Notifications
Clear all

Bản tin Kinh tế số tháng 11-2019

2 Bài viết
2 Thành viên
2 Reactions
1,723 Lượt xem
(@dsqvn-lao)
Trusted Member
Gia nhập: 7 năm trước
Bài viết: 80
Topic starter  

​​ 

TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO

 

Khai​​ mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa VIII

            Ngày 07/11/2019, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa VIII đã chính thức khai mạc, QH sẽ thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, dự kiến sẽ phê chuẩn các dự luật và luật sửa đổi, theo kế hoạch, kỳ họp sẽ kéo dài đến ngày 06/12/2019.

            Phiên khai mạc của kỳ họp có sự tham dự của Chủ tịch Bounhang Vorachit, Thủ tướng Thongloun Sisoulith, các thành viên Chính phủ, các đại biểu QH, các đồng chí nguyên lãnh đạo và khách mời. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch QH Pany Yathotou đã nêu bật những thành tựu đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 8 2016-2020, lưu ý về những thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, chiến tranh thương mại, thiên tai và biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế của Lào.

            Tại phiên khai mạc, QH đã phê chuẩn các chức danh lãnh đạo của Chính phủ do Thủ tướng Thongloun Sisoulith đề nghị; theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Sonexay Siphandone được bổ nhiệm thêm chức vụ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; nguyên Trưởng ban Tuyên huấn của BCH TW Đảng nhân dân Cách mạng Lào Kikeo Khaykhamphithoune được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, thay đồng chí Bosengkham Vongdara.

            Đại biểu QH đã nghe báo cáo của Thủ tướng Thongloun Sisoulith về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và phương hướng 2020; mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong năm 2019 và khẳng định sẽ tiếp tục duy trì ổn định chính trị và trật tự xã hội nhằm tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội.

            Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone báo cáo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và tài khóa năm 2020; báo cáo đề cập về những khó khăn trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ, việc giải quyết các ảnh hưởng do lũ lụt gây ra.

            Đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ về kết quả thực hiện công tác năm 2019 và kế hoạch năm 2020.

            Theo chương trình, QH sẽ thảo luận các dự thảo luật: Điện ảnh, Bình đẳng giới; 06 dự thảo luật sửa đổi bao gồm luật: Phá sản doanh nghiệp; Vệ sinh, Phòng dịch và Bảo vệ sức khỏe; Bảo hiểm; Chứng khoán; Thể thao và Luật Khuyến khích Đầu tư. (Vientiane Times, 08/11/2019)

Chính phủ Lào lạc quan về tăng trưởng kinh tế mặc dù năm 2019 không đạt chỉ tiêu

            Ngày 7/11/2019, tại Viêng Chăn, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa VIII, thay mặt Chính phủ Lào, Thủ tướng Thongloun Sisoulith cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 dự kiến ở mức 6,4%, không đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (6,7%); GDP năm 2019 ước đạt 164.147 tỷ Kíp, thấp hơn kế hoạch đặt ra (165.475 tỷ Kíp), thu nhập bình quân đầu người đạt 2.683 USD (kế hoạch là 2.726 USD), nông nghiệp dự kiến tăng trưởng 2,8%, công nghiệp 7,1% (thấp hơn chỉ tiêu 1,2%), dịch vụ 7% (vượt chỉ tiêu 0,4%), thu ngân sách tăng 7% (đạt chỉ tiêu).

            Kim ngạch thương mại 9 tháng đầu năm đạt 8,58 tỷ USD (đạt 76% kế hoạch năm, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó xuất khẩu đạt 4,38 tỷ USD (dự kiến cả năm đạt 5,51 tỷ USD), nhập khẩu đạt 4,2 tỷ USD (dự kiến 5,77 tỷ USD cả năm). Sản xuất điện 9 tháng đầu năm 2019 đạt 23.641 triệu KWh, đạt 70% so với kế hoạch, giảm 5,17% so với cùng kỳ năm 2018; cả năm ước đạt 34.652 triệu KWh, vượt 777 triệu KWh so với chỉ tiêu (33.875 triệu KWh) do một số các dự án thủy điện có quy mô lớn sẽ đi vào vận hành thương mại vào cuối năm.

            Chính phủ Lào đánh giá nguyên nhân tăng trưởng thấp là do sự suy giảm của kinh tế thế giới, lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh ở nhiều địa phương. Chính phủ cho rằng tốc độ tăng trưởng thấp là cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu nhằm tạo ra nền tảng kinh tế bền vững và mạnh mẽ, xây dựng cơ sở sản suất và đa dạng hóa nguồn thu trong nước. Tăng trưởng tuy thấp nhưng có chất lượng cao, thâm hụt ngân sách giảm còn 4% năm 2018 so với 6% năm 2015; thu ngân sách nội địa đạt 26,2 nghìn tỷ kíp so với 21 nghìn tỷ kíp năm 2016; có tiến bộ trong giải quyết các khoản nợ đối với khu vực tư nhân; lập quỹ trị giá 200 tỷ Kíp, giải ngân 32 tỷ Kíp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; ký thỏa thuận bán điện cho các nước láng giềng, hiện đang nghiên cứu chính sách để doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất điện; điều tra các dự án chuyển nhượng và có chính sách thúc đẩy đối với các dự án triển khai không đạt kế hoạch.

            Chính phủ Lào tin tưởng tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi trong tương lai gần, theo hướng phát triển bền vững. Nhiệm vụ chủ yếu của Chính phủ trong năm 2020 là giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, duy trì ổn định tài chính tiền tệ lành mạnh, khắc phục các rào cản đối với sản xuất, tăng cường sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển kết nối hạ tầng với các nước láng giềng, phát triển du lịch và hạ tầng nông nghiệp, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn. (Vientiane Times, 08, 11/11/2019)

Quốc hội phê chuẩn báo cáo về tô nhượng đất

            Ngày 20/11/2019, Quốc hội đã phê chuẩn kết quả báo cáo thanh tra về việc cho thuê và tô nhượng đất đối với các nhà đầu tư.

            Chủ tịch Ủy ban Kinh tế, Công nghệ và Môi trường Bounpone Sisoulath đã báo cáo kết quả thanh tra việc thực thi quy định pháp luật liên quan đến việc cho thuê và tô nhượng đất thông qua các hợp đồng ký kết với nhà nước; tính đến nay, Chính phủ đã ký kết và cấp phép tô nhượng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tổng số có 173 hợp đồng cho 1.569 dự án (nhà nước tham gia 16 dự án), Chính quyền TW cấp 427 dự án, chính quyền tỉnh cấp 956 dự án, huyện cấp khoảng 185 dự án và bản cấp 02 dự án, với tổng diện tích đất được cấp khoảng 11.700.000 ha; tuy nhiên, trên thực tế, diện tích đất được phát triển chỉ đạt khoảng 549.248 ha. Các dự án đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực nông-lâm nghiệp, khai khoáng và thủy điện.

            Thảo luận nội dung báo cáo, các đại biểu QH đã cho rằng, việc sử dụng tài nguyên đất thiếu hiệu quả, nhiều nhà đầu không thực hiện đúng nội dung đã cam kết với Chính phủ, đề nghị cần phải có chế tài xử phạt các nhà đầu tư vi phạm hợp đồng theo quy định pháp luật.

            Liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất, Chính phủ đang chỉnh sửa luật và các quy định về quản lý tài nguyên và môi trường, đặc biệt là việc cho thuê và tô nhượng đất; đã hoàn thành quy hoạch tổng thể về phân vùng đất đai quốc gia, điều chỉnh cơ chế phối hợp trong quản lý đất đai giữa các cơ quan trung ương và địa phương. (Vientiane Times, 22/11/2019)

Chính phủ cần có cơ chế mạnh hơn để giảm thiểu sai phạm về tài chính

            Ngày 17/11/2019, các đại biểu QH hối thúc Chính phủ cần áp dụng các giải pháp mạnh để giải quyết những vi phạm liên quan đến tài chính do loại sai phạm đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

            Trong phiên thảo luận về báo cáo của Cơ quan Kiểm toán, các đại biểu QH cho rằng, Cơ quan kiểm toán đã phát hiện nhiều vụ sai phạm, yêu cầu Chính phủ cần có biện pháp giảm thiểu các sai phạm nhằm tăng cường kỷ luật tài chính. Báo cáo kiểm toán năm 2018 cho thấy, nhiều cơ quan trung ương và địa phương đã không chuyển tiền thu được về kho bạc nhà nước theo quy định pháp luật, ước tính khoảng 433 tỷ Kíp; có một số trường hợp sai phạm về nguyên tắc chi ngân sách của Chính quyền địa phương trong việc sử dụng tiền để giải quyết vấn đề thiên tai, nên cần điều chỉnh cơ chế phù hợp để Chính quyền địa phương giải ngân kịp thời nhằm giải quyết khó khăn cấp bách. Theo đại biểu QH tỉnh Viêng Chăn Saythong Keoduangdy đề nghị, Chính phủ cần thành lập cơ quan TW thu thập thông tin về các thiệt hại và kinh phí cần thiết để khôi phục nhằm giúp giảm sai phạm về tài chính.

            Để giải quyết vấn đề, các đại biểu yêu cầu Chính quyền TW cần phân bổ kinh phí kịp thời, giám sát chặt chẽ việc sử dụng kinh phí để khắc phục những công trình hạ tầng bị hư hỏng nhằm tránh sai phạm về tài chính. (Vientiane Times, 15/11/2019)

Giá gạo dự kiến tăng mạnh vào năm 2020

            Ngày 14/11/2019, Vientiane Times đưa tin, thị trường gạo ở Lào dự kiến sẽ có biến động mạnh hơn vào năm tới do năng suất lúa có thể không đạt được mục tiêu đặt ra.

            ​Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone cho biết, nguyên nhân tác động đến sản xuất lúa gạo năm nay là do nhiều hệ thống kênh mương thủy lợi bị hỏng bởi lũ lụt từ năm 2018 đang sửa chữa, không thể đảm bảo đầy đủ nước đáp ứng cho nhu cầu tưới tiêu của nông dân; sự biến đổi khí hậu, thiên tai gây hạn hán, lũ lụt hầu hết khắp các tỉnh thành trên toàn quốc, đặc biệt tại hai tỉnh miền Trung và bốn tỉnh miền Nam đã ảnh hưởng nặng nề đến mùa màng, năng suất lúa; bên cạnh đó, nạn sâu bệnh bùng phát gây thiệt hại đến nhiều loại cây lương thực khác, tác động đến an ninh lương thực của quốc gia; tiếp đến, một số nông dân vì lợi nhuận, đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các loại cây trồng khác, làm thu hẹp diện tích canh tác lúa gạo; nhiều nông dân bỏ đồng ruộng chuyển lên kiếm sống ở thành phố, gây sự thiếu hụt lao động trầm trọng cho khu vực nông thôn. Qua theo dõi, giá gạo phụ thuộc vào nguồn cung trên thị trường, thường có biến động vào mùa mưa trong khoảng từ tháng 6-9 hàng năm; tháng 9/2019, giá tăng hơn 20% vượt quá ngưỡng giá cho phép. Để bình ổn giá thị trường, Chính phủ đã tung nguồn dự trữ, với số lượng có hạn (2.000 tấn), áp đặt mức giá, định mức mua và tập trung chủ yếu tại khu vực tỉnh Viêng Chăn và Bolykhamxay.

            Sản lượng gạo năm 2020 ước đạt khoảng 3,5 triệu tấn, giảm so với mục tiêu đặt ra (4,4 triệu tấn), vì thế, sẽ có thể thiếu nguồn cung, giá gạo có thể tăng; theo đó, sẽ gây khó khăn trong việc thu mua, làm giảm lượng dự trữ; đó là vấn đề mà Chính phủ và người dân đang lo ngại. (Vientiane Times, 14/11/2019)

Dự án đường cao tốc Viêng Chăn số 1 dự kiến bắt đầu tháng 1/2020

            Ngày 18/11/2019, Dự án Đường cao tốc Viêng Chăn số 1 đã tiến hành công tác bồi thường đầu tiên giá trị hơn 4,6 tỷ Kíp, với tổng diện tích đất phải đền bù là 41.209 m2. Giá trị bồi thường cho toàn bộ dự án hơn 353,2 tỷ Kíp (hơn 41,5 triệu USD).

            Tuyến đường cao tốc Viêng Chăn số 1 có tổng chiều dài là 15,9 km, điểm đầu từ Khu kinh tế đặc biệt Thạt Luang, qua chợ Hủa Khủa, chợ Anji, đường 450 và đường 13, điểm cuối tại Dongmakkhai. Tuyến đường cắt qua 868 lô đất của 14 làng thuộc huyện Xaysettha (535 lô) và 7 làng thuộc huyện Xaythani (333 lô); 160 nhà dân thuộc huyện Xaysettha (134) và ở Xaythani (26). Dự kiến, dự án hoàn thành việc bồi thường trước ngày 30/12/2019 và bắt đầu xây dựng từ tháng 1/2020. 

            Năm 2019, Công ty TNHH một thành viên Cao tốc số 1 Viêng Chăn đã ký kết thỏa thuận với Chính quyền Thủ đô Viêng Chăn phát triển dự án với tổng giá trị khoảng 200 triệu USD, theo phương thức Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT), thời hạn 50 năm và có thể kéo dài thời gian vận hành thêm 20 năm theo nhu cầu thực tế. (Vientiane Times, 20/11/2019).

 

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI

Quốc hội thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

            Ngày 18/11/2019, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa VIII đã bỏ phiếu với đa số (111/114 phiếu) tán thành thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ áp dụng các biện pháp để nâng cao năng lực sản xuất quốc gia.

            Theo kế hoạch được chấp thuận, năm 2020, Chính phủ sẽ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để GDP đạt mức thấp nhất là 6,5%, thu nhập quốc dân (GNI) khoảng 177.780 tỷ Kíp, GDP đầu người là 2.733 USD; mục tiêu tăng trưởng về lĩnh vực nông-lâm nghiệp khoảng 2,7% (chiếm 15,20% GDP), công nghiệp là 7,2% (chiếm 32,03% GDP), dịch vụ là 6,9% (chiếm 41,47% GDP) và thu thuế, hải quan là 7,5% (chiếm 11,31% GDP). nhu cầu vốn đầu tư phát triển khoảng 46.500 tỷ Kíp (tương đương 27% GDP) nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế; trong đó, lấy từ ngân sách trong nước là 4.750 tỷ Kíp (10,2% GDP), kêu gọi ODA là 8.125 tỷ Kíp (17,5% GDP); thu hút đầu tư trong nước, tư nhân và nước ngoài cần đạt khoảng 23.125 tỷ Kíp, chiếm khoảng 49,7% tổng vốn đầu tư và từ hệ thống tài chính và ngân hàng 10.500 tỷ Kíp (22,6% GDP); thu ngân sách cần đạt là 28.977 tỷ Kíp, chi ngân sách khoảng 35.693 tỷ Kíp; thâm hụt ngân sách cho phép ở mức không quá 6.696 tỷ Kíp (khoảng 3,76% GDP).

