Theo thống kê của ngành chức năng, triển khai thực hiện Chương trình, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 480.655 tỷ đồng (năm 2016) lên 743.800 tỷ đồng (năm 2019); dự kiến năm 2020 đạt 803.300 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2019). Với kết quả này, bình quân giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đạt mức tăng 16,3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra (15%/năm). Về số làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận tính đến cuối năm 2019 là 252 làng nghề, vượt mục tiêu Chương trình đề ra (đến năm 2020 toàn tỉnh có trên 240 làng nghề được công nhận).
Trong thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng cùng các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả những giải pháp đề ra trong Chương trình; thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, xây dựng mới các chính sách ưu đãi để thu hút, khuyến khích và hướng các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp. Đồng thời, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiếp tục tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp – xây dựng, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp, triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, duy trì từ 30-50ha quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư. Khôi phục và phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp có sức cạnh tranh bền vững trên thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu…
(baothainguyen.org.vn)