Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Ấn Độ có nhiều bước tiến quan trọng, nhất là khi Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa và Ấn Độ coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong việc triển khai Chính sách Hành động hướng Đông. Thực tiễn cho thấy, quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia đã đạt nhiều thành tựu, nhưng một số khó khăn vẫn còn tồn tại trong quan hệ kinh tế song phương, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19.
Bài viết đánh giá thành tựu trong quan hệ thương mại Việt Nam – Ấn Độ kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2007, từ đó đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy mối quan hệ thương mại hậu đại dịch Covid-19 giữa 2 nước.
Thành tựu nổi bật
Mặc dù quan hệ chính trị giữa Việt Nam – Ấn Độ đã phát triển từ lâu, nhưng hợp tác về kinh tế và thương mại giữa 2 quốc gia chỉ mới được quan tâm và thúc đẩy trong những thập kỷ gần đây, đặc biệt khởi sắc kể từ khi Việt Nam và Ấn Độ chính thức nâng tầm quan hệ thành đối tác vào năm 2007.
Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2008 đã tăng 47% so với năm 2007 và đạt 389 triệu USD, hơn 30 công ty Ấn Độ đã thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam, phần lớn các văn phòng này được đặt tại TP. Hồ Chí Minh [6]. Trong giai đoạn 2008-2013, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng bình quân 16% mỗi năm.
Quan hệ thương mại đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy mối quan hệ hai nước đi vào chiều sâu. Năm 2016, Việt Nam và Ấn Độ đã nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, điều đó thể hiện sự tin tưởng vững chắc, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên. Kể từ đây, quan hệ thương mại của hai nước cũng nâng lên tầm cao mới.
Theo báo cáo của Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh [7], kim ngạch thương mại song phương ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm kỷ lục 12,81% và chạm mức 13,93 tỷ USD vào năm 2018. Từ tháng 1 đến tháng 7/2019, thương mại song phương đạt 7,5 tỷ USD. Ấn Độ hiện là một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong các nước ASEAN sau Indonesia, Singapore và Malaysia.
Việt Nam là điểm đến lớn thứ 8 trong xuất khẩu của Ấn Độ trên toàn cầu. Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Ấn Độ sau Singapore trong khu vực ASEAN. Trong năm 2018, Ấn Độ đã đăng ký 40 dự án mới với tổng vốn 111,88 triệu USD. Việt Nam đã có 6 dự án đầu tư tại Ấn Độ với tổng vốn đầu tư khoảng 28,55 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực dược phẩm, công nghệ thông tin, hóa chất và vật liệu xây dựng.
Số liệu thống kê của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho thấy, trong năm tài chính tính từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đạt 11,12 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam lên tới 4,99 tỷ USD và nhập khẩu của Ấn Độ từ Việt Nam là 6,12 tỷ USD. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì giảm 22,47% trong thương mại song phương, phần lớn là do sự gián đoạn liên quan đến đại dịch Covid-19 và đặc biệt là do làn sóng dịch bệnh đã “tàn phá” nền kinh tế Ấn Độ với số ca nhiễm bệnh đứng thứ 2 trên thế giới. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Việt Nam giảm từ 2,22 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020 xuống còn 1,12 tỷ USD trong năm 2020-2021. Trong năm tài chính 2020-2021, đối với Ấn Độ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 trên toàn cầu và lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Mặt khác, đối với Việt Nam, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 10 trên toàn cầu. Trong giai đoạn 2020-2021, các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ sang Việt Nam bao gồm: sắt thép, bông, thịt đông lạnh, linh kiện ô tô, thủy sản, máy móc thiết bị điện, thức ăn chăn nuôi và ngũ cốc. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong giai đoạn này là bông, linh kiện ô tô, thiết bị điện, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ngũ cốc và dược phẩm. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam được nhập khẩu vào Ấn Độ trong thời kỳ này là máy móc thiết bị điện, hóa chất, đồng và các sản phẩm bằng đồng, các sản phẩm từ sắt thép và các mặt hàng nông sản.
