Hậu Covid-19, Việt Nam vẫn còn là lựa chọn tốt về sản xuất và nguồn cung?

0
73
Nhà đầu tư Samsung của Hàn Quốc là nguồn thu hút vốn FDI lớn đối với Việt Nam.
Sau khi dịch bệnh COVID-19 qua đi, sẽ có nhiều xu hướng tích cực hơn trong tương lai. Ảnh: Nhà máy Samsung Thái Nguyên.

Trang European Business Review mới đây đăng bài nhận định, là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam đang trở thành tâm điểm của các đối tác toàn cầu. Tuy nhiên, khi lựa chọn hoạt động sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài cần cân nhắc cả những khó khăn, bên cạnh thuận lợi, cũng như giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn và khởi động đúng hướng.

Theo nghiên cứu của Movetoasia, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu ấn tượng về xuất khẩu vào tháng 3/2021 khi nền kinh tế đất nước có sự khởi sắc. Với mức tăng vọt lên gần 10 tỷ USD, ngành công nghiệp điện tử, sản xuất linh kiện máy tính, điện thoại di động và thiết bị điện tử gia dụng, trở thành ngành nổi bật nhất vào tháng 3/2021. Các ngành khác như giày dép và dệt may cũng đạt mức tăng trưởng khá. Top 10 sản phẩm được sản xuất nhiều nhất vào tháng 3/2021 gồm thép, thủy sản, vận tải, sản phẩm gỗ.

Nếu so sánh Việt Nam và Trung Quốc từ 2 đến 3 năm trước, chắc chắn Trung Quốc dễ dàng chiến thắng trong cuộc đua trở thành trung tâm sản xuất tốt nhất trong khu vực, nhưng nay Việt Nam là lựa chọn tiềm năng, không nên bỏ qua. Có vô vàn tiêu chí để lựa chọn kênh sản xuất, song doanh nghiệp có thể cân nhắc những trọng tâm sau:

Về chi phí nhân công, không nơi nào có giá “phải chăng” hơn Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Mức lương ở Việt Nam thấp hơn 2 lần so với Trung Quốc. Đó là lợi thế to lớn thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế đến mở nhà máy. Một điểm mạnh khác của Việt Nam là văn hóa làm việc chăm chỉ. Nếu đặt nhà máy ở Việt Nam, doanh nghiệp có thể đạt năng suất cao hơn. Đôi khi, con số này có thể cao hơn Trung Quốc (tùy thuộc vào mức độ đầy đủ của lực lượng lao động). Ngoài ra, bộ máy hành chính của Việt Nam đang chào đón các nhà đầu tư nước ngoài hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, Việt Nam còn phải vượt qua Trung Quốc nếu muốn trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực. Về cơ sở hạ tầng, độ phức tạp của sản phẩm, khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu và số lượng lao động, Việt Nam vẫn còn kém một chút so với Trung Quốc. Đặc biệt, rất khó để Việt Nam cạnh tranh được với Trung Quốc về quy mô lực lượng lao động vì nước láng giềng có dân số cao gấp 15 lần Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc đóng vai trò cốt lõi của ngành này trong suốt thời gian dài và sẽ rất khó khăn cho Việt Nam để vươn lên vị trí dẫn đầu.

May mắn thay, kể từ khi chiến tranh  thương mại với Mỹ khiến Trung Quốc gặp khó khăn, Việt Nam trở thành “điểm nóng” cho các công ty quốc tế chuyển nhà máy sang Việt Nam. Điều này trở thành động lực để Việt Nam chuẩn bị tâm thế. Đặc biệt, sau khi dịch bệnh COVID-19 qua đi, sẽ có nhiều xu hướng tích cực hơn trong tương lai. Vì vậy, Việt Nam phải chuẩn bị đón những “vị khách mới” khi mọi thứ trở lại bình thường.