            Chính phủ sẽ áp dụng các giải pháp để thúc đẩy sản xuất hàng hóa nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giảm nhập khẩu; trong đó, đặc biệt quan tâm khuyến khích phát triển, ưu đãi thuế, tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, cung cấp thông tin và công nghệ cần thiết để tăng năng suất cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ (SMEs). Việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước, tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu đóng vai trò quan trọng, sống còn và cấp thiết để tăng dự trữ ngoại tệ, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn.

            Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, về lĩnh vực giáo dục và y tế cũng được coi trọng cải tiến về chất lượng trang thiết bị, công tác dạy và học; ưu tiên phát triển nông thôn và giảm nghèo; khuyến khích đầu tư hạ tầng dọc theo các tuyến hành lang nhằm kết nối thuận lợi giữa Lào với các nước trong khu vực và quốc tế.

            Thủ tướng Thongloun Sisoulith nhấn mạnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên, Lào có tiềm năng phát triển thịnh vượng nhờ các dự án đầu tư siêu lớn đang được triển khai thực hiện và sớm sẽ phát huy kết quả, thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế quốc gia. (Vientiane Times, 15,19/11/2019)

Thủ tướng Lào ban hành Nghị định mới về quản lý ODA

            Ngày 9/10/2019, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã ký Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA), có thể truy cập trên trang web về nội dung Nghị định, các cơ quan nhà nước thẩm quyền được phê duyệt ODA nước ngoài là Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao. Như vậy, tất cả các cơ quan nhà nước thuộc trung ương và cấp địa phương muốn đề nghị được nhận tài trợ hoặc vay ưu đãi từ các đối tác phát triển quốc tế phải được Chính phủ hoặc các cơ quan thẩm quyền nêu trên phê duyệt. Trước đây, do luật pháp chưa đầy đủ, một số cơ quan nhà nước, đặc biệt là ở địa phương, đã được nhận tài trợ hoặc vay vốn ưu đãi từ các đối tác phát triển mà không có sự phê duyệt của chính quyền trung ương. Do đó, dẫn đến việc một số dự án không phù hợp với chính sách của Chính phủ, thậm chí một số dự án còn tạo ra các khoản nợ cho Chính phủ.

          Nghị định mới về quản lý ODA nêu rõ rằng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt các dự án ODA liên bộ/ngành, Bộ KHĐT chịu trách nhiệm phê duyệt các dự án ODA do các bộ, ngành đề xuất, Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm phê duyệt các dự án ODA do các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO), các hiệp hội, quỹ, viện, câu lạc bộ, cá nhân đề xuất, ngoài ra Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với các bộ khác quyết định về năng lực tiếp nhận viện trợ không hoàn lại để triển khai các dự án phát triển tại Lào của các hiệp hội ở địa phương. Nghị định nhấn mạnh ODA chỉ được sử dụng để tài trợ cho các dự án phát triển phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, hiến pháp và luật pháp của Lào. Việc thực hiện các dự án bằng nguồn vốn ODA phải minh bạch, có thể kiểm toán, và tuân thủ các thỏa thuận được ký kết giữa Chính phủ và các đối tác phát triển. Các cơ quan nhà nước được ủy quyền thực hiện các dự án bằng vốn ODA phải thành lập ủy ban để giám sát hoạt động và đánh giá dự án. (Vientiane Times, 4/11/2019)

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường phối hợp để giải quyết những cản trở đối với DN

           Ngày 13/11/2019, tại Diễn đàn Doanh nghiệp lần thứ 12, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã nhất trí với Phòng Công nghiệp và Thương mại Quốc gia Lào (LNCCI) về việc thành lập một ủy ban đặc nhiệm để giải quyết những vấn đề tồn tại liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh ở Lào.

            Thủ tướng Thongloun nhấn mạnh, ủy ban đặc nhiệm sẽ giúp phối hợp một cách mạnh hơn và hiệu quả hơn giữa các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân. Ủy ban này sẽ sớm được thành lập để giải quyết những cản trở đối với doanh nghiệp, bao gồm sự chậm trễ trong việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước. Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ đã có chính sách nhưng chậm thực hiện. Chính phủ sẽ ban hành một nghị định mới hoặc sửa đổi Sắc lệnh số 03 của Thủ tướng Chính phủ một cách thực tế hơn để giải quyết vấn đề này. Thủ tướng phân công Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan để giải quyết vấn đề này ngay trong năm nay. Phó Thủ tướng Somdy Duangdy sẽ là người chỉ đạo thay đổi cơ cấu và các giải pháp quản lý để hỗ trợ đa dạng hóa nền kinh tế và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

            Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ 12 đã xem xét những kết quả đạt được của quá trình đối thoại từ Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ 11 tổ chức vào tháng 7/2018, tiếp tục xác định và giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp. Kể từ diễn đàn lần trước, khu vực tư nhân và các cơ quan Chính phủ đã đưa ra 23 vấn đề ưu tiên cụ thể liên quan đến thuế, thủ tục xuất, nhập khẩu, đăng ký doanh nghiệp, xúc tiến du lịch và các lĩnh vực quan trọng khác. Các cuộc thảo luận đã đi đến thống nhất chung là có 7 vấn đề đã được giải quyết, trong khi đó, đã có những tiến bộ đạt được và đang được giải quyết đối với các vấn đề còn lại. (Vientiane Times, 13/11/2019)

Phó Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh Nam Lào về định hướng phát triển

        Ngày 20/10/2019, tại thành phố Pakxe, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone đã chủ trì hội nghị với sự tham dự của các Tỉnh trưởng, đại diện HĐND, các Sở ngành của 04 tỉnh Nam Lào. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone đã chỉ đạo chính quyền các tỉnh đẩy nhanh việc khôi phục cơ sở hạ tầng nông nghiệp, đơn giản hóa thủ tục để khuyến khích thương mại và đầu tư.

            Phó Thủ tướng Sonexay nhấn mạnh, các tỉnh cần đẩy nhanh việc khôi phục cơ sở hạ tầng nông nghiệp để đảm bảo canh tác các loại cây trồng mới bù lại những tổn thất do lũ lụt gây ra gần đây. Chính quyền các tỉnh cần khuyến khích tăng sản lượng nông sản thương mại để đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, đồng thời, cải thiện chất lượng hàng hóa nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu. Chính quyền các tỉnh phải cải tiến các thủ tục về cấp phép kinh doanh và xuất khẩu qua các cửa khẩu. Việc xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi và minh bạch cần được đẩy mạnh theo Sắc lệnh số 2 của Thủ tướng Chính phủ.

            Theo báo cáo của các tỉnh, năm 2019, GDP của tỉnh Xekong tăng trưởng khoảng 8%; của tỉnh Attapeu 7,5%; Saravan 8%, và Champassak là 8,1%. Phó Thủ tướng Sonexay yêu cầu các tỉnh nỗ lực để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt các chỉ tiêu đề ra cho cả năm, đồng thời, chính quyền các tỉnh phải quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách để ngăn chặn lãng phí, tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ về tiết kiệm. Các báo cáo về thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách phải được xây dựng một cách khách quan, phản ánh đúng thực trạng kinh tế. Phó Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh triển khai các hoạt động phát triển gắn với các siêu dự án của Chính phủ như đường sắt, cầu, đường cao tốc và kho vận. (Vientiane Times, 01/11/2019)

BOL tập trung quản lý tiền tệ trong bối cảnh nhiều thách thức

            Ngày 07/11/2019, Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) Sonexay Siphaxay cho biết, BOL sẽ tập trung giải quyết các vấn đề thách thức để đảm bảo ổn định đồng Kíp, tránh để đồng nội tệ tiếp tục mất giá so với đồng Baht Thái, đồng thời, đảm bảo tỷ lệ lạm phát duy trì dưới 5%.