Việt Nam tăng thứ hạng về mức độ thuận lợi trong kinh doanh đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Ấn Độ lựa chọn để đầu tư và đạt được những thành tựu đáng kể. Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ đã đầu tư vào khoảng 250 dự án tại Việt Nam với trị giá gần 1 tỷ USD. Cuối năm 2020, Tập đoàn Công nghệ HCL (HCL Technologies – tập đoàn công nghệ hàng đầu của Ấn Độ) đã thành lập trung tâm giao hàng đầu tiên tại Việt Nam ở Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác với các tổ chức công nghệ thông tin, truyền thông và kỹ thuật với tổng trị giá khoảng 650 triệu USD hướng đến mục tiêu đào tạo 10.000 kỹ sư tại Việt Nam trong những năm tới [5].
Quan hệ thương mại là một trong năm trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Ấn Độ, trong gần một thập niên vừa qua của thế kỷ XXI đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong quan hệ giữa 2 nước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 2,06 lần từ 5,43 tỷ USD năm 2016 lên 11,23 tỷ năm 2019; xuất khẩu tăng 2,5 lần từ 2,69 tỷ USD năm 2016 lên 6,67 tỷ USD năm 2019. Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thương mại Ấn Độ – Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD vào năm tài chính 2018-2019; trong đó, Ấn Độ xuất khẩu 6,5 tỷ USD và nhập khẩu 7,2 tỷ USD, thương mại năm 2019-20 có giảm chút ít xuống còn 12,4 tỷ USD [3]. Nhìn vào kết quả quan hệ song phương giữa 2 nước từ năm 2010 đến năm 2020 (Biểu đồ) cho thấy, tốc độ tăng tưởng trong quan hệ 2 nước vẫn tăng đều qua các năm, từ năm 2018 do tác động của cuộc chiến tranh thương mai Mỹ – Trung đã ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế của Ấn Độ, tuy nhiên vẫn duy trì tương đối ổn định và đạt giá trị cao về tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu.
Khó khăn, thách thức
Bên cạnh những thành tựu mà Ấn Độ và Việt Nam đã được, thì quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Các khó khăn và thách thức này một phần do trở ngại về mặt địa lý, tạo ra sự khó khăn trong việc vận chuyển, đến cuối năm 2019, 2 quốc gia mới có đường bay thẳng trực tiếp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến du lịch mà còn tác động đến hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa và trao đổi kinh doanh. Tiếp theo, thách thức đến từ sự khác biệt trong phong tục, tập quán, thị hiếu và môi trường kinh doanh, sự tương đồng về cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nền kinh tế, ý chí chính trị và quyết tâm của các nhà lãnh đạo hai quốc gia chưa được hiện thực hóa [2].
Ngoài ra, những thách thức ở tầm vĩ mô được thể hiện như sau:
Thứ nhất, Ấn Độ dành ưu tiên phát triển sản xuất trong nước trong chương trình “Ấn Độ tự cường”- chính sách này mục đích giúp Ấn Độ tự chủ tạo ra một cơ chế cho phép các công ty Ấn Độ có khả năng cạnh tranh cao trên trường toàn cầu, đồng thời áp đặt một số biện pháp hạn chế và phòng vệ thương mại khắt khe.
Thứ hai, để hạn chế sự xâm nhập của hàng hóa Trung Quốc, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành nhiều chính sách như yêu cầu kiểm tra và truy nguồn gốc của các sản phẩm nhập khẩu nhằm hạn chế các công ty Trung Quốc lợi dụng hiệp định thương mại (FTA) giữa Ấn Độ với các đối tác để chuyển hàng đến Ấn Độ qua nước thứ ba. Việc này đi ngược lại với tinh thần tạo thuận lợi trong kinh doanh, có thể gây hạn chế thương mại. Rào cản về thương mại là nguyên nhân vẫn khá quan trọng dẫn đến kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Ấn Độ còn hạn chế. Ấn Độ thường xuyên áp dụng các biện pháp rào cản thương mại vào hàng nhập khẩu, nên Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, nhiều hàng hóa từ Việt Nam đang có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá… [1].
