược của Hàn Quốc trong một bối cảnh rộng lớn, vốn làm nền cho các câu chuyện mà họ đưa ra có kết nối với lịch sử phát triển kinh tế nhanh chóng và tầm nhìn đối với ban lãnh đạo đất nước ở vị thế cường quốc bậc trung trong thế giới hậu COVID-19.

Chiến lược phát triển trong 100 năm tiếp theo

Chiến lược phát triển mới của Hàn Quốc được công bố lần đầu tiên cuối tháng 4/2020 và đã trải qua những sửa đổi đáng kể từ đó đến nay.

Theo thông báo của Bộ Tài chính hôm 7/5, đây chủ yếu là chính sách số hóa, xoay quanh 3 trụ cột: cơ sở hạ tầng dữ liệu, nền kinh tế “không tiếp xúc”, và số hóa toàn bộ vốn xã hội. Tuy nhiên, Moon Jae-in đã tuyên bố hôm 20/5 rằng chiến lược phát triển mới sẽ bao gồm cả thành phần môi trường xanh. Sự bổ sung này do Moon Jae-in đích thân thúc đẩy và đã gây chia rẽ trong nội các. Trong bối cảnh này, một thông báo đã được đưa ra hôm 1/6, ước tính chiến lược phát triển mới trị giá 63,3 tỷ USD, với 2 trụ cột kỹ thuật số và môi trường xanh này sẽ tạo ra 550.000 việc làm mới ở Hàn Quốc.

Ngày 14/7, Moon Jae-in trình bày lộ trình chính thức của chiến lược phát triển của Hàn Quốc, vốn đã được mở rộng đáng kể về cả quy mô lẫn phạm vi áp dụng. Theo kế hoạch mới nhất, chính phủ sẽ đầu tư trực tiếp hơn 96 tỷ USD vào chiến lược này cho đến năm 2025, đẩy tổng số tiền đầu tư lên tới hơn 135 tỷ USD (bao gồm cả đầu tư của chính quyền địa phương và khu vực tư nhân). Nhìn chung, khoản đầu tư này dự kiến sẽ tạo ra 1,9 triệu việc làm mới cho đến năm 2025. Bên cạnh 2 trụ cột kỹ thuật số và môi trường xanh, chiến lược phát triển mới đã được bổ sung trụ cột thứ ba – củng cố mạng lưới việc làm và an sinh xã hội.

Seoul đã nhanh chóng triển khai chiến lược này. Đề xuất mới nhất của chính phủ về khoản ngân sách bổ sung 29,6 triệu USD, bao gồm cả đầu tư cho trụ cột môi trường xanh được phê duyệt đầu tháng 7/2020, và tiền bắt đầu đổ vào các dự án mới kể từ ngày 6/7. Hơn 4 triệu USD này trong khoản ngân sách bổ sung được phân bổ cho chiến lược phát triển mới của Hàn Quốc, và Seoul đã cam kết thực hiện ít nhất 75% các dự án được hỗ trợ bởi nguồn vốn bổ sung trong vòng 3 tháng tới.

Phiên bản mới nhất của chiến lược phát triển mới phác thảo 28 dự án theo 9 mục tiêu chính sách xoay quanh 3 trụ cột chính. Các mục tiêu chính sách nhắc lại việc hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp D.N.A (dữ liệu, mạng 5G, trí tuệ nhân tạo-AI); số hóa và phủ xanh cơ sở hạ tầng công cộng, cải thiện mạng lưới việc làm và an sinh xã hội; đầu tư vào nhân tài kỹ thuật số, môi trường xanh và việc làm trong tương lai.

Đối với trụ cột kỹ thuật số, chính phủ sẽ triển khai dự án “Đập dữ liệu”, tung ra 140.000 tập dữ liệu mới và cung cấp “phiếu mua dữ liệu” (trợ cấp mua bán dữ liệu và tích hợp AI) cho 8.400 công ty để tạo hiệu ứng đồng vận cho các ngành công nghiệp D.N.A. Seoul cũng sẽ số hóa cơ sở hạ tầng công cộng như đường sá, cảng biển và các trung tâm logistic để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở ra cánh cửa tương lai của ngành vận tải. Khả năng truy cập Internet sẽ được mở rộng thông qua việc lắp đặt Wi-Fi tại tất cả các trường công và mạng Internet tốc độ cao ở 1.200 làng. Chính phủ cũng sẽ đầu tư đào tạo 100.000 nhân tài về AI và phần mềm.