            Thống đốc BOL Sonexay nhấn mạnh, Lào sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong quản lý ngoại hối vì là nước nhập siêu. "Lào phụ thuộc nặng nề vào hàng hóa nhập khẩu, với khoảng 80-90% hàng hóa từ các nước khác, chủ yếu là Thái Lan. Khi đồng Bath Thái tăng giá, Lào luôn luôn ở tình trạng thâm hụt thương mại". Từ năm 2008-2018, thâm hụt thương mại của Lào tối thiểu cũng ở mức 854 triệu USD/năm với kim ngạch nhập khẩu khoảng 3,7 tỷ USD hàng năm. Từ năm 2019, giá trị đồng Baht Thái và USD giao động mạnh đã gây áp lực đối với Lào vì mỗi tháng hàng hóa nhập khẩu lên đến 490 triệu USD, trong đó từ Thái Lan lên đến 312 triệu USD dẫn đến một lượng ngoại tệ lớn phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu này.

            Trong hai năm vừa qua, Lào bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai lũ lụt và hạn hán, gây thiệt hại lớn về tài sản, đất canh tác và cơ sở hạ tầng. Năm 2019, bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng tạo ra thách thức lớn đối với Chính phủ, đặc biệt là đối với an ninh lương thực. Đồng thời, giá nhiên liệu tiếp tục giao động và sự mất giá của đồng Kíp so với Baht Thái và USD đã dẫn đến lạm phát tăng. Đầu năm 2019, tỷ lệ lạm phát là 1,5% đã tăng đến 5,3% trong tháng 10/2019. Trong 10 tháng qua, tỷ lệ lạm phát trung bình là 2,7%. Dự báo trong cả năm 2019, tỷ lệ lạm phát sẽ vào khoảng 3%.

            Thống đốc Sonexay tái khẳng định, BOL sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hiện hành về quản lý ngoại hối và sẽ ổn định lãi suất đối với các ngân hàng thương mại. (Vientiane Times, 15/11/2019)

Lào tăng cường nông nghiệp hữu cơ để nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại

            Trong thời gian từ 28-29/11/2019, Diễn đàn Nông nghiệp Hữu cơ lần thứ 7 (LOAF-7) với chủ đề "Chiến lược Quốc gia về Phát triển Xanh và Cạnh tranh Quốc tế" đã được tổ chức tại Viêng Chăn với sự tham gia của các đại biểu từ các tổ chức quốc tế và các nhóm nông dân đã được tổ chức tại Viêng Chăn.

           Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Bounkhoaung Khambounheuang cho biết, Lào có tiềm năng lớn về nông nghiệp hữu cơ nhưng hiện nay vẫn đang phải vật lộn với nhiều thách thức vì phần lớn nông dân thiếu năng lực về kỹ thuật và tài chính để có thể cạnh tranh về giá cả, chất lượng và số lượng trên các thị trường quốc tế. Chính phủ cần hỗ trợ nông dân, đặc biệt là về vốn để phát triển cơ sở hạ tầng và tiếp thị để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của Lào trên thị trường quốc tế.

            Kể từ khi được thành lập vào năm 2012, LOAF đã tập trung vào các chủ đề nhằm tạo ra các chuỗi giá trị và yêu cầu chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ một cách bền vững. Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ của Lào căn cứ theo Chiến lược Phát triển Nông nghiệp 10 năm và Tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Nông Lâm xây dựng năm 2015. Chiến lược 10 năm đề ra mục tiêu đưa diện tích sản xuất được cấp chứng chỉ hữu cơ lên 2% tổng diện tích đất nông nghiệp vào năm 2025 và chợ nông sản hữu cơ được thành lập ở tất cả các tỉnh.

            Mặc dù được sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, các nhà sản xuất, chế biến và doanh nghiệp nhưng xuất khẩu nông sản hữu cơ của Lào ra các thị trường quốc tế, đặc biệt là cà phê, chè, gạo, hoa quả và rau ra thị trường khu vực vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Các diễn đàn trước đã xác định những thách thức về kỹ thuật và tài chính để đáp ứng các tiêu chuẩn của người mua hàng. Tại LOAF-7, các đại biểu đã xác định cần tập trung vào thương mại hóa một cách thành công các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Diễn đàn lần này cũng thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Lào; người tiêu dùng trong khu vực và quốc tế đánh giá như thế nào về sản phẩm hữu cơ xuất khẩu của Lào và những việc cần phải làm để năng cao khả năng cạnh tranh; cần thiết phải phối hợp và thống nhất giữa các bên liên quan để tiến hành các hoạt động và sáng kiến để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. (Vientiane Times, 29/11/2019)

Nhà nước thúc đẩy sản xuất và kinh doanh rau quả theo chuỗi hoàn chỉnh

             Ngày 08/11/2019, báo điện tử KPL đưa tin, Cục Khuyến khích sản xuất, phân phối, quản lý thị trường và cung ứng hàng hóa nội địa, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan gặp gỡ và trao đổi với các thương nhân Chợ rau quả Lào-Úc, tại huyện Sikhottabong, thủ đô Viêng Chăn để tìm hiểu các vấn đề liên quan, hướng hợp tác giữa thương nhân với nhà sản xuất, hình thành kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định nhằm thúc đẩy và khuyến khích sản xuất rau quả nội địa, đảm bảo nguồn cung cho thị trường cả về số lượng, chất lượng đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định, giảm nhập khẩu các sản phẩm nước ngoài không đúng tiêu chuẩn, quy cách.

            Phát biểu trước phóng viên báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Puongparisak Pravongviengkham cho biết, buổi trao đổi, làm việc tại Chợ rau quả Lào-Úc nhằm kết nối giữa thương nhân và người sản xuất, vì trong giai đoạn qua giữa họ đã thiếu sự liên kết, làm cho thị trường hàng hóa thiếu ổn định, giá cả biến động thường xuyên, nhiều yếu điểm trong công tác cung ứng rau quả trên thị trường, sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường chưa phù hợp với nhu cầu tiêu dùng khách hàng cả về số lượng và chất lượng. Lào đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy nền sản xuất rau quả quy mô lớn, theo chuỗi, do chưa được quy hoạch vùng phát triển phù hợp với điều kiện thiên nhiên, thổ nhưỡng; chưa xây dựng được thị trường hoàn chỉnh từ khâu trồng đến tiêu thụ sản phẩm; việc kiểm soát chất lượng rau quả cũng chưa được triển khai đồng bộ, nhu cầu tiêu dùng xác định chưa rõ ràng, gây nên việc cung ứng hàng hóa cho thị trường lúc thừa, lúc thiếu. Hệ thống tiêu thụ sản phẩm qua nhiều tầng nấc trung gian dẫn đến giá cả hàng hóa tại nơi sản xuất thì bị ép mua giá thấp, còn giá tiêu thụ tại các thị trường bị đẩy lên cao bất hợp lý; việc tiếp cận nguồn vốn có lãi suất thấp của người nông dân gặp khó khăn đã hạn chế nền sản xuất rau quả tại Lào. 