Thứ ba, mặc dù Hiệp định Thương mại hàng hóa Ấn Độ – ASEAN đã có hiệu lực, nhưng Ấn Độ vẫn đang áp mức thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm thế mạnh của Việt Nam khá cao hoặc nằm trong danh mục loại trừ. Một số mặt hàng có lợi thế cho Việt Nam lại thuộc danh mục nhạy cảm của Ấn Độ.
Thứ tư, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm rõ về thị trường Ấn Độ. Mặc dù một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu hiện diện và mở văn phòng đại diện tại Ấn Độ, nhưng vẫn ít so với số lượng văn phòng của Ấn Độ tại Việt Nam.
Thứ năm, việc Ấn Độ rút ra khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng sẽ hạn chế cơ hội để thương mại phát triển. Với những quốc gia xem Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quan trọng với lợi thế thị trường dân số tỷ dân, như: Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, việc rút khỏi RCEP của Ấn Độ được dự báo sẽ cắt giảm lợi ích kinh tế tương ứng và cũng tác động đến lợi ích kinh tế.
Giải pháp phát triển quan hệ thương mại
Hiện nay, đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp trên toàn cầu với nhiều biến thể mới, thế giới đang vẫn duy trì và thích nghi với giai đoạn “bình thường mới”, tuy giao thương giữa các quốc gia đang bị nghẽn lại bởi dịch bệnh, nhưng Việt Nam và Ấn Độ vẫn duy trì các hoạt động để thúc đẩy quan hệ thương mại sau đại dịch. Theo tác giả, để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia, thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, ở cấp cơ quan ngoại giao của 2 quốc gia, cần tiếp tục duy trì các diễn đàn trực tuyến về thương mại và đầu tư để giúp doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có cơ hội trao đổi và tìm hiểu khả năng hợp tác. Những chương trình này đã cung cấp thông tin vừa toàn diện, đầy đủ về tất cả các ngành hàng, vừa chi tiết đối với từng ngành hàng, lĩnh vực cụ thể. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp giữa 2 nước có thể tìm hiểu, trao đổi những chiến lược cụ thể và tiến hành thực hiện khi thế giới ổn định sau đại dịch. Đây là hoạt động nên duy trì xuyên suốt trong thời điểm hiện nay.
Hai là, tăng cường nghiên cứu và phát triển hệ thống thông tin thị trường Ấn Độ và Việt Nam chính thống để giúp cho doanh nghiệp của 2 nước có thể hiểu rõ về chính sách đầu tư, những quy định về rào cản thương mại, hệ thống pháp luật và các quy định về thuế và hải quan của Ấn Độ (đặc biệt là hệ thống hàng rào phi thuế quan cũng với danh mục các mặt hàng bị hạn chế, cấm xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, luật đối kháng, luật thuế chống bán phá giá) và Việt Nam…, từ đó các doanh nghiệp nắm rõ được tình hình cung cầu của các mặt hàng xuất khẩu cụ thể để lên những chiến lược hợp tác thích hợp. Đồng bộ hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật để giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đúng nhu cầu của phía Ấn Độ và ngược lại.
Ba là, các doanh nghiệp Việt Nam cần thành lập các bộ phận chuyên trách để thu thập, xác minh và xử lý các thông tin của đối tác để tránh những trường hợp “đầu tư ma” hoặc các doanh nghiệp không uy tín và phát sinh khả năng tranh chấp khi hợp tác. Thành lập một số cơ quan lãnh sự danh dự của Việt Nam tại các thành phố lớn của Ấn Độ, như: Kolkata, Chennai, Hyderabad để thúc đẩy thương mại.
Bốn là, thông qua các kênh đầu tư từ các cơ quan ngoại giao của 2 nước, khuyến khích các doanh nghiệp uy tín của Việt Nam tham gia vào các chương trình triển lãm quốc tế để giới thiệu sản phẩm và các thế mạnh của doanh nghiệp, đưa thông tin và hàng hóa doanh nghiệp vào Ấn Độ nhiều hơn để tìm được các đối tác tiềm năng.