Trên mặt trận môi trường xanh, chính phủ sẽ tài trợ việc cải tạo 230.000 công trình công cộng đã xuống cấp như các tòa nhà công vụ, trường học, nhà trẻ và phòng khám thành các tòa nhà “không thải khí carbon”. 1,13 triệu phương tiện chạy bằng điện và 200.000 phương tiện chạy bằng pin hydro sẽ lưu thông trên đường; 1,16 triệu phương tiện chạy bằng dầu diesel sẽ sớm bị loại bỏ. Chiến lược phát triển mới sẽ tạo ra 10 khu công nghiệp xanh thông minh, 100 nhà máy sinh thái thông minh, và 1.750 nhà máy sạch ở Hàn Quốc. Ngoài ra, 20.000 nhân tài mới sẽ được đào tạo như một phần của chính sách mới về môi trường xanh.

Seoul tính cả đến việc củng cố mạng lưới việc làm và an sinh xã hội – trụ cột cuối cùng trong chiến lược phát triển mới của Hàn Quốc. Đầu năm 2020, Bộ Lao động thông báo sẽ đưa ra một lộ trình cụ thể cho việc mở rộng phạm vi áp dụng của chính sách bảo hiểm thất nghiệp như một phần của chiến lược phát triển mới. Theo đó, chính sách này sẽ áp dụng cho cả lao động hợp đồng lẫn lao động tự do. Hơn nữa, Hàn Quốc sẽ thực hiện Chương trình hỗ trợ việc làm quốc gia; trong đó, những người có thu nhập thấp sẽ được tư vấn, được hỗ trợ trong việc chăm sóc trẻ em và tìm kiếm việc làm, và được trợ cấp 415 USD/tháng trong 6 tháng. Ngoài ra, các điều kiện để được tham gia Chương trình bảo đảm sinh kế cơ bản sẽ được nới lỏng vào năm 2022, và các quyền lợi khi đau ốm sẽ được đưa vào chiến lược phát triển mới của Hàn Quốc.

Động lực lớn hơn

Tờ The Diplomat bình luận, dù cái tên của nó có thể gợi mở đến điều gì khác, nhưng chiến lược phát triển mới không đề xuất một hướng đi mới cho chính sách của Hàn Quốc, mà tranh thủ cuộc khủng hoảng COVID-19 để tạo thêm động lực đáng kể cho chương trình nghị sự đã có từ lâu là đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Lãnh đạo Hàn Quốc từ lâu đã nhận thức được các điểm yếu của nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của họ và coi việc thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới là một cách để tăng cường khả năng cạnh tranh. Các chính sách kinh tế của cựu Tổng thống Park Geun-hye đã tập trung vào tầm nhìn về “nền kinh tế sáng tạo”, nhằm hỗ trợ việc tích hợp công nghệ thông tin vào các ngành công nghiệp hiện có. Park Geun-hye đã cơ cấu lại bộ máy quan liêu để thành lập Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin – truyền thông (ICT), và Kế hoạch tương lai để thực hiện chương trình nghị sự này. Trong tầm nhìn này, Seoul đã nêu bật các thế mạnh của Hàn Quốc về công nghệ thông tin và truyền thông, và khả năng tận dụng chúng trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm 2017, bộ này đã công bố một tài liệu có tiêu đề “Kế hoạch tổng thể trung hạn và dài hạn để chuẩn bị cho xã hội thông tin thông minh”, trong đó vạch ra một lộ trình 30 năm để xây dựng một nền tảng công nghệ đẳng cấp thế giới, thúc đẩy ngành công nghiệp thông minh (dựa vào AI), và thông qua các chính sách và quy định xã hội theo yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mặc dù Park Geun-hye bị lật đổ cuối năm 2017 và bộ này được cơ cấu lại thành Bộ Khoa học và ICT, nhưng các hướng được vạch ra trong tài liệu vẫn được duy trì từ đó đến nay.

Chính quyền Moon Jae-in tiếp tục đặt cách mạng công nghiệp 4.0 ở vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự của mình, chuyển từ “nền kinh tế sáng tạo”, vốn đã bị xóa bỏ do có liên quan tới Park Geun-hye, sang “tăng trưởng dựa trên đổi mới”. Ngay sau khi nhậm chức, Moon Jae-in đã thành lập Ủy ban tổng thống về cách mạng công nghiệp 4.0 (PCFIR) với nhiệm vụ nghiên cứu và điều phối các chính sách liên quan tới cách mạng công nghiệp 4.0. PCFIR đã đưa ra chiến lược I-Korea 4.0, phác thảo phản ứng của Hàn Quốc đối với cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn năm 2018-2022. I-Korea 4.0 giải quyết một loạt mục tiêu chính sách, trong đó có nghiên cứu và phát triển (R&D), triển khai công nghệ, nhân tài và cải cách quy định.