               Với tiềm năng về điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng, đất đai, sau khi hình thành được chuỗi sản xuất và tiêu thụ, nguồn cung ứng rau quả đầy đủ, kiểm soát được chất lượng, giá cả ổn định, hợp lý; thu nhập của nhà sản xuất và kinh doanh vững vàng sẽ thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa nông sản sạch. Từ đó, cầu tiêu dùng hàng nội địa sẽ tăng, hạn chế hàng nhập khẩu từ bên ngoài. (KPL, 08/11/2019)

Chính sách thuế của Lào sẽ thay đổi nhiều trong năm 2020

            Ngày 24/11/2019, báo KT-XH đưa tin, Bộ Tài Chính Lào tổ chức Hội nghị phổ biến chính sách ngành thuế để thảo luận về Luật quản lý thuế, Luật thuế GTGT sửa đổi, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế thu nhập và các bộ luật quan trọng liên quan đến ngành thuế vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2019 sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020.

            Các Bộ luật về thuế xác định nguyên tắc, quy định, quy trình và biện pháp liên quan đến quản lý và giám sát hoạt động ngành thuế của Lào. Luật thuế được thiết lập để đảm bảo cân bằng lợi ích của doanh nghiệp, người dân, tăng hiệu quả và khả năng thu thuế chính xác và đầy đủ, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội quốc gia.

            Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục thuế Phouthanouphet Xaysombath phát biểu, trong thời gian qua, các quy định về thuế đã được sửa đổi đáng kể, trong đó có điều chỉnh giảm mức áp thuế lợi nhuận từ 24% xuống còn 20%; miễn thuế lợi nhuận cho các doanh nghiệp có doanh thu từ 12-50 triệu kíp/năm… và nhiều quy định mới khác. Những điều chỉnh trong chính sách thuế của Lào được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho việc thực hiện quy trình thu thuế qua hệ thống điện tử đang triển khai.

            Chính phủ Lào đang đối mặt với các thách thức của ngành thuế khi phát hiện doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của luật để tránh các khoản thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. (KTXH, 24/11/2019)

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đề nghị Chính phủ giảm giá điện

            Ngày 25/11/2019, báo KT-XH đưa tin, ngành dịch vụ và du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội Lào, tạo nhiều cơ hội về công ăn, việc làm cho người dân, nhưng các nhà kinh doanh trong lĩnh vực này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và chưa nhận được bất cứ sự ưu đãi nào từ phía Chính phủ.

            Tại diễn đàn doanh nghiệp lần thứ 12, các doanh nhân cho biết, sự đóng góp của ngành dịch vụ cho nền kinh tế là rất lớn, chiếm 40% GDP, cao hơn cả sự đóng góp của ngành Công nghiệp (33,2% GDP), góp phần lớn vào nguồn thu cho ngân sách, tạo ra nhiều công việc mà người dân dễ dàng tiếp cận, thực hiện. Việc khuyến khích, thúc đẩy ngành kinh doanh dịch vụ, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch cần được hưởng những ưu đãi từ Chính phủ; tuy nhiên, trong suốt gian đoạn qua, mặc dù Chính phủ yêu cầu ngành dịch vụ, đặc biệt đối với dịch vụ du lịch cần phải nâng cao chất lượng cả về con người lẫn các dịch vụ đi kèm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch nội địa và quốc tế, nhằm thu hút lượng khách đến với Lào ngày càng nhiều hơn, nhưng sự quan tâm của Chính phủ đến lĩnh vực này chưa thỏa mãn với thực tế kinh doanh của doanh nghiệp.

            Hoạt động dịch vụ chủ yếu ở ngành du lịch, tập trung nhiều trong kinh doanh khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí, nhưng do giá các chi phí đầu vào cao nên mức thu dịch vụ không thể giảm thấp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; trước tiên, phải  nói đến giá điện, cao hơn giá điện bán cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Hiện nay, ngay nước láng giềng Thái Lan, một trong những quốc gia thu hút được lượng khách du lịch nhiều nhất khu vực, giá điện dành cho ngành dịch vụ thấp hơn 30% giá điện áp dụng cho ngành sản xuất công nghiệp.

            Để giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng sáng tạo, chất lượng sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch, tạo môi trường tốt thu hút du lịch vào Lào, doanh nghiệp dịch vụ đề nghị Chính phủ nên có các chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này, trước tiên là giảm giá điện bằng mức giá đang áp dụng đối với ngành công nghiệp. (Báo KT-XH, 25/11/2019) 

 

HỢP TÁC LÀO-VIỆT NAM

​​

Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng năm 2019

            Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào tính đến hết tháng 10/2019 đạt 936.096.513 USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó:

            - Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 572.471.230 USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2018. Hàng rau quả tăng mạnh 416,5% đạt hơn 40 triệu USD; bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng 93,7% đạt xấp xỉ 13,9 triệu USD. Phân bón các loại; giấy và sản phẩm từ giấy; clanhke và xi măng; hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ giữ đà tăng trên 30% mỗi loại. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; kim loại thường khác và sản phẩm giữ đà tăng trên 20% tăng mỗi loại. Sản phẩm gốm, sứ;  sản phẩm từ chất dẻo tăng trên 10% mỗi loại. Hàng hóa khác tăng trên 40% đạt 148,2 triệu USD.

            Mặt hàng cà phê kim ngạch 9 tháng tăng nhẹ nay đã quay đầu giảm nhẹ 0,7%. Một số mặt hàng khác tiếp tục duy trì đà giảm. Xăng dầu giảm 27,2% (giảm liên tục từ đầu năm); dây điện và cáp điện giảm 19,1%; sản phẩm từ hóa chất giảm 15,3; sắt thép các loại giảm 1,5%; sản phẩm từ sắt thép giảm 0,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng 1,2%.

            - Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 363.625.283 USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2018.

            Các mặt hàng duy trì đà tăng là: gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng mạnh 82,5% đạt 40,2 triệu USD; phân bón các loại tăng 36,1% đạt 44,6 triệu USD; cao su tăng 25,7% đạt 87,4 triệu USD. Quặng và khoáng sản đã quay đầu tăng nhẹ 4,1% đạt 22,3 triệu USD.

            Mặt hàng tiếp tục có mức giảm: kim loại thường giảm mạnh 64,6% chỉ  đạt 1,64 triệu USD; hàng rau quả giảm 52,3% đạt 8,23 triệu USD; một số mặt hàng khác tiếp tục giảm nhẹ: giảm 7,4% đạt 17,9 triệu USD. Hàng hóa khác giảm nhẹ 10,7% đạt 159,2 triệu USD. Mặt hàng ngô từ đầu năm đến nay không có kim ngạch nhập khẩu. (ĐSQVN tại Lào, 29/11/2019)

Khai trương Trường Trung học mới tại tỉnh Sekong

            Ngày 13/11/2019, tại bản Nonsavan, huyện Dakchueng, tỉnh Sekong, các cơ quan chức năng hai nước Lào và Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thành, bàn giao công trình Trường Trung học Dakcheung, quà tặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam tặng nhân dân Lào.

            Tham dự buổi lễ có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Kongsy Sengmany, cùng đại diện của Văn phòng Chủ tịch nước Lào, Ủy ban Hợp tác Lào – Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chính quyền tỉnh Sekong, huyện Dakcheung và đông đảo các thầy, cô giáo và các em học sinh Trường Trung học Dakcheung. Đây là dự án được Nhà nước Việt Nam giao cho BIDV thực hiện, công trình đựợc khởi công vào tháng 6/2018 và hoàn thành vào tháng 7/2019 với giá trị đầu tư 9 tỷ Kíp (01 triệu USD). Ngôi trường với quy mô 02 tầng, diện tích sàn trên 1.276 m2, bao gồm 6 phòng học, 02 phòng thí nghiệm, phòng tin học, phòng ngoại ngữ, phòng họp, phòng giáo viên với đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ giảng dạy và các khu chức năng, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của hệ thống giáo dục hiện đại.

