Tại cuộc Hội thảo với chủ đề “Thu nhập trung bình với chất lượng và đạo đức: Lộ trình đối với Bangladesh” diễn ra tại Dhaka hôm 15/12, lãnh đạo các doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế của Bangladesh bày tỏ quan ngại trước tình hình gia tăng chi phí kinh doanh, việc điều chỉnh lãi suất tăng cao và thiếu nguồn lao động có kỹ năng đang cản trở nước này trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Các ý kiến đều cho rằng việc chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia khác sẽ kéo dài trong khoảng 15 – 20 năm. Do vậy, nếu Bangladesh cải cách chính sách thuế và đảm bảo quản trị công tốt thì sẽ tận dụng được những cơ hội trên.
Ông Syed Nasim Manzur, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp thành thị Bangladesh cho rằng xu hướng gia tăng chi phí kinh doanh thực sự là bài toán đau đầu cho các doanh nghiệp; các doanh nghiệp không thể gánh chi phí cơ sở hạ tầng; điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu mà còn ảnh hưởng tới thị trường nội địa. Ông đưa ra thí dụ so sánh, ở Việt Nam, các nhà đầu tư liên doanh có thể thuê 100 acres đất (tương đương 40 ha) với giá 1 USD/acre trong vòng 30 năm, nhưng ở Bangladesh, để thuê 10 bighas đất (tương đương 1,6 ha) thì cần phải đi gặp 100 người.
Các ý kiến cũng đã chỉ ra bốn vấn đề mà Bangladesh đang gặp phải: (i) kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chất lượng chưa cao và số lượng việc làm tạo ra có xu hướng giảm; (ii) đầu tư khổng lồ về cơ sở hạ tầng nhưng tốc độ triển khai chậm chạp; (iii) có nhiều chính sách thu hút đầu tư nhưng có ít tiến bộ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh; (iv) giáo dục được mở rộng nhưng chất lượng vẫn là câu hỏi lớn.
Giáo sư MA Taslim, Giảng viên kinh tế tại trường Đại học Dhaka đặt câu hỏi về những số liệu tăng trưởng kinh tế do Cục Thống kê Bangladesh công bố hàng năm. Ông cho rằng mặc dù Bangladesh đã phát triển rất nhanh trong một vài năm gần đây, nhưng thứ hạng tương đối của Bangladesh hầu như không được cải thiện đáng kể. Giáo sư Taslim đưa ra dẫn chứng, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam một vài năm trước chỉ bằng 1/3 Bangladesh, nhưng hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt 2.343,1 USD, cao hơn 60 – 70% so với Bangladesh. Các chuyên gia cho rằng Chính phủ Bangladesh cần tập trung cải thiện chất lượng quản trị công, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nhằm tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn, đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.
(Tin từ ĐSQVN tại Bangladesh).