Theo chiến lược rộng lớn này, Seoul cũng đã tăng đáng kể vốn tài trợ cho các lĩnh vực chủ chốt. Năm 2018, chính phủ đã lựa chọn dữ liệu, AI và kinh tế hydro là 3 lĩnh vực đầu tư chiến lược. Chính phủ cũng đã chọn 8 dự án hàng đầu (sản xuất thông minh, y sinh, công nghệ tài chính, vận tải trong tương lai, thành phố thông minh, nông trại thông minh, năng lượng mới và công nghiệp máy bay không người lái), với khoản ngân sách riêng trong năm 2019 là 421 triệu USD.

Tạo việc làm là mục tiêu cốt lõi của chính sách cách mạng công nghiệp 4.0 và chiến lược phát triển mới của Hàn Quốc. Động thái đầu tiên của Moon Jae-in trên cương vị tổng thống là thành lập một ủy ban về vấn đề việc làm, và ông đã lắp đặt một tấm bảng điện tử hiển thị số lượng việc làm mới nhất trong văn phòng của mình. Phần lớn các sáng kiến xoay quanh trụ cột thứ 3 của chiến lược phát triển mới đều được đưa vào lộ trình chính sách lao động 5 năm công bố năm 2017. Lộ trình này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng với sự gián đoạn trên thị trường lao động và khắc phục những yếu kém trong hệ thống việc làm của Hàn Quốc, chẳng hạn như số lượng lao động hợp đồng không cân xứng hay lao động hợp đồng và lao động tự do không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trước khi bổ sung trụ cột thứ 3 vào chiến lược phát triển mới, Bộ Lao động đã đưa ra một lộ trình cho việc mở rộng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, và Quốc hội đã thông qua một đạo luật về việc thành lập Chương trình hỗ trợ việc làm quốc gia.

Như vậy, tăng trưởng dựa trên đổi mới và cải thiện an ninh xã hội và việc làm là trọng tâm của Kế hoạch tổng thể, I-Korea 4.0 và chiến lược phát triển mới của Hàn Quốc. Điều rõ ràng là chiến lược phát triển mới không đề xuất quá nhiều chương trình mới mà thay vào đó tăng cường các sáng kiến hiện có trên phạm vi rộng. Quả thực, nhiều nhà phê bình đã chỉ ra việc chính phủ không đề xuất các phương hướng hay mô hình mới thông qua chiến lược phát triển mới. Do đó, yếu tố quan trọng của chiến lược này không phải hướng đi, mà là tốc độ của nó – và sự bùng phát của COVID-19 dường như đã tạo điều kiện thuận lợi để Seoul đẩy mạnh các sáng kiến chính sách hiện có.

Sức mạnh mềm hậu COVID-19

Đại dịch đã đẩy nhanh xu hướng số hóa, làm gia tăng nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kỹ thuật số. Trong thời gian bùng phát đại dịch, Hàn Quốc đã đưa ra thuật ngữ “không tiếp xúc” để ám chỉ các dịch vụ không tiếp xúc dựa trên công nghệ. Những dịch vụ này đã trở thành khu vực tăng trưởng mạnh ở Hàn Quốc. Trong tháng 1-5/2020, giá trị thị trường của Kakao và Naver, 2 công ty công nghệ hàng đầu ở Hàn Quốc, đều tăng ở mức tương ứng là 4,2 tỷ USD và 3,4 tỷ USD. Hơn nữa, doanh thu bán hàng trực tuyến ở nước này đã tăng 41%. Trong bối cảnh này, dự kiến cả khu vực tư nhân và khu vực công đều sẽ dễ dàng chấp nhận chiến lược phát triển mới. Chẳng hạn, sự gia tăng nhu cầu đối với các dịch vụ không tiếp xúc dựa trên công nghệ trong lĩnh vực y tế, giáo dục và việc làm sẽ buộc nhiều công ty phải tích hợp AI vào trong dịch vụ của họ (như chatbot) và tận dụng các chương trình “phiếu mua dữ liệu”.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra đã biện minh cho việc gia tăng chi tiêu ngay cả khi điều đó dẫn đến sự thâm hụt ngân sách trầm trọng. Giống như các nước khác trên thế giới, Hàn Quốc phải đối mặt với những khó khăn kinh tế chưa từng có vì đại dịch COVID-19 và đã buộc phải bơm tiền vào nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc đã giảm từ 1,4% xuống còn 1,3%, và Viện phát triển Hàn Quốc dự báo rằng tốc độ tăng trưởng có thể giảm xuống mức -1,6% trong trường hợp xấu nhất. Là một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, Hàn Quốc phải đối mặt với những thách thức đáng kể ngoài sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và sự gia tăng liên tục của chủ nghĩa bảo hộ. Chính phủ đã bổ sung 2 khoản ngân sách với tổng giá trị 20 tỷ USD để ứng phó với COVID-19 trước khi đưa ra chiến lược phát triển mới, tiếp đó là khoản ngân sách thứ ba trị giá gần 30 tỷ USD. Tận dụng cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có này, Seoul đã thúc đẩy một chính sách tài chính tương ứng.