            Phát biểu tại lễ bàn giao, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng chúc mừng các em học sinh và thầy cô giáo Trường Trung học Dakcheung có trường học mới, bày tỏ tin tưởng ngôi trường đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ giảng dạy và các khu chức năng mới này sẽ đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của hệ thống giáo dục hiện đại, góp phần hiệu quả vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương nói riêng và cho đất nước Lào nói chung. Đại sứ nhấn mạnh, công trình không chỉ là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Lào, mà còn góp phần củng cố và tăng cường quan hệ đặc biệt giữa hai nước. (ĐSQ VN tại Lào, Vientiane Times, 18/11/2019)

 

HỢP TÁC LÀO-CÁC NƯỚC

​​

Lào-Trung Quốc

Liên doanh Lào-Trung Quốc cung cấp điện cho đường sắt mới

            Ngày 13/11/2019, Vientiane Times đưa tin, Công ty đầu tư điện Lào-Trung được liên doanh bởi Công ty Lưới điện miền Nam Trung Quốc (CSG) và Điện lực Lào (EDL) vào đầu tháng 11/2019 sẽ cung cấp điện cho đường sắt Lào-Trung.

            Việc thành lập Công ty hướng đến dự án cung cấp điện cho đường sắt Lào-Trung, một dự án lưới điện chuyển giao (BOT) lần đầu tiên ở Lào và là chìa khóa để đảm bảo hoạt động theo kế hoạch của đường sắt và việc xây dựng một cộng đồng chia sẻ điểm đến Trung-Lào. Đây là một bước đáng kể hướng đến việc hoàn thành và hoạt động của dự án vào tháng 3/2021.

            Hai nước Trung Quốc và Lào rất coi trọng dự án cung cấp năng lượng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachit đã tham dự Lễ ký hôm 30/4/2019 khi CSG và EDL ký một thỏa thuận cổ đông về dự án cho đường sắt.

            Buổi lễ cũng thông báo việc thành lập Nhóm chuẩn bị chung cho Công ty truyền tải điện quốc gia. Nhóm sẽ làm việc để xây dựng một mạng lưới truyền tải điện đường trục tích hợp ở Lào để thúc đẩy kết nối lưới điện giữa Lào và các nước láng giềng.

            Đại diện từ Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Hợp tác kinh tế và thương mại Lào-Trung, EDL, CSG, CSG YNIC và Phòng Thương mại Trung Quốc tại Lào đã tham dự buổi lễ. (Vientiane Times, 13/11/2019)

Lào-Campuchia

Lào mở rộng hệ thống đường dây tải điện để bán điện sang Campuchia

            Ngày 11/11/2019, theo báo Vientiane Times, Tổng Công ty điện lực Lào (EDL) đã hoàn thành được 80% việc mở rộng hệ thống đường dây tải điện để tải điện sang hệ thống trạm điện của Campuchia tại biên giới giữa Lào và Campuchia theo thỏa thuận mua bán điện giữa hai nước được ký kết trong chuyến thăm chính thức Campuchia của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith hồi tháng 9/2019. Theo đó, Campuchia nhất trí mua 2.400 MW điện của Lào, chia thành 4 giai đoạn trong thời gian 30 năm, giai đoạn 1 từ cuối năm 2024 với 300 MW, giai đoạn 2 vào năm 2025 với 600 MW, giai đoạn 3 vào năm 2026 với 600MW và giai đoạn 4 vào 2027 với 900MW. Ngoài ra, Chính phủ Lào đã ký thỏa thuận bán 195MW điện sang Campuchia vào năm 2020.

            Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Thongphath Inthavong cho biết, hiện nay, EDL đang hợp tác với công ty nước ngoài hoàn thành xây dựng hệ thống tải điện. Trạm điện tại Ban Hat thuộc huyện Khong, tỉnh Champasak là trạm chính kết nối với hệ thống tải điện ở tỉnh Stung Treng, Campuchia. Lào sẽ xuất khẩu điện sang Campuchia từ 2 nhà máy nhiệt điện ở tỉnh Xekong là nhà máy Năng lượng Xekong TSBP và Công ty TNHH Khoáng sản - nhà máy năng lượng Xekong. Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Khammany Inthirath cho biết, Lào nhất trí bán điện thông qua đường dây tải điện 22kV và 115kV sang Campuchia và lượng điện bán ra trong giai đoạn khởi đầu là 10MW. (Vientiane Times, 11/11/2019)

Lào-Nhật Bản

Lào, Nhật Bản dự kiến mở đường bay mới vào đầu năm 2020

            Ngày 4/11/2019, theo Vientiane Times, Lao Airlines dự kiến sẽ khai thác các chuyến bay từ Viêng Chăn và Luang Prabang đến Kumamoto ở Kyushu, Nhật Bản vào tháng 3/2020 sau khi được Cục Hàng không dân dụng Nhật Bản bật đèn xanh, việc này sẽ được Lao Airlines chính thức công bố vào cuối tháng 11 này. Đường bay Viêng Chăn – Kumamoto dự kiến được thực hiện vào thứ Tư, thứ Bẩy hàng tuần, còn Luang Prabang – Kumamoto vào thứ Hai, thứ Sáu hàng tuần, sử dụng Airbus A320, với tối đa 158 ghế, giá vé khoảng 750 USD.

            Thành phố Kumamoto được chọn là điểm đến là do địa điểm này thuận tiện cho Lao Airlines trong việc kết nối với các sân bay khác ở Nhật Bản. Các đường bay mới này sẽ là đường bay trực tiếp thường xuyên đầu tiên của Lao Airlines đến Nhật Bản, trước đây hãng này cũng đã khai thác các chuyến bay đến Nhật nhưng đã bị ngừng hoạt động. Hy vọng với 2 đường bay mới này, số lượng du khách Nhật Bản đến Lào sẽ gia tăng. Theo Tổng cục Phát triển du lịch, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, năm 2018 số du khách Nhật vào Lào đã tăng lên, đạt khoảng 39.000 người. (Vientianes Times, 4/11/2019)

HỢP TÁC LÀO-KHU VỰC

​​

Lào đánh giá cao hợp tác Mê Công – Nhật Bản

            Ngày 4/11/2019, tại Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chủ trì Hội nghị cấp cao Mê Công – Nhật Bản lần thứ 11, với sự tham dự của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. HNCC Mê Công – Nhật Bản lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 11/2009 tại Tokyo.

            Tại HNCC lần này, Chính phủ Nhật nhất trí cấp khoản vốn vay ODA lên tới 1,5 tỷ Yên hỗ trợ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội của Lào. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đánh giá cao hợp tác giữa các nước tiểu vùng sông Mê Công và Nhật Bản, đặc biệt là cảm ơn Nhật Bản đã hỗ trợ các dự án kết nối và phát triển xã hội của Lào như phát triển hạ tầng tiêu chuẩn cao, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ kỹ thuật, đóng góp cho sự phát triển trong nước và hội nhập khu vực của Lào. Thủ tướng Lào cho rằng các dự án này không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào mà còn xây dựng hạ tầng để kết nối và hội nhập kinh tế của khu vực Mê Công, hỗ trợ hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc tới năm 2030. (Vientiane Times, 6/11/2019)

Lào, Thái Lan, Myanmar hợp tác mua bán gạo

            Ngày 5/11/2019, theo báo Vientiane Times, Công ty XNK nông nghiệp Homxay (Lào), Công ty Aba Nares (Myanmar) và Công ty Siam Golden Horse (Thái Lan) đã ký thỏa thuận mua bán gạo nhằm giúp nông dân 3 nước cải thiện thu nhập và tăng cường sản xuất gạo chất lượng phục vụ thương mại. Theo đó, Công ty XNK nông nghiệp Homxay và Công ty Siam Golden Horse sẽ mua gạo chất lượng tốt của Công ty Aba Nares của Myanmar, sau đó bán ra tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam và Philippines, khối lượng khoảng 10 triệu tấn trong thời gian 8 năm, bắt đầu từ tháng 1/2020.

