EVFTA – “cứu cánh” cho xuất khẩu EU và Việt Nam hậu đại dịch Covid-19?

0
220
EVFTA sẽ là cú hích cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung sau dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters)
EVFTA sẽ là cú hích cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung sau dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam (EVFTA) được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả để “cứu” xuất khẩu Việt Nam sang thị trường rộng lớn Liên minh châu Âu (EU), nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu những tác động tiêu cực do dịch Covid-19 gây ra. 

Tối 30/3, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn y quyết định của Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA bằng hình thức văn bản, đánh dấu việc hoàn tất toàn bộ tiến trình phê chuẩn EVFTA về phía Liên minh châu Âu. Theo quy trình, EVFTA sẽ được triển khai sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và sau 30 ngày kể từ khi 2 bên hoàn thành các thủ tục thông báo cho nhau.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ Hiệp định EVFTA. Hồ sơ này sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần thứ 44, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 4/2020.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, bên cạnh Mỹ và Trung Quốc, EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 56,45 tỷ USD; trong đó, các thị trường có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là Hà Lan (6,88 tỷ USD), Đức (6,56 tỷ USD), Anh (5,76 tỷ USD), Pháp (3,76 tỷ USD,), Italy (3,44 tỷ USD), Áo (3,27 tỷ USD), Tây Ban Nha (2,72 tỷ USD) và Bỉ (2,55 tỷ USD).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD.

Như vậy, khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và đi vào triển khai (dự kiến khoảng đầu quý III/2020), Hiệp định này chắc chắn sẽ tạo cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cùng một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, nhất là trong bối cảnh các mặt hàng xuất khẩu này đang “gặp khó” bởi những tác động do dịch Covid-19 gây ra.

Cụ thể, EVFTA sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho nông lâm thủy sản Việt Nam, do được hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên. Ở nhóm hàng công nghiệp thì dệt may, giày dép cũng được hưởng lợi nhiều nhất vì hiện nay thuế nhập khẩu khá cao, sẽ đưa về 0% khi EVFTA có hiệu lực. Ví dụ, hàng dệt may đang phải chịu thuế 7%-17%, khi thuế về 0% thì xuất khẩu của Việt Nam vào EU có thể tăng thêm 1,54 tỷ USD năm 2023 và 5,82 tỷ USD năm 2028.

Từ góc độ quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam-EU, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, EU còn là khu vực tiềm năng đối với ngành du lịch và dịch vụ Việt Nam. EU là trung tâm văn hóa thế giới, các hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại; sở hữu 2,3 triệu doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch. Hàng năm, EU có số lượng người đi du lịch lớn nhất trên thế giới. Vì vậy, TS. Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định, EVFTA đang mở ra nhiều điều kiện thuận lợi để ngành du lịch Việt Nam khai thác, triển khai hoạt động kinh doanh thông qua những cam kết, ưu đãi mở cửa thông thoáng đối với các loại hình dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, đại lý du lịch, điều hành tour, dịch vụ hướng dẫn du lịch…

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia trên thế giới hạn chế đi lại, giao thương hàng hóa, thị trường trong nước giảm sút nhưng sau khi dịch được kiểm soát, nhu cầu sẽ tăng mạnh trở lại. Do đó, EVFTA nếu đi vào thực thi đúng thời điểm dịch được kiểm soát, sẽ là cú hích cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định.

Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp, Bộ Công Thương TS. Lê Quốc Phương cho hay, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

“Lộ trình xóa bỏ thuế nêu trên là những cơ hội rất lớn. Như vậy, EVFTA sẽ là động lực tốt để thúc đẩy xuất khẩu. Để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng hàng hoá, năng lực sản xuất để đáp ứng điều kiện xuất khẩu sang thị trưởng EU hậu dịch Covid-19”, TS. Lê Quốc Phương lưu ý.

Còn theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương TS. Võ Trí Thành, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam và EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế Việt Nam trên mọi khía cạnh như thương mại, đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư chất lượng cao, cải cách thể chế, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, việc suy giảm thương mại do dịch Covid-19 chỉ là tạm thời. Nhìn về trung và dài hạn, EVFTA được phê chuẩn và đi vào cuộc sống sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó có xuất khẩu. “Vì vậy, Việt Nam phải có sự chuẩn bị tốt nhất để nắm được các cơ hội Hiệp định mang lại nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng tốc xuất khẩu ngay trong những tháng cuối năm. Theo kịch bản tích cực, nếu dịch Covid-19 kết thúc vào quý II/2020, những cơ hội mở ra từ EVFTA sẽ được khai thác sớm hơn. Các hoạt động như hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệ… cần phải được chuẩn bị thật tốt”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here