Tuy nhiên, COVID-19 đã cản trở thương mại toàn cầu và gây khủng hoảng chuỗi cung ứng không chỉ ở Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới. Đại dịch buộc Trung Quốc phải đóng cửa nhiều nhà máy để đảm bảo an toàn. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng vì Việt Nam không thể lấy được nguyên liệu thô từ Trung Quốc. Ngoài ra, các biện pháp giãn cách khiến nhiều nhà máy sản xuất ô tô lớn tại Việt Nam như Toyota, Honda, Ford phải ngừng hoạt động trong một thời gian rất dài. Hiện tại, mọi thứ đã trở lại bình thường, song nỗ lực đơn thuần sẽ không đủ để doanh nghiệp ở Việt Nam có thể vững vàng trở lại. Có những cách thức nhất định mà các doanh nghiệp có thể áp dụng, cùng với sự điều chỉnh quy định tại Việt Nam, sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng của nền kinh tế không chỉ của Việt Nam mà còn cả lợi ích của các doanh nghiệp.

Tất nhiên, sau một đợt khủng hoảng nặng nề do COVID-19, cùng chịu tình trạng chung toàn cầu, Việt Nam đối mặt với thiếu nguồn cung khi khôi phục sản xuất, trang Thestar (Malaysia) dẫn các cuộc khảo sát kinh doanh cho thấy trong tháng 10/2021, Việt Nam đã gia tăng sản xuất khi các nhà máy ở Châu Á thoát khỏi tình trạng ảm đạm, nhưng hiện đối mặt với vấn đề nguồn cung ứng.

Theo các cuộc khảo sát, hoạt động sản xuất ở Châu Á đang gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại các nền kinh tế mới nổi đang lắng dịu, nhưng chi phí đầu vào tăng, thiếu nguyên liệu và triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại. Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực phải chịu áp lực về nhiều mặt khi tìm cách đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng ảm đạm, đồng thời cố gắng kiểm soát giá cả trong bối cảnh chi phí hàng hóa tăng và tình trạng thiếu linh kiện.

Wang Zhe, nhà kinh tế cấp cao của tập đoàn Caixin Insight Group cho biết: “Tình trạng thiếu nguyên liệu thô và giá cả hàng hóa tăng cao, cùng với vấn đề cấp điện, đã cản trở các nhà sản xuất và làm gián đoạn chuỗi cung ứng”. Hoạt động sản xuất tại Việt Nam, Indonesia và Malaysia vào tháng 10/2021 cũng gia tăng khi các hoạt động dần được bình thường hóa sau phong tỏa vì dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Đài Loan cũng gia tăng hoạt động sản xuất khi nhu cầu về chip đang rất lớn, trong khi hoạt động sản xuất của Nhật Bản tăng với tốc độ nhanh nhất trong 6 tháng qua – đây là dấu hiệu đáng khích lệ cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Tình trạng thiếu nguyên liệu và gián đoạn giao hàng đã khiến giá cả đầu vào tại Nhật Bản tăng cao nhất trong hơn 13 năm qua.

Alex Holmes, chuyên gia về kinh tế Châu Á mới nổi tại Capital Economics, cho biết: “Dù các chỉ số PMI sản xuất tháng 10/2021 cho thấy sản lượng sản xuất tăng mạnh, ngành công nghiệp có thể sẽ phải giải quyết lượng đơn đặt hàng tồn đọng lớn trong nhiều tháng tới và khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiếp diễn”.

Các cuộc khảo sát cho thấy chỉ số PMI của Việt Nam tăng lên mức 52,1 so với mức 40,2 trong tháng 9/2021, trong khi PMI của Indonesia tăng lên mức 57,2 so với mức 52,2. Chỉ số của Malaysia đứng ở mức 52,2, tăng so với mức 48,1. So với các nền kinh tế phát triển, các nền kinh tế mới nổi của Châu Á tụt hậu trong việc phục hồi sau đại dịch do chậm triển khai tiêm vaccine và sự bùng phát biến thể Delta, gây ảnh hưởng đến tiêu dùng và sản xuất.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here