            Chủ tịch Công ty XNK nông nghiệp Homxay Xong Ton Chia cho biết, công ty này sẽ hỗ trợ nông dân Lào sản xuất lúa gạo, sau đó bán cho công ty, và hỗ trợ việc cử kỹ sư nông nghiệp của Thái Lan và châu Âu đến đào tạo nông dân Lào cách trồng lúa chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của công ty. Đây cũng là bước khởi đầu trong việc mở rộng hợp tác thương mại trong khối ASEAN và các khu vực khác về sản xuất lúa gạo, thực phẩm, rau quả, góp phần mở rộng hợp tác của tư nhân và thúc đẩy phát triển kinh tế của Lào, Myanmar, Thái Lan và của cả khu vực ASEAN. Đây cũng là chiến lược quan trọng đảm bảo an ninh lương thực ở các nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Chủ tịch Công ty Aba Nares (Myanmar) cho biết, đây là lần đầu tiên họ hợp tác làm ăn với công ty Lào và tin tưởng việc hợp tác giữa 3 nước sẽ đi tiên phong trong việc mua bán gạo ở khu vực ASEAN trong những năm tới. (Vientiane Times, 5/11/2019)

HỢP TÁC LÀO-CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ

​​

​Lào-Các đối tác phát triển

Hội nghị bàn tròn thường niên 2019 giữa Chính phủ Lào và các đối tác phát triển

            Hội nghị bàn tròn thường niên 2019 (RTIM 2019) giữa Chính phủ Lào và các đối tác phát triển được tổ chức từ 25-27/11/2019 tại Luang Prabang.

            Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Sonexay Siphandone nhấn mạnh, Lào sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời, xác định xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất đối với Lào hiện nay là đạt SDG "sống an toàn trong điều kiện bom mìn chưa nổ". Trong tiến trình nhằm đưa Lào thoát khỏi địa vị của một nước kém phát triển (LDC), kỳ xem xét lần 2 về các tiêu chí sẽ được tiến hành vào năm 2021. Theo lộ trình, Lào sẽ thoát khỏi LDC vào năm 2024, hiện nay, Lào đã đạt 2/3 tiêu chí về Thu nhập quốc dân đầu người và Chỉ số vốn con người, trong khi Chỉ số về mức độ dễ bị tổn thương về kinh tế vẫn chưa đạt. Tồn tại này chủ yếu do việc phân bổ ngân sách để giải quyết hậu quả thiên tai và khôi phục cơ sở hạ tầng sau thiên tai.

            Bên cạnh đó, RTIM 2019 đã nêu kết quả thảo luận theo nhóm về các vấn đề thương mại, ODA và cơ hội hỗ trợ tài chính trong giai đoạn chuyển đổi sau khi thoát khỏi LDC. Các đại biểu đã thảo luận những chủ đề then chốt đòi hỏi Chính phủ quan tâm, bao gồm kế hoạch dài hạn đi đôi với ngân sách quốc gia và cải thiện cơ chế hợp tác nhằm huy động các nguồn lực một cách có hiệu quả và ưu tiên xóa nghèo. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép SDGs vào Kế hoạch Phát triển Kinh tế - xã hội Quốc gia phù hợp với Chương trình hành động Tuyên bố Viêng Chăn để đảm bảo thực hiện một cách có hiệu quả các mục tiêu phát triển.

            Thường trú LHQ tại Lào Sara Sekkenes nêu rõ tầm quan trọng của sự liên kết giữa kế hoạch và ngân sách, sự phù hợp giữa các công cụ kế hoạch hóa và các quy trình ưu tiên, đồng thời phải thúc đẩy việc thực hiện ở cấp địa phương đối với các chính sách và chiến lược quốc gia thông qua kế hoạch cấp tỉnh và huyện. Những công việc này bao gồm Chiến lược chuyển đổi LDC, Chiến lược tăng trưởng xanh, Khung khổ quốc gia về Khôi phục hậu quả thiên tai và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu thiên tai trong tổng thể SDGs sẽ được thực hiện trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế - xã hội Quốc gia lần thứ 9 (2021-2025). (ĐSQ VN tại Lào, Vientiane Times, 27/11/2019)

Lào kêu gọi các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ cho ngành công chính và vận tải giai đoạn 2021-2025

            Ngày 01/11/2019, tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào Bounchanh Sinthavong, Đại sứ Nhật Bản tại Lào Keko Takevaka, Đại diện thường trú Ngân hàng phát triển ASIA Yasusi Nekysi và Chuyên gia cao cấp về hạ tầng cơ sở của Ngân hàng Thế giới (WB) Sombat Soudthivong đồng chủ trì cuộc họp đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng cơ sở tại Lào năm 2019, kế hoạch năm 2020 và chiến lược phát triển hạ tầng giai đoạn 2021-2025.

            Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bounchanh Sinthavong cho biết, vai trò của các đối tác phát triển trong việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và góp phần quan trọng trong đào tạo đội ngũ chuyên môn ngành công chính và vận tải. Để đạt mục tiêu kế hoạch 05 năm lần thứ IX và mục tiêu phát triển của ngành công chính và vận tải, cần sự hỗ trợ của các đối tác phát triển cả về chuyên môn và nguồn vốn thực hiện các dự án, bao gồm việc xây dựng hệ thống giao thông, cung cấp nước sạch, phát triển đô thị bền vững; ngành công chính và vận tải Lào phát triển sẽ là nhân tố đóng góp vào việc thực hiện chiến lược kết nối hệ thống giao thông trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các nước trong khu vực ASEAN. Ông cho biết thêm, dự thảo chính sách về giao thông vận tải được thể hiện trong 10 mục tiêu tổng quát, 08 tiêu chí quản lý và các nguyên tắc của chính sách sẽ là trọng tâm trong xây dựng kế hoạch phát triển 05 năm và chiến lược 10 năm của ngành. Ông nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác phát triển để thúc đẩy phát triển hạ tầng nhằm kết nối việc quản lý thiên tai với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, cho rằng đây là giai đoạn quan trọng trong phát triển của Lào khi xem xét các cơ hội phát triển thành nước kết nối với vị trí là trung tâm tiểu vùng, và Lào có thể đóng góp vào phát triển tại các hành lang kinh tế với các dự án đường bộ, đường sắt hiện tại và dự kiến, tuy nhiên còn đang gặp nhiều khó khăn. Vị trí chiến lược của Lào tại Tiểu vùng sông Mê Công được phản ánh tại các hiệp định thuận lợi hóa thương mại và hành lang kinh tế với các nước láng giềng và các nước ASEAN khác. Ông cho biết, tuyến đường sắt liên doanh với Trung Quốc hiện đã hoàn thành được 81% và rất tiềm năng trong việc kết nối khu vực Bắc và Trung Lào.

