Truyền thông quốc tế: Cam kết của Việt Nam có tác động quan trọng cho nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu tại COP26

0
131
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Cop 26. (Nguồn: TTXVN)

Theo giới quan sát, Hội nghị COP26 cho Việt Nam cơ hội tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, nguồn lực về công nghệ và tài chính nhằm hiện thực hóa chuyển đổi sang nền kinh tế xanh phục phục vụ cho “mục tiêu kép”: Ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19.

Cam kết mạnh mẽ từ người đứng đầu Chính phủ Việt Nam

Ngày 1/11 (giờ Vương quốc Anh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). Hội nghị COP26 có lãnh đạo và đại diện của 197 Bên tham gia Công ước, trong đó có hơn 120 nguyên thủ và thủ tướng các nước.

Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được nhiều bạn bè, đối tác quốc tế đánh giá cao; đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ các cộng đồng dân cư, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương, để tăng khả năng chống chịu và thích ứng trước các hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu.

Trong phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu.

Đây là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu bật 3 đề nghị, thứ nhất, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.

Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ hai, tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia. Nhân đây, tôi kêu gọi phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu. Đây là đòi hỏi tất yếu để cùng nhau kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất.

Về phần mình, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thứ ba, tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Các quốc gia phát triển đã phát thải nhiều trong quá khứ để đạt được sự thịnh vượng kinh tế ngày nay cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã có, đồng thời khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau 2025.

Việt Nam mang đến COP26 sáng kiến và chính sách cụ thể

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ảnh hưởng đáng kể trong nhóm các nước đang phát triển và là nước có phát thải khí nhà kính hàng năm đứng thứ 21 trên thế giới. Vì vậy, cam kết của Việt Nam được xem là sẽ có tác động quan trọng cho nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu tại cuộc họp COP26.

Theo NDC cập nhật, Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, cụ thể là giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và giảm tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương và đa phương; tiếp tục giảm mạnh điện than, tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp đến năm 2045; nội luật hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tham gia, thúc đẩy các sáng kiến ứng phó biến đổi khí hậu tại hội nghị COP26 lần này, nhất là Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi từ điện than sang điện sạch của Anh và cam kết giảm phát thải khí mê tan của Mỹ.
Thách thức tài chính và công nghệ

Tài chính vẫn là một trong những vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam. Theo tính toán của các chuyên gia, để đạt mục tiêu phát thải đạt đỉnh vào năm 2045 và giảm dần sau đó, từ nay đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đầu tư 532 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam phải áp dụng các công nghệ giúp giảm phát thải mạnh như sử dụng pin nhiên liệu, khí hydro, chôn lấp các-bon… là những công nghệ mới, chi phí lớn nên chỉ có thể áp dụng rộng rãi khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập cao.

Ngoài ra, còn có bài toán cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở nhiều địa phương bất chấp tuyên bố của Chính phủ Việt Nam không đánh đổi lợi ích kinh tế với môi trường.

Năng lượng tái tạo đang thu hút nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước ở Việt Nam. Điện mặt trời, điện gió đang được ưu tiên phát triển, thể hiện rõ trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia (Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị) và trong dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Giới quan sát và đầu tư cho rằng Việt Nam đang xây dựng tham vọng trở thành cường quốc khu vực về năng lượng tái tạo. Nhận thức về biến đổi khí hậu của người dân Việt Nam, trong đó có giới trẻ, cũng tăng lên và có thể hỗ trợ nỗ lực mạnh mẽ hơn của chính phủ.

Hãng tin BBC đưa ra nhận định, việc đến Glasgow dự COP26 là cơ hội rất thuận lợi để Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục truyền đi thông điệp về những thách thức, tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Anh để “đóng góp vào thành công của hội nghị, thể hiện sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế”.

Gia An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here