Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk ngày 13/12 chia sẻ trên trang cá nhân Twitter rằng các lệnh trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) với Nga sẽ được gia hạn thêm 6 tháng nữa. Quyết định này được các quốc gia thành viên nhất trí trong hội nghị thượng đỉnh của EU tại Brussels.
Lý do mà ông Tusk đưa ra là các lệnh cấm vận được gia hạn bởi việc áp dụng thỏa thuận Minsk giữa Kiev và quân ly khai ở Đông Ukraine “không có tiến triển”.
Thỏa thuận Minsk 2015 được thiết lập giữa 4 bên Ukraine, Nga, Đức, Pháp nhằm đưa ra những giải pháp giải quyết khủng hoảng chính trị và xung đột quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên suốt thời gian qua các bên thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận này.
EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ ngày 31/7/2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine.
Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, nhưng các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga bao gồm: các trừng phạt kinh tế, trừng phạt cá nhân và các trừng phạt liên quan đến Crimea.
Những lệnh trừng phạt này chủ yếu tác động đến các ngân hàng, công ty năng lượng và quốc phòng nước này nhằm phong tỏa xuất khẩu quân sự của Nga sang châu Âu.
Các trừng phạt cũng áp dụng việc cấm vận thương mại vũ khí và xuất khẩu hàng hóa kép cho mục đích quân sự đối với Nga cũng như hạn chế việc Nga tiếp cận với các công nghệ chiến lược nhằm khai thác và sản xuất dầu. Hiện, nhiều biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga.
Thêm vào đó, EU cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể của Nga với lý do “gây tổn hại hoặc nguy hiểm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine”.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 150 cá nhân và 38 thực thể của Nga nằm trong danh sách này. Và các biện pháp trừng phạt thường xuyên được gia hạn 6 tháng/lần.
Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.
Nga từng tuyên bố tất cả các biện pháp trừng phạt của EU, cũng như của Mỹ nhằm vào Moscow đều không đạt hiệu quả, nếu không muốn nói là phản tác dụng./.
(VietnamFinace)