Giới hạn đỏ của Trung Quốc trong đàm phán thương mại

0
168

Financial Times tiếng Trung vừa qua có bài viết với tựa đề “Giới hạn đỏ của Trung Quốc trong đàm phán thương mại”, trong đó nhận định vấn đề quyền chủ quyền đã giúp Trung Quốc đạt được những kỳ tích kinh tế trong vòng bốn thập kỷ qua. Trong khi Trung Quốc có thể nhượng bộ trước các yêu cầu như mở rộng thị trường, hạ thuế, giảm rào cản kỹ thuật, Bắc Kinh sẽ giữ “giới hạn đỏ” trước các đòi hỏi của Washington về việc sửa đổi thể chế kinh tế, bỏ bảo hộ đối với các doanh nghiệp quốc hữu, do Trung Quốc coi đây là lợi ích chủ quyền.

Tới tháng 03/2019, nếu Trung-Mỹ tiếp tục không đạt được thỏa thuận thương mại, hai bên sẽ rơi vào một vòng chiến tranh thuế quan và phản thuế quan mới. Hiện nay, dù đang phải đối mặt với nhiều sức ép nhưng Trung Quốc sẽ vẫn giữ “giới hạn đỏ” trong đàm phán thương mại với Mỹ. Ở đây, “giới hạn đỏ” của Trung Quốc được hiểu là vấn đề thuộc phạm trù quyền chủ quyền, điều đã giúp Trung Quốc gặt hái được những kỳ tích kinh tế trong vòng 40 năm qua.

Trong quá khứ, khi chiến tranh thế giới thứ nhất chấm dứt, bên thắng cuộc đã giao các tô giới của Đức tại Trung Quốc cho Nhật Bản. Điều này khiến phong trào phản đối “Ngũ tứ” của thanh niên, sinh viên Trung Quốc bùng phát, cuối cùng trở thành cuộc vận động yêu nước đem lại thắng lợi cho phong trào Cộng sản tại Trung Quốc. Tới tháng 10/2019, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 71 năm ngày cách mạng thành công, và điều này cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới đàm phán Trung-Mỹ xoay quanh vấn đề “có tính kết cấu”, vốn là phương thức vận hành mang tính đặc thù riêng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Năm 2018, lần áp thuế đầu tiên của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc cho thấy Tổng thống Donald Trump là người theo “chủ nghĩa trọng thương”, coi thương mại toàn cầu là cuộc chơi với “tổng bằng không”, và bên mạnh phải là kẻ nắm phần thắng. Do đó, ban đầu Tổng thống Trump chỉ tập trung giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi có sự tham vấn của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và phe cứng rắn đối với chính sách sản xuất và trợ giá sản phẩm của Trung Quốc, Trump đã tuyên bố nếu Trung Quốc không có phương án giải quyết thỏa đáng vấn đề, sẽ không có việc hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại.

Về phía Trung Quốc, áp lực suy giảm kinh tế có thể khiến lãnh đạo Trung Quốc tìm cách tránh để leo thang chiến tranh thương mại với Mỹ. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoại trừ một số ngành nghề cần bảo hộ, Bắc Kinh có thể tiếp tục hạ mức thuế nhập khẩu, giảm bớt hạn chế với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng từ góc độ của Trung Quốc, rủi ro lớn nhất đối với Bắc Kinh là việc phải dừng bảo hộ các doanh nghiệp quốc hữu quy mô lớn nhằm giúp họ tránh được sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc. Đây cũng sẽ là vấn đề Trung Quốc khó có nhượng bộ lớn. Trên thực tế, trong phát biểu đánh giá về môi trường bên ngoài tại một cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh thành của Trung Quốc gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định, những đối thủ lớn đang quyết tâm phá hoại sự ổn định của Trung Quốc.

Hiện nay, luật phòng chống tham nhũng của Trung Quốc vẫn coi độc quyền nhà nước là hợp pháp vì phù hợp “lợi ích chung”, và sự hỗ trợ của chính phủ với các địa phương, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như Hoa Vi (Huawei) là vấn đề tất yếu. Tuy nhiên điều này lại trở thành mục tiêu giám sát của chính phủ Mỹ. Trong khi đó với ông Tập Cận Bình, việc khuất phục trước sức ép của Mỹ, chấp nhận xem xét “tuân thủ” các yêu cầu của phía Mỹ bị coi là trái với tinh thần của phong trào “Ngũ tứ” và các vị tiền bối cách mạng Trung Quốc, trong đó có cha ông là Tập Trọng Huân.

Học giả Scott Kennedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định việc ông Tập Cận Bình cảnh báo lãnh đạo các tỉnh thành về nguy cơ lớn là nhằm đưa ra tín hiệu: Trung Quốc cần chuẩn bị đối phó với thời kỳ khó khăn mới, vì Trung Quốc sẽ không thay đổi, và không ai có thể cưỡng ép Trung Quốc phải thay đổi.

Cũng như các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác, ông Tập Cận Bình cho rằng chiến thắng Trung Quốc đạt được năm 1949 là đã kết thúc “một trăm năm ô nhục” dưới bàn tay xâm lược ngoại bang, giành lại quyền tự quyết với vận mệnh dân tộc. Đây là điều mà các bên chiến thắng trong thế chiến thứ nhất đã từ chối trao lại cho Trung Quốc. Hiện nay, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang có thêm những căng thẳng mới trong thời điểm Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm sự kiện lớn trên. Do đó, ngoài việc bảo vệ các chiến lược phát triển kinh tế, ông Tập Cận Bình càng phải duy trì lập trường kiên quyết hơn trong thời điểm nhạy cảm này.

Tin từ ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here