Điểm thú vị của chiến lược phát triển mới nằm ở chỗ nó có thể là một sáng kiến mang lại sức mạnh mềm, giúp Hàn Quốc vươn tới vị trí lãnh đạo trên trường quốc tế. Trong suốt cuộc khủng hoảng COVID-19, việc Seoul ứng phó thành công với đại dịch đã thu hút sự chú ý tới hiệu quả của Chính phủ Hàn Quốc, một sự tương phản rõ rệt với nhiều nước trên thế giới. Do đó, ban lãnh đạo đã coi đây là cơ hội để tăng cường sức mạnh mềm của Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để chia sẻ với các nước khác chuyên môn và nguồn lực để ứng phó với COVID-19.

Giờ đây, Seoul dường như đã xác định chiến lược phát triển mới là một cơ hội nữa để thúc đẩy sức mạnh mềm của Hàn Quốc thông qua việc thiết lập một mô hình khôi phục kinh tế hậu COVID-19. Khi bổ sung trục môi trường xanh vào chương trình này, Moon Jae-in đã nhấn mạnh việc các nước kỳ vọng Hàn Quốc sẽ hành động có trách nhiệm với tư cách một “cường quốc bậc trung” và là “nước dẫn đầu” trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bài phát biểu của Moon Jae-in trước cả nước hôm 14/7 nhấn mạnh yếu tố sức mạnh mềm trong chiến lược phát triển mới của Hàn Quốc. Trong bài phát biểu này, Moon Jae-in đã sử dụng cụm từ “nước dẫn dầu” hay “dẫn đầu”, vốn cũng xuất hiện trong các văn kiện chính sách. Chẳng hạn, ông đã gọi chiến lược phát triển mới là “tuyên bố của Hàn Quốc về bước chuyển mình vĩ đại thành một nước dẫn đầu” và nhắc đến việc chính phủ quyết tâm đưa Hàn Quốc cơ bản từ một “nền kinh tế theo sau” thành một “nền kinh tế dẫn đầu”. Về mặt kỹ thuật số, Moon Jae-in tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu đưa Hàn Quốc trở thành một nền kinh tế dẫn đầu và nói rằng Hàn Quốc sẽ tiến tới vị trí quốc gia số một thế giới về kỹ thuật số.

Động lực thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh chóng trong thế kỷ 20 là mô hình nhà nước phát triển, vốn nhấn mạnh quan điểm cho rằng Hàn Quốc đang tụt lại phía sau và vì thế cần dẫn đầu quá trình “bắt kịp” thông qua các sáng kiến quy mô quốc gia. Để làm được điều này, Hàn Quốc đã đưa ra chiến lược phát triển mới, một bước ngoặt mang tinh lịch sử đưa Hàn Quốc từ một “nước theo sau” thành một “nước dẫn đầu” trên trường quốc tế.

Chính sách quan trọng của Hàn Quốc?

Về mặt khái niệm, chiến lược phát triển của Hàn Quốc là một sáng kiến thú vị, kết hợp giữa khôi phục kinh tế với các sáng kiến chính sách hiện có của Chính quyền Moon Jae-in. Cách mạng công nghiệp 4.0 kéo theo nhiều thách thức, và một sáng kiến có quy mô quốc gia như chiến lược này trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát sẽ mang lại cho Seoul một cơ hội lớn để chuyển tiếp sang mô hình kinh tế và xã hội mới. Tuy nhiên, một vài yếu tố bất trắc và rủi ro vẫn hiện hữu.

