Chiều 17/12/2022, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023”.
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ thực chất những yếu tố căn bản nào có thể tác động tới các nền tảng vĩ mô của kinh tế Việt Nam, những nguy cơ nào đối với các cân đối lớn của nền kinh tế; những nền tảng và sức mạnh nội tại cần phải phát huy, những dư địa chính sách và nguồn lực cần được khai thác, phát huy để phục vụ cho phát triển của 2023 và những năm tiếp theo; đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những hạn chế, yếu kém, những điểm nghẽn chủ yếu trong phát triển.
Các ý kiến cũng dự báo các kịch bản phát triển, đưa ra những khuyến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách hoặc các biện pháp cụ thể để chủ động ứng phó, xử lý hiệu quả các vấn đề đang đặt ra đối với Việt Nam cả trong trước mắt năm 2023 và trong những năm tiếp theo.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định kinh tế châu Á tiếp tục đà phục hồi nhưng yếu đi, cùng với nguy cơ lạm phát do giá lương thực tăng cao, giá dầu tuy giảm so với đầu năm nhưng vẫn ở mức cao, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao.
Ông Andrew Jeffries nhấn mạnh nhiều kết quả của kinh tế Việt Nam như xuất khẩu bùng nổ với mức tăng xuất khẩu 13% trong 11 tháng đầu năm, giải ngân FDI cao nhất trong 5 năm, tiêu dùng nội địa tăng 17,5% so với cùng kỳ, du lịch nội địa đạt gần 100 triệu lượt trong gần 11 tháng.
Hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực giúp tăng trưởng Việt Nam tăng 8,8% trong 3 quý đầu của năm 2022. Sự bùng nổ xuất khẩu của Việt Nam nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi và giá xuất khẩu tăng, giúp thặng dư thương mại 10,6 tỷ USD trong 11 tháng năm 2022. Giải ngân FDI tăng 7,8%, ước đạt 7,7 tỷ USD là mức giải ngân cao nhất trong 5 năm…
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, Việt Nam đã 2 lần tăng lãi suất kịp thời và dứt khoát trong cuối năm 2022; đồng thời, hiện không có nhiều lo ngại về hệ thống tài chính nói chung, song có những rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam.
Ông cho biết ADB điều chỉnh dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,5% và có thể đạt mức 8% trong năm 2022.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng những “cơn gió ngược” đang xuất hiện, bao gồm việc thắt chặt tiền tệ, nhu cầu toàn cầu suy yếu với hàng xuất khẩu của Việt Nam và những bất thường trên thị trường trái phiếu. Những “cơn gió ngược” này khiến chuyên gia ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 từ mức 6,7% xuống 6,3%.
“Với bối cảnh kể trên, các phản ứng chính sách của Việt Nam cần hướng tới sự cân băng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự vận hành của hệ thống tài chính”, đại diện ADB khuyến nghị, đồng thời cảnh báo Việt Nam nên cảnh giác lạm phát trong năm 2023.
Ông bày tỏ tin tưởng rằng, với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, Việt Nam có thể đối đầu những “cơn gió ngược trong năm 2023”.
“Triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực trong trung, dài hạn và sự tìm đến của dòng vốn FDI là một lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam”, ông nói.
(Quang Thanh/vneconomy)