Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam trong quý II/2020

0
282
Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới.
Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới.

Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tính từ đầu năm đến 15/3 đạt 50,294 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ 2019. Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 2,82 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019.

Đóng góp quan trọng vào kết quả tích cực này bao gồm những nhóm hàng như: thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; dệt may; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng. Với tổng kim ngạch gần 35,54 tỷ USD, những nhóm hàng trên đóng góp tới 70,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trên khắp thế giới.

Đáng chú ý, điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu đầu tiên đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên, với kim ngạch hơn 10,2 tỷ USD, tăng gần 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương khoảng 800 triệu USD). Hết tháng 2, nhóm hàng điện thoại và linh kiện đóng góp hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng thời điểm. Thị trường xuất khẩu chủ lực của nhóm hàng này là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc.

Xét ở góc độ ngành hàng; nhóm nông, lâm, thủy sản bị ảnh hưởng tương đối lớn bởi dịch Covid-19. Tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng ước đạt 5,28 tỷ USD (giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2019). Với tác động của dịch Covid-19, hầu hết các sản phẩm nông sản đều có kim ngạch sụt giảm. Nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng không mấy khả quan khi tổng giá trị xuất khẩu quý đầu năm ước đạt 50,05 tỷ USD (chỉ tăng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm2019).

Theo Bộ Công Thương, trong quý II/2020, việc đứt gãy nguồn cung cơ bản được giải quyết, xuất khẩu Việt Nam sẽ phải đối mặt nhu cầu tiêu thụ sụt giảm do dịch bệnh Covid -19 đã lan rộng sang các nước EU và Mỹ – những nước đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới. Cụ thể như dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đặc biệt, các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước.

Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng, ở một tầm nhìn dài hơi hơn khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát tốt hơn, xuất khẩu của Việt Nam cũng có những yếu tố thuận lợi. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, rau quả tươi… thế giới vẫn cần, thậm chí chỉ cần dịch Covid-19 bớt đi thì nhu cầu sẽ nhiều hơn.

“Nếu Việt Nam chế biến được các mặt hàng như rau quả, thủy sản… thành sản phẩm đông lạnh, đóng hộp thì sẽ càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thế giới sau dịch bệnh. Đặc biệt, với mặt hàng cá tra, cá basa… Việt Nam có khá nhiều lợi thế. Ngoài ra, với mặt hàng khác như thịt lợn dù hiện tại Việt Nam đang bị thiếu, giá cao nhưng nếu sớm tổ chức tái đàn, sản xuất tốt, đây cũng là mặt hàng có thể thúc đẩy xuất khẩu”, chuyên gia Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

Về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thông Nguyễn Văn Việt cho rằng, cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản; tăng cường triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài…

Thời gian tới, Bộ Công Thương xác định sẽ đẩy mạnh rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế có khả năng bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19; có các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khi dịch bệnh được khống chế cơ bản ở nước này.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng sẽ chủ động có báo cáo Chính phủ về việc sớm trình bộ hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA để thực hiện thủ tục phê chuẩn vào kỳ họp tới nhằm thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh vào thời điểm cuối năm 2020 để bù đắp cho sự khó khăn của các tháng đầu năm nay.

Nguyễn Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here