Năm là, các nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam khi làm việc với Ấn Độ cần thích nghi với văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam để tránh những xung đột và tranh chấp không đáng có trong quá trình hợp tác. Phong cách làm việc của các doanh nghiệp Ấn Độ thường khá từ tốn, chậm rãi. Rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam bị “bất ngờ” hoặc thiếu kiên nhẫn khi làm việc với các doanh nhân Ấn Độ vì sự khác biệt trong văn hóa kinh doanh. Nhiều khi thỏa thuận được một hợp đồng với các doanh nghiệp Ấn Độ cần mất khá nhiều thời gian. Doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với đối tác Ấn Độ nên biết rõ điều này và nên kiên trì trong các kế hoạch hợp tác khi đã xác định được đối tác của mình.
Tóm lại, triển vọng về quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam trong giai đoạn hậu đại dịch là rất lớn, với chính sách hành động hướng Đông, thì Việt Nam hiện vẫn là quốc gia trọng tâm trong chính sách hợp tác và kết nối về mặt kinh tế của Ấn Độ trong khu vực Đông Nam Á. Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp lớn của 2 nước vẫn luôn thúc đẩy kết nối kinh tế thông qua cơ sở hạ tầng, kết nối trong lĩnh vực nông nghiệp, kết nối về thể chế, kết nối số. Tuy nhiên, hiện 2 quốc gia vẫn còn nhiều thách thức trong quan hệ thương mại, như: rào cản về thể chế, chính sách; các quy định về hải quan, xuất nhập khẩu; cơ chế bảo hộ; rào cản từ cơ sở hạ tầng; văn hóa kinh doanh… Để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia thì Việt Nam và Ấn Độ cần có những giải pháp thiết thực trong thời điểm hiện tại để làm nền tảng thực hiện sau khi thế giới ổn định, bằng việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, hoàn thiện thể chế và quy định, tích cực tài trợ cho các dự án kết nối giữa hai nước trong các lĩnh vực./.
ThS. Trần Mỹ Hải Lộc
Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo
- Lê Văn Toan (2017). Quan hệ Việt Nam – Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội
- Đặng Thái Bình (2020). Thực trạng kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 12 (238) 12-2020
- Linh Chi (2021). Đại sứ Phạm Sanh Châu: FDI từ Ấn Độ vào Việt Nam chưa có khoản ‘ra tấm ra món, truy cập từ https://baoquocte.vn/dai-su-pham-sanh-chau-fdi-tu-an-do-vao-viet-nam-chua-co-khoan-ra-tam-ra-mon-135758-135758.html
- Khánh Lan (2021). Thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ kỳ vọng đạt 15 tỷ USD trong thời gian tới, truy cập từ https://dangcongsan.vn/chao-xuan-tan-suu-2021/dat-nuoc-vao-xuan/thuong-mai-song-phuong-viet-nam-an-do-ky-vong-dat-15-ty-usd-trong-thoi-gian-toi-574633.html
- Huy Lê (2021). Việt Nam-Ấn Độ còn nhiều không gian để thúc đẩy hợp tác kinh doanh, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/viet-naman-do-con-nhieu-khong-gian-de-thuc-day-hop-tac-kinh-doanh/683051.vnp
- Arup Barman (2011). India-Vietnam HRD Collaboration – The Strategic Moves, retrieved from SSRN: https://ssrn.com/abstract=1866798
- CGI HCMC (2019). India – Vietnam Relations, retrieved from https://mea.gov.in/Portal/ForeignRelation/Brief_-_India_-_Vietnam_2019.pdf
- Indian Ministry of External Affairs (2020). English Translation of Prime Minister’s opening remarks at the India-Vietnam Virtual Summit
- Indian Ministry of External Affairs (2021). India – Vietnam Relations, retrieved from https://mea.gov.in/Portal/ForeignRelation/Vietnam_new2021.pdf
- World Bank (2021). Global Economic Prospects, page 97