EVFTA mở ra kỷ nguyên mới và hợp tác với EU có tính bền vững, lâu dài

0
99

Với tất cả những yếu tố thuận lợi do EVFTA mang lại, Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư EU, tạo cơ hội mới trong giao thương và đầu tư cho các đối tác EU.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và nói chuyện với các doanh nghiệp đang có sản phẩm xúc tiến bán hàng tại thị trường châu Âu, tại khu trưng bày Thương hiệu Việt, diễn ra bên lề Hội nghị Ngoại giao 31. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Kỷ nguyên mới trong hợp tác thương mại Việt Nam-EU

Tại Tọa đàm “Gặp gỡ Đoàn Ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam”, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20, nói về Hiệp định thương mại tự do châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu, ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, EVFTA mở ra một kỷ nguyên mới trong hợp tác thương mại Việt Nam-EU, thông qua việc loại bỏ dần thuế quan và mở cửa thị trường.

EVFTA sẽ loại bỏ gần như 99% dòng thuế, xoá bỏ các rào cản thương mại và hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về khung pháp lý, tiêu chuẩn về môi trường và đầu tư. Đây thực sự là một thoả thuận đôi bên cùng có lợi.

Một năm sau khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 39,75 tỷ USD (tính đến ngày 1/8/2021), tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Về phía EU, con số này là 16,51 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể tại thị trường EU.

Về đầu tư, với cam kết đảm bảo minh bạch và thuận lợi trong môi trường đầu tư, kinh doanh, Việt Nam đã từng bước nhận được các nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU, với các dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Sức hấp dẫn đầu tư này sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa khi Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) có hiệu lực.

Tất cả những thuận lợi nêu trên do EVFTA mang lại đã khiến Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư EU, tạo cơ hội mới trong giao thương và đầu tư cho các đối tác EU.

Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng của EVFTA, ông Minko đề xuất Việt Nam cân nhắc những thách thức như: cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam-EU, tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng hậu cần và cải thiện kết nối vận tải của Việt Nam, và tìm hiểu toàn diện về sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu.

Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, với sự đồng hành của hiệp định EVFTA và EVIPA, ông khá lạc quan về cơ hội của Việt Nam trong việc thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một địa điểm thịnh vượng, an toàn và cạnh tranh để đầu tư và kinh doanh.

Doanh nghiệp Việt phải liên kết để tạo sức mạnh tổng thể

Trao đổi với PV bên lề Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo cho rằng, EU với 27 thành viên là đối tác toàn diện của Việt Nam, hai bên có thể hợp tác về tất cả các mặt, trong đó kinh tế là lĩnh vực trọng tâm. Dù vậy, để hợp tác được với EU, các địa phương của Việt Nam cần có chiến lược tiếp cận bài bản và cụ thể.

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết, Hiệp định thương mại tự do là thuận lợi cơ bản trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU. EU chỉ ký FTA với 4 nước châu Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore ko phải là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trong một số mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là nông, lâm, thủy, hải sản. Tuy nhiên, đối với FTA, không chỉ có thuận lợi, mà còn có những khó khăn. EU là 1 thị trường tiêu chuẩn cao. Ngoài hàng rào thuế quan, còn có các hàng rào phi thuế quan như văn hóa tiêu dùng, khoảng cách địa lý, các tiêu chuẩn xã hội…

EVFTA khác với các hiệp định khác mà Việt Nam đã ký, như CPTPP, RCEP… Một trong những điểm thuận lợi khác khi hợp tác với EU là chỉ cần vào được 1 nước, thì hàng hóa Việt Nam có thể vào được cả 26 nước còn lại. Dù vậy, cũng sẽ có những bất lợi. Khi hàng hóa của Việt Nam vào EU nhiều, về nguyên tắc cơ bản, sẽ có các rào cản, tranh chấp, khiếu kiện về thương mại sẽ xảy ra và Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản.

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo mô tả việc hợp tác với EU như một trận bóng: “Chính phủ đã tạo ra được một sân bóng tốt, chúng ta có 1 luật lệ tốt. Nhưng để có 1 trận bóng hay, điều đầu tiên là cầu thủ phải giỏi, sản phẩm của chúng ta phải có tính cạnh tranh, doanh nghiệp của chúng ta phải có đủ năng lực cạnh tranh. Sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp cũng giống như 1 cầu thủ không thể làm nên chiến thắng, mà các doanh nghiệp của chúng ta phải liên kết lại với nhau mới tạo ra một sức mạnh tổng thể để cạnh tranh được với EU. Chúng ta phải biết rõ luật lệ để vào được EU và tránh được những tổn thất không đáng có”.

Tuy nhiên, hợp tác với EU không chỉ làm theo 1 hợp đồng, 1 thương vụ, mà cần phải xác định làm dài hạn. Việc hợp tác làm ăn với EU có thể đem lại nhiều lợi ích cho các địa phương, các doanh nghiệp của Việt Nam. Quan trọng hơn, đó là tính bền vững. Châu Âu không muốn có những thị trường nay mở cửa, mai đóng cửa”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết.

Để tăng cường hợp tác với các đối tác châu Âu, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết, hợp tác kinh tế với EU, các doanh nghiệp và địa phương cần sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng. Việt Nam có 15 cơ quan đại diện tại EU và đây là cánh tay nối dài của các địa phương. Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, các địa phương cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại EU. Không chỉ vậy, các cơ quan đại diện của EU tại Việt Nam cũng là các đầu mối mà các địa phương có thể bám sát để thúc đẩy hợp tác.

Một trong những kênh hợp tác quan trọng là EU với hơn 1.000 doanh nghiệp lớn đã và đang làm ăn ở Việt Nam. Đây là những người đã hiểu Việt Nam, đã làm ăn với Việt Nam và rất dễ để tiếp cận, mở rộng hợp tác của các địa phương với EU.

“Với EU, ta cần phải có sự liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp. Họ không phân biệt cà phê của Đắk Lắk hay Kon Tum mà chỉ biết đó là cà phê Việt Nam. Họ cũng không phân biệt đó là xoài của Đồng Tháp hay của Bến Tre mà chỉ biết đó là xoài của Việt Nam. Vì thế, các địa phương cần có sự liên kết lại với nhau để cùng xây dựng chương trình tiếp cận vào EU. Như vậy sẽ hiệu quả và phù hợp hơn nhiều”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nói.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here