Brexit: Để thoát khỏi bế tắc, giả thiết về cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai đang được đặt ra tại Anh

0
69
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giả thiết Anh tiến hành trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit, lâu nay vẫn bị coi là không thể, không tưởng và luôn bị các đảng phái chính trị bác bỏ, hiện đang được bàn đến nhiều để giúp nước Anh thoát khỏi bế tắc chính trị hiện này.

Sau một tuần lễ “điên rồ”: bị đảng của chính bà bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng đã vượt qua và tay trắng trở về từ Bruxelles sau khi 27 nước thành viên EU từ chối nhượng bộ thảo luận thêm về thỏa thuận Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May đã phải hoãn cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội về thỏa thuận Brexit đã ký với EU. Nhưng lạ thay, bối cảnh tình hình đã trở nên đơn giản hơn.

Thỏa thuận đã ký với EU không nhận được đa số ủng hộ tại Quốc hội Anh. Giả thiết về Brexit mà không có thỏa thuận sẽ là sự trống vắng pháp lý mang tính thảm họa cho kinh tế Anh có thể cũng sẽ bị các nghị sỹ Anh bác bỏ. Vậy chỉ còn một giả thiết về trưng cầu dân ý lần thứ hai vốn đang là tâm điểm của tất cả các cuộc thảo luận. Tuy nhiên hiện tại cả Chính phủ Anh lẫn phe đối lập đều không chủ trương giả thiết này.

Để cho phép người dân giải quyết vấn đề nan giải mà các nghị sỹ không thể giải quyết được, các nghị sỹ phải bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai. Theo tờ Sunday Times, hai nhân vật thân cận của bà Theresa May là Phó Thủ tướng David Lidington và Chánh Văn phòng Nội các Gavin Barwell – cả hai đều chống Brexit – đã bí mật thăm dò các nghị sỹ, kể cả những người thuộc Công đảng, nhằm hình thành một liên minh ủng hộ trưng cầu dân ý lần hai. Hai ông này không tin là Thủ tướng Theresa May có thể buộc được Quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit từ nay đến ngày 21/1/2019 như bà đã hứa. Tuy cả hai đều đã bác bỏ mạnh mẽ việc vận động theo hướng này: ông Lidington cho rằng cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai sẽ làm tổn hại “lòng tin vốn đã lung lay của dư luận đối với các thể chế dân chủ”, nhưng nhiều nguồn tin khẳng định các cuộc thảo luận bí mật về trưng cầu dân ý lần hai đang diễn ra. Một nhóm gồm 5 Bộ trưởng có cùng kết luận như vậy.

Sự bất đồng trong Chính phủ Anh giữa những người ủng hộ giả thiết về cuộc trưng cầu dân ý lần hai và những người muốn Brexit mà không có thỏa thuận đang leo thang, điều có thể tạo ra cú “sốc” về kinh tế dẫn tới một cuộc cách mạng tự do cực đoan như dưới thời Thủ tưởng Thatcher.

Hiện tại, bà Theresa May mạnh mẽ loại trừ khả năng trưng cầu dân ý lần hai. Về phía lãnh đạo Công đảng, ông Jeremy Corbyn luôn ủng hộ Brexit “thuận lợi cho việc làm”, mong đợi bà Theresa May thất bại trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội về thỏa thuận Brexit – một thỏa thuận mà ông đánh giá “chết ngay sau khi ra đời” – để tiến hành bỏ phiếu không tín nhiệm bà May. Trong khi đó, nhiều thành viên của Công đảng thân châu Âu, bực tức vì sự chờ đợi này và đang rất tích cực ủng hộ trưng cầu dân ý lần hai.

Ông Peter Kellner, nguyên Viện trưởng Viện thăm dò YouGov nhận định: “Khả năng về trưng cầu dân ý lần hai ngày càng tăng, không phải vì đó là sự lựa chọn của đa số các nghị sỹ, mà là vì tất cả những khả năng khác ngày càng ít khả thi”. Theo thăm dò dư luận mới nhất, 45% người Anh muốn tổ chức trưng cầu dân ý lần hai, 35% phản đối và 20% không có ý kiến.

Nếu cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai được quyết định thì sẽ được tổ chức vào cuối tháng 5/2019. Điều này có nghĩa không những sẽ phải lùi lại ngày Anh rời khỏi EU dự kiến vào ngày 29/3/2019, mà còn phải duy trì bầu cử nghị viện châu Âu vào cuối tháng 5/2019 tại Anh. Như vậy, cũng như Brexit, cuộc trưng cầu dân ý có thể giúp Anh thoát khỏi bế tắc cũng sẽ không dễ dàng gì.

(Tin do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổng hợp từ tờ Le Monde ngày 18/12/2018)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here