Các nhà phê bình chiến lược phát triển mới lập luận rằng chiến lược này về cơ bản chưa đủ sức thay đổi nền kinh tế Hàn Quốc. Họ chỉ ra rằng chiến lược phát triển mới không đưa ra một phương hướng mới, mà chỉ tập trung và mở rộng sự hỗ trợ đối với các sáng kiến chính sách hiện có. Họ lo ngại rằng chiến lược này vẫn nằm trong khuôn khổ mô hình nhà nước phát triển và chính sách công nghiệp do nhà nước dẫn dắt. Mặc dù mô hình này rất hiệu quả đối với việc nâng cao khả năng cạnh tranh của Hàn Quốc trong vai trò một nước sản xuất và xuất khẩu, nhưng các nhà phê bình vẫn cho rằng nó củng cố sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào các tập đoàn và do đó cản trở sự đổi mới từ dưới lên. Sau bài phát biểu của Moon Jae-in hôm 14/7, phe đối lập đã chỉ trích chính phủ chỉ bơm tiền của những người đóng thuế vào các sáng kiến hiện có mà không tìm cách gỡ bỏ các rào cản pháp lý đối với nền công nghiệp theo mô hình kinh tế chia sẻ và khả năng dịch chuyển lao động.

Một câu hỏi khác là liệu các vấn đề đạo đức, xã hội và luật pháp theo sau việc số hóa vội vàng có được giải quyết thỏa đáng hay không. Chính sách số hóa  dưới sự dẫn dắt chủ yếu của khu vực công-tư ở Hàn Quốc có thể không phản ánh đầy đủ những quan ngại của xã hội dân sự về những vấn đề như quyền riêng tư và đạo đức AI. Chẳng hạn, việc giới chức y tế thu thập và tiết lộ dữ liệu truy vết tiếp xúc trong thời gian đại dịch bùng phát đã cho thấy rõ khoảng cách giữa Hàn Quốc và các nước dân chủ phương Tây về thái độ và cách thức xử lý các vấn đề về quyền riêng tư. Việc đẩy mạnh số hóa thông qua chiến lược phát triển mới chắc chắn sẽ làm dấy lên nhiều câu hỏi và thách thức trong lĩnh vực này, và không chắc liệu Hàn Quốc có khả năng giải quyết những vấn đề đó một cách thỏa đáng hay không.

Ngoài ra, chiến lược phát triển mới của Hàn Quốc rất tốn kém. Mặc dù chính quyền địa phương và khu vực tư nhân cũng sẽ đầu tư (hơn 135 tỷ USD) cho trường trình này, nhưng chính phủ vẫn là nhà tài trợ chính (94,7 tỷ USD). Chi phí cho chương trình tương đương 6% GDP hàng năm của Hàn Quốc, và trong bối cảnh kinh tế hậu COVID-19, đây sẽ là một gánh nặng đáng kể đối với Seoul. Phe đối lập bảo thủ đã chỉ trích cái mà họ miêu tả là những chính sách mang tính “bố thí” của Chính quyền Moon Jae-in. Tỷ lệ ủng hộ Moon Jae-in đã tụt giảm trong 7 tuần liên tiếp kể từ giữa tháng 7, phản ánh đánh giá tiêu cực của công chúng về kết quả làm việc của ông.

Một vấn đề liên quan là chiến lược phát triển mới có thời hạn 5 năm, nhưng nhiệm kỳ của Moon Jae-in sẽ kết thúc vào năm 2022. Sự thay đổi ban lãnh đạo có thể dẫn đến việc sáng kiến mang dấu ấn của Chính quyền Moon Jae-in sớm bị loại bỏ.
Tuy nhiên, vẫn có một số tiền lệ. Chính quyền Lee Myung-bak (2008-2013) đã triển khai sáng kiến “Tăng trưởng xanh” với dự án trọng điểm xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 18,3 tỷ USD mang tên “Dự án 4 con sông lớn”. Chính sách “Tăng trưởng xanh” của Lee Myung-bak phần lớn bị cho là thất bại. Ngay cả Park Geun-hye, người kế nhiệm trong chính đảng của ông, đã bác bỏ sáng kiến này và kêu gọi một cuộc điều tra khi bà lên nắm quyền. Tương tự, tầm nhìn của Park Geun-hye về “nền kinh tế sáng tạo được đề cập ở trên” đã bị loại bỏ sau khi bà bị phế truất. Chiến lược phát triển mới cũng phải đối mặt với những rủi ro tương tự.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều nghi ngờ và cảnh bảo tiềm tàng, nhưng Chính quyền Moon Jae-in vẫn thúc đẩy một sáng kiến thực sự tham vọng tại thời điểm khó khăn chưa từng có, và chiến lược phát triển mới quả thực có thể mang lại cho các nước khác một kế hoạch chi tiết về con đường phục hồi. Đây là một thử nghiệm chính sách quan trọng đáng chú ý khi các nước bắt đầu suy nghĩ về thế giới hậu COVID-19.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here