Theo nhật báo Khmer Times ngày 27/7, việc Campuchia có thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác sẽ giúp Campuchia giảm thiểu tổn thất sau khi Liên minh châu Âu (EU) đình chỉ một phần ưu đãi thương mại theo chương trình Tất cả trừ vũ khí (EBA) trong thời gian tới.
Theo Phó Thủ tướng Campuchia Hor Nam Hong, Campuchia và Trung Quốc sẽ ký FTA trước ngày 12/8 khi quyết định của EU có hiệu lực. Thủ tướng Campuchia Hun Sen sẽ tới Trung Quốc để tham gia chủ trì lễ ký kết FTA với Trung Quốc.
Một FTA với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ mở ra cơ hội cho nhiều hàng hóa và sản phẩm nông nghiệp của Campuchia như chuối, bột sắn và cao su được xuất khẩu. Một nhà nghiên cứu kinh tế cho biết động thái này đang diễn ra đúng thời điểm vì Campuchia cần đa dạng hóa các hiệp định song phương với nhiều đối tác thương mại hơn. Tuy nhiên, sẽ mất thời gian để bù đắp tổn thất do việc EU đình chỉ một phần EBA.
Nhà nghiên cứu kinh doanh Hong Vannak thuộc Học viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia cho rằng, với khối lượng thương mại song phương khổng lồ hiện có giữa Campuchia và Trung Quốc, FTA với Trung Quốc đang được thực hiện đồng thời với kế hoạch của chính phủ thay thế việc mất một phần của ưu đãi EBA.
Theo nhà nghiên cứu Hong Vannak, không thể thay thế EBA trong một thời gian ngắn và sẽ mất nhiều thời gian hơn trong khi Campuchia đang chuẩn bị nhiều thỏa thuận thương mại với nhiều đối tác thương mại. Tuy nhiên, ông Vannak cho biết, ban đầu Chính phủ Campuchia đã có ý định giảm thiểu tác động do mất thỏa thuận EBA và thỏa thuận Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP).
GSP là một hệ thống thuế quan ưu đãi đối với các sản phẩm khác nhau. Khái niệm về GSP rất khác với khái niệm về Tối huệ quốc (MFN). MFN quy định đối xử bình đẳng về thuế quan giữa các quốc gia. Theo GSP, mức thuế quan chênh lệch có thể được một quốc gia áp dụng đối với các quốc gia khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố quốc gia phát triển hay đang phát triển. Cả hai quy tắc này đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). GSP giúp giảm thuế cho các quốc gia kém phát triển, nhưng MFN chỉ có ý nghĩa là không phân biệt đối xử giữa các thành viên WTO.
Theo ông Vannak, GSP không còn phù hợp với Campuchia. FTA vẫn chưa có hiệu lực, nhưng Trung Quốc đã tăng mua nông sản từ Campuchia và đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực này, vì vậy FTA sẽ giúp tăng cường giao thương giữa Trung Quốc và Campuchia.
Hiện nay, khối lượng thương mại giữa Campuchia và Trung Quốc đã tăng đều đặn từ 5,16 tỷ USD năm 2016 lên 6,04 tỷ USD năm 2017 và lên tới 7,4 tỷ USD vào năm 2018. Hai nước đặt mục tiêu sẽ đạt 10 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2023. Để thu hút đầu tư nhiều hơn, Campuchia cần cải thiện cạnh tranh và loại bỏ các rào cản thương mại.
Theo một quan chức của Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia (MEF), luật đầu tư mới của Campuchia dự kiến sẽ sớm được giới thiệu vì dự thảo luật đã hoàn thành 95% và sẽ có nhiều điều khoản hấp dẫn hơn đối với nhiều nhà đầu tư.
Campuchia hiện cũng đang cố gắng đạt được thỏa thuận thương mại tự do với một số nền kinh tế hàng đầu thế giới như Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), khối kinh tế do Nga đứng đầu gồm năm quốc gia thành viên.
Quốc vụ khanh Seang Thay, Người phát ngôn Bộ Thương mại cho biết các đối tác FTA sẽ mang lại cho Campuchia nhiều lợi ích hơn so với tình hình hiện tại. Ông cho biết, Campuchia đã chuẩn bị hoàn thành các hiệp định thương mại song phương với tám quốc gia khác và sẽ bắt đầu với Hàn Quốc và có kế hoạch với Nhật Bản, Anh, Ấn Độ, Mông Cổ, EAEU và Mỹ. Campuchia cần đa dạng hóa các thỏa thuận thương mại để tận dụng tiềm năng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vũ Hùng