Tháng 10/2023, trong 3 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Hàn Quốc, Việt Nam là thị trường duy nhất có lượng và trị giá tăng.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho biết, tháng 10/2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc từ Việt Nam đạt 15,26 nghìn tấn, trị giá 77,07 triệu USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 6,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc từ Việt Nam đạt 121,7 nghìn tấn, trị giá 652,99 triệu USD, giảm 7,7% về lượng và giảm 13,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thị phần thủy sản của Việt Nam tính theo trị giá trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc 10 tháng đầu năm 2023 giảm xuống còn 13,4% từ mức 14,1% của 10 tháng đầu năm 2022.
Trong tháng 10/2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 102,51 nghìn tấn, trị giá 451,4 triệu USD, giảm 18,8% về lượng và giảm 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 10 tháng năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 1,09 triệu tấn, trị giá 4,873 tỷ USD, giảm 17,6% về lượng và giảm 8,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khiến nhu cầu nhập khẩu thủy sản của nước này chưa có dấu hiệu phục hồi.
Trung Quốc, Nga và Việt Nam là 3 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Hàn Quốc trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2023. Trong khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng, Hàn Quốc giảm mua từ Nga và Trung Quốc.
Dự báo, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc những tháng cuối năm 2023 và tháng 1/2024 sẽ dần phục hồi khi nhu cầu tiêu dùng cho các kỳ nghỉ lễ đón năm mới tăng lên.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 10 năm 2023, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó: tôm chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu thủy sản với giá trị trên 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với xuất khẩu các mặt hàng hải sản, tính đến hết tháng 10/2023 đạt 3 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vẫn suy giảm nhưng tốc độ đang chậm lại.
Trong nhiều năm qua, sản phẩm thủy sản Việt Nam cạnh tranh bằng năng lực chế biến. Điều này đã giúp chúng ta tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao, giá thành tốt, khắc phục hạn chế về chi phí sản xuất và vận chuyển. Việt Nam đã dần khẳng định được vị thế với sản phẩm được ưa chuộng tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh… và duy trì tốt thị phần tại những thị trường cạnh tranh cao như Mỹ và các nước châu Âu.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ nhiều thị trường chủ lực có khả năng phục hồi tốt dịp cuối năm. Sản lượng sản xuất trong nước vẫn đang được duy trì ở mức tốt.
Tuy nhiên, tại một hội nghị mới đây, bà Vương Thị Oanh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: “Bức tranh của ngành thuỷ sản nửa cuối năm 2023 mặc dù khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn này dự kiến kéo dài từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024”.
Hải An