Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thương mại

0
90
Hết tháng 10, kim ngạch thương mại Việt Nam-Nhật Bản đạt gần 37 tỷ USD. Hình ảnh trái vải thiều của Việt Nam được bày bán trong siêu thị tại Nhật Bản. (Nguồn: Kinh tế Đô thị)

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua tương đối cân bằng, bền vững và tăng trưởng ổn định. Nhật Bản duy trì là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Hết tháng 10, kim ngạch thương mại Việt Nam-Nhật Bản đạt gần 37 tỷ USD. Hình ảnh trái vải thiều của Việt Nam được bày bán trong siêu thị tại Nhật Bản. (Nguồn: Kinh tế Đô thị)

Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 10, kim ngạch thương mại Việt Nam-Nhật Bản đạt gần 37 tỷ USD. Với kết quả này, Nhật Bản tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 19,223 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 6,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Hết tháng 10, có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, dẫn đầu là dệt may với hơn 3,3 tỷ USD, tăng nhẹ khoảng 18 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,42 tỷ USD là nhóm hàng đứng thứ hai, đây là nhóm hàng chủ lực có tăng trưởng cao gần 18%. Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đứng thứ ba với kim ngạch 2,27 tỷ USD giảm khoảng 30 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Đứng thứ tư là gỗ và sản phẩm với kim ngạch gần 1,4 tỷ USD, giảm khoảng 150 triệu USD so với cùng kỳ 2022. Đây là một trong những nhóm hàng chủ lực có mức giảm mạnh nhất (giảm gần 10%).

Thủy sản đạt gần 1,25 tỷ USD đứng thứ năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhóm hàng này giảm khoảng 180 triệu USD và là nhóm hàng “tỷ đô” bị giảm mạnh nhất (giảm gần 13%).

Ngoài ra, hết tháng 10 còn nhiều nhóm hàng xuất khẩu sang Nhật Bản đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD như: điện thoại và linh kiện; sản phẩm từ chất dẻo; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hóa chất; dầu thô…

Chiều ngược lại, nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 17,743 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng chiếm 6,6% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất với 5,92 tỷ USD, giảm hơn 100 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, còn hai nhóm hàng có kim ngạch “tỷ đô” là: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với kim ngạch đạt 3,3 tỷ USD, giảm khoảng 250 triệu USD so với cùng kỳ 2022; sắt thép các loại đạt 1,23 tỷ USD, giảm khoảng 270 triệu USD.

Chia sẻ về quan hệ thương mại giữa hai quốc gia, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi – Bộ Công Thương thông tin, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua tương đối cân bằng, bền vững và tăng trưởng ổn định. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản 23,4 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.

Ông Huy nhấn mạnh: “Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thương mại do hai nền kinh tế có sự bổ sung lẫn nhau. Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nền kinh tế có độ mở cao, đang duy trì tốc độ phát triển nhanh, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao và có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng”.

Thời gian tới, để hàng hoá Việt Nam chiếm lĩnh tốt hơn thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản nhấn mạnh, không giống như Việt Nam, lạm phát tại Nhật Bản rất thấp, mục tiêu lạm phát đặt ra hàng năm chỉ khoảng 2%, thậm chí thường rơi vào giảm phát nên giá cả không đổi. Bởi vậy, nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý không tăng giá quá mạnh, tránh làm mất khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, điểm cốt yếu là doanh nghiệp Việt Nam phải duy trì được chất lượng đồng đều của sản phẩm.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here