            Tại Cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận kết quả triển khai công tác năm 2019, kế hoạch thực hiện năm 2020; kế hoạch phát triển ngành công chính và vận tải 05 năm tới để đưa vào Kế hoạch phát triển tổng thể kinh tế-xã hội 05 năm lần thứ 12 của Lào giai đoạn 2021-2025. Chính phủ Lào hy vọng các đối tác phát triển sẽ tiếp tục hỗ trợ Lào thực hiện tốt các chính sách, kế hoạch phát triển giao thông, công chính và vận tải Lào trong giai đoạn tới đã được đề ra. (Vientiane Time, 04/11/2019, KT-XH, 06/11/2019)  

 

BẠN CẦN BIẾT

​​

Ngân hàng Krungsri khai trương dịch vụ chuyển tiền nhanh tại Lào

            Ngày 28/10/2019, tại Viêng Chăn, Ngân hàng Krungsri của Thái Lan đã khai trương dịch vụ chuyển tiền nhanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Lào và Thái Lan. Theo ông Dan Harsono, Trưởng phòng khách hàng của Krungsri, với việc cắt giảm nhiều thủ tục, khách hàng sẽ dễ dàng chuyển tiền quốc tế thông qua chi nhánh của ngân hàng này, đồng Đô la Mỹ hoặc đồng Baht Thái đều được chấp nhận, với công nghệ Krungsri Blockchain Interledger, mỗi giao dịch được hoàn thành chỉ trong vài giây (so với trước đây thường mất 1-3 ngày), sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, quản lý hiệu quả và giúp giảm chi phí. Ông tin tưởng rằng Krungsri Blockchain Interledger sẽ góp phần phát triển kinh tế Lào.

            Năm 2017, ngân hàng Krungsri trở thành ngân hàng đứng đầu của Thái Lan trong việc giới thiệu dịch vụ chuyển tiền toàn cầu dựa trên công nghệ Krungsri Blockchain Interledger cho doanh nghiệp và trong lĩnh vực công nghiệp. Ông Dan Harsono cho biết ngân hàng đã tạo ra được sự thay đổi rõ nét trong bức tranh tài chính khi phát triển Krungsri Blockchain Interledger. Krungsri bắt đầu tiến hành kinh doanh tài chính tại Lào vào năm 2014 dưới thương hiệu Krungsri Leasing và ngày càng phát triển trong 5 năm qua, hiện có 2 chi nhánh tại thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Savannakhet. (KPL, 29/10/2019)

Công ty Kiwi thúc đẩy giải pháp thanh toán tại Lào

            Ngày 11/11/2019, theo báo Vientiane Times, KiwiPay, nhà cung cấp giải pháp thanh toán tại Lào hy vọng sẽ thúc đẩy hệ thống thanh toán bằng thẻ visa, không trả bằng tiền mặt đối với các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm trên toàn quốc, đáp ứng yêu cầu của số lượng du khách Trung Quốc tới Lào ngày càng tăng. Công ty thành lập năm 2016, hiện đang sở hữu các giao dịch trị giá hơn 200 triệu USD mỗi năm.

            Ông Gregory Schimidt, CEO và là người sáng lập Công ty Kiwi cho biết, việc thanh toán qua ngân hàng trực tuyến/di động là cần thiết đối với du khách, KiwiPay là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán đầu tiên tại Lào và công ty đã phát triển nhiều giải pháp, đầu tiên là Alipay, cùng với WeChatPay, Google Pay và Apple Pay, hiện đang đề xuất thanh toán sử dụng hệ thống Alibaba tại Lào để tạo thuận lợi cho du khách tại khách sạn, nhà hàng, hàng không, công ty du lịch áp dụng sản phẩm dựa trên hệ thống Alibaba. Tháng 8/2019, công ty đã cùng làm việc với Ngân hàng phát triển Lào (LDB) đề xuất cơ sở thanh toán bằng điện thoại di động Trung Quốc Alipay cho phép người sử dụng thanh toán và thực hiện giao dịch tại các cửa hàng, nhà hàng tại Lào là đối tác của LDB. (Vientiane Times, 11/11/2019)

Hạn hán làm giảm sản lượng điện của Lào

            Ngày 22/11/2019, báo KT-XH đưa tin, năm 2019, Lào phải đối mặt với thảm họa thiên nhiên nặng nề, không chỉ riêng về lũ lụt mà cả về hạn hán; ngay từ đầu năm, thiên tai đã tác động đến ngành sản xuất điện của Lào, làm giảm công suất các nhà máy xuống 30%, lượng điện được sản xuất chỉ đạt 70% kế hoạch đã đề ra trong năm 2019.

            Báo cáo tại kỳ họp lần thứ IX quốc hội khóa VIII, Bộ Năng lượng và Mỏ cho biết, việc sản xuất điện trong năm 2019 chỉ đạt 23.641 triệu KWh, tương ứng với giá trị 11.567 tỷ Kíp, đạt 70% kế hoạch năm (kế hoạch 33.875 KWh); giảm 5,17% lượng điện sản xuất so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu do từ đầu năm đến nay, mưa ít hơn nhiều năm qua, lượng nước tích vào các đập bị thiếu hụt, nhiều nhà máy đi vào giai đoạn bảo dưỡng, tạm thời dừng hoạt động đã làm giảm sản lượng điện của Lào. 

            Tuy nhiên, theo dự tính của Chính phủ Lào, cả năm 2019 Lào sẽ sản xuất được khoảng 34.652 triệu KWh, vượt kế hoạch đã đề ra, do một số dự án thủy điện có công suất lớn đã hoàn thành giai đoạn vận hành thử, đi vào sản xuất điện thương mại, một số nhà máy khác cũng hoàn thành việc bảo dưỡng, đi vào sản xuất điện trở lại. (Báo KT-XH, 22/11/2019)

Động đất gây thiệt hại nhẹ cho tỉnh Xayabuly

            Ngày 25/11/2019, báo KT-XH đưa tin, trận động đất có cường độ khoảng từ 3,9-6,4 độ Richter vào ngày 20-21/11/2019 vừa qua đã gây ra một số tổn thất về kinh tế-xã hội cho tỉnh Xayabuly là tâm điểm của dư chấn.

            ​Báo cáo số 162/UBND-XNBL ngày 21/11/2019 của tỉnh Xayabuly cho biết, trận động đất có cường độ từ 3,9-6,4 độ richter xảy ra từ 23h00 ngày 20-21/11/2019, tâm chấn nằm tiếp giáp giữa huyện Hongsa đến huyện Ngân và một số huyện lân cận khác, với tần suất 18 lần, đã làm một số người bị thương nhẹ (trẻ em 07 người, phụ nữ 05 người); thiệt hại 89 ngôi nhà (04 hư hỏng nặng, 85 hư hỏng nhẹ), 03 công trình trường học, 01 bệnh viện, 01 chợ và 05 ngôi chùa bị hư hỏng nhẹ, trên quy mô 14 bản; tuyến đường nhựa kết nối trong tỉnh bị nứt vỡ; riêng nhà máy nhiệt điện Hongsa cũng bị chấn động, ảnh hưởng, nhưng không lớn, nhà máy và thiết bị chính không bị hư hại, vẫn có thể vận hành sản xuất điện bình thường. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân ước tính khoảng 02 tỷ Kíp. (Báo KT-XH, 25/11/2019)

 

 

BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO

Chủ biên: Nguyễn Thanh Tùng

Ban Biên tập: Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Dương Thị Kim Nụ, Lê Thị Phương Hoa

 

 

 


   
Trích dẫn
(@Ha Nguyen)
New Member
Gia nhập: 5 năm trước
Bài viết: 1
 

Tôi có thể tìm được thông tin về các hoạt động của các ngân hàng Lào tại Việt nam ở đâu để phục vụ cho phân tích về tư vấn tài chính của chúng tôi.


   
Trả lờiTrích dẫn

Trả lời

Tên tác giả

Email tác giả

Vai trò *

Xem trước 0 Revisions Đã lưu
Chia sẻ: