EVFTA mở đường cho nông sản chính ngạch Việt Nam vào thị trường Pháp

0
24

Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp Vũ Anh Sơn, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là cơ hội để Việt Nam nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, nhất là nhóm mặt hàng nông sản vào thị trường Pháp.

EVFTA được thực thi sẽ mở đường chính ngạch cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường Pháp. (Nguồn: Go Global)

Ông Vũ Anh Sơn cho rằng, Hiệp định EVFTA là cơ hội để nhóm mặt hàng nông sản, với các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, với những cam kết sâu như cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7-10 năm.

Đối với thị trường Pháp, ông Vũ Anh Sơn nhận định rằng, EVFTA được thực thi sẽ mở đường chính ngạch cho các mặt hàng nông sản nói chung cũng như vải thiều và gạo của Việt Nam có cơ hội tiến sâu vào thị trường châu Âu nói chung và Pháp nói riêng, kết nối Việt Nam tới một thị trường rộng lớn với 68 triệu dân.

Đến nay, ông Vũ Anh Sơn đánh giá, chính uy tín và những điều kiện ưu đãi thuế quan từ EVFTA mang lại đang tạo ra lợi thế tốt cho xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh Pháp, cũng như châu Âu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, đầu tư sản xuất nên Việt Nam là một trong những điểm đến tiềm năng.

Nắm bắt nhu cầu, cơ hội của thị trườngthời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã phối hợp cùng với các đối tác xây dựng chương trình tổng thể trung và dài hạn trong việc quảng bá, lan tỏa hàng hóa Việt Nam tới đông đảo người tiêu dùng tại Pháp. Qua đó, góp phần để hàng hóa Việt Nam sẽ dần được đưa vào thị trường Pháp với thương hiệu của chính doanh nghiệp Việt Nam.

“Sau hàng loạt các hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh, định hướng tiêu dùng mà Thương vụ đã triển khai tại Pháp, các sản phẩm của Việt Nam đang dần tìm được chỗ đứng và được người tiêu dùng bản địa biết đến”, ông Sơn nhấn mạnh.

Pháp là thị trường có dân số lớn thứ 2 châu Âu với gần 68 triệu dân, là quốc gia có thị trường bán lẻ lớn thứ 2 châu Âu với tổng giá trị khoảng 470 tỷ Euro (sau Đức 560 tỷ Euro) và có đến 4 trên tổng số 10 tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại châu Âu là từ Pháp; có cộng đồng người châu Á lâu đời nhất và lớn nhất tại châu Âu; cộng đồng Việt kiều đông nhất tại châu Âu với gần 400 nghìn người và người Việt tại Pháp hội nhập sâu nhất vào nước bản địa.

Theo ông Vũ Anh Sơn, hiện tiềm năng đến từ cấu trúc và dư địa thị trường Pháp vẫn chưa được khai thác là rất lớn. Tuy nhiên, với một thị trường đã được định hình từ lâu như Pháp và châu Âu, nhu cầu của thị trường với hàng Á châu đã “gần chạm ngưỡng” và đã có rất nhiều nhà cung cấp/phân phối lâu năm. Do đó việc đưa thêm hàng hóa vào thị trường không chỉ đòi hỏi nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp trong việc luôn đổi mới chính mình, nắm rõ và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu chặt chẽ nhất của thị trường đích đến mà cần có vai trò cầu nối của các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Về phía Thương vụ Việt Nam tại Pháp, ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường, Thương vụ sẽ phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tổ chức thực hiện các chương trình xây dựng, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế…

Mai Châu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here