Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và tác động tới quan hệ kinh tế Việt – Trung (phần 1)

0
88
“Ảnh minh họa”

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập năm 2015 dựa trên bốn trụ cột (gồm thị trường đơn nhất – cơ sở sản xuất chung, khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế cân bằng, hội nhập vào kinh tế toàn cầu) nhằm góp phần tạo lập cộng đồng ASEAN thành khu vực hòa bình, thịnh vượng, phát triển kinh tế bền vững. AEC không chỉ đem lại lợi ích thiết thực cho nội khối AEC mà còn tạo ra cơ hội và thách thức cho quan hệ kinh tế Việt Trung.

  1. AEC tác động tới quan hệ đầu tư Việt Trung.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những kênh chủ yếu mà AEC tác động tới quan hệ kinh tế Việt – Trung. Tự do hóa đầu tư và tự do hóa luồng vốn giữa các nước thành viên trong ASEAN là một nội dung quan trọng trong bốn trụ cột của AEC. Trước khi thành lập AEC, hai khung pháp lý về thúc đẩy hoạt động FDI giữa ASEAN (và AEC nói riêng) cũng đã được ban hành và đi vào triển khai, đó là Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN (AIA) năm 1997 và Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) năm 2009. Tuy nhiên, phải đến khi Hiệp định về đầu tư giữa ASEAN với Trung Quốc ra đời (có hiệu lực từ tháng 2/2010) thì hành lang pháp lý cần thiết cho điều tiết hoạt động đầu tư giữa ASEAN (và sau này là AEC) với Trung Quốc mới chính thức được thiết lập. Nhờ có nỗ lực cải cách thể chế kinh tế liên quan tới FDI mà chất lượng môi trường đầu tư ASEAN nói chung và AEC nói riêng đã được cải thiện đáng kể theo hướng thông thoáng và hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, qua đó thúc đẩy mở rộng thu hút đầu tư trực tiếp cả từ các nước thành viên AEC lẫn các đối tác quốc tế nằm ngoài ASEAN, đặc biệt là từ Trung Quốc đại lục.

Thứ nhất, AEC tác động tích cực tới chuyển đổi trọng tâm đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của cả Việt Nam và Trung Quốc vào ngành dịch vụ của ASEAN (thay vì ngành công nghiệp như trước đây) và thúc đẩy quan hệ đầu tư Việt – Trung theo hướng gia tăng quy mô ODI của Trung Quốc tới Việt Nam.

Nhờ có sự hấp dẫn về môi trường đầu tư của AEC cùng với thị trường tiêu dùng lớn đầy tiềm năng (nhất là tầng lớp trung lưu), nên ODI của Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông) và Việt Nam chảy vào AEC không chỉ có chiều hướng ngày càng tăng mà quan trọng hơn là tiếp tục ưu tiên vào ngành dịch vụ. Một mặt, AEC chủ yếu thu hút ODI của Trung Quốc vào ngành dịch vụ, nhất là ngành thương mại bán buôn, bán lẻ và tiếp đó là bảo hiểm và tài chính. Điểm đáng quan tâm ở đây đó là ODI của Trung Quốc vào AEC đã không gây ra hiệu ứng lấn át đầu tư đối với ODI của Trung Quốc vào Việt Nam trong cùng kỳ. Cụ thể, ODI của Trung Quốc vào Việt Nam đã đạt mức tăng bình quân 1,63 tỷ USD/năm giai đoạn 2016- 2017, trong đó ODI bắt nguồn từ phía các doanh nghiệp Đại lục đang có xu hướng ngày càng bị thu hút bởi địa điểm đầu tư hấp dẫn là Việt Nam với chi phí lao động thấp và vị trí địa kinh tế quan trọng, qua đó trở thành nhịp cầu kết nối Việt Nam với mạng sản xuất của cộng đồng người Hoa ở ASEAN và châu Á.

Mặt khác, AEC cũng tác động tích cực tới cơ cấu ODI của Việt Nam kể từ giữa thập kỷ 2010. Cụ thể, cho dù ODI của Việt Nam tới AEC đã có xu hướng tăng nhưng tốc độ tăng trưởng thấp và quy mô còn nhỏ (bình quân 352 triệu USD/năm giai đoạn 2016-2017, tăng 18,2 triệu USD so với mức bình quân giai đoạn 2013-2014). Trong khi hầu hết các ngành của AEC thu hút ODI của Việt Nam đều có xu hưởng giảm, thì trái lại vẫn có hai ngành duy trì được đà tăng trưởng cao là ngành dịch vụ và công nghiệp chế tạo. Điều này cho thấy cơ cấu ODI của Việt Nam đang có thay đổi lớn, chuyển dần trọng tâm từ đầu tư trực tiếp vào ngành nông nghiệp-lâm nghiệp-thủy sản và khai khoáng để chuyển hướng sang ngành dịch vụ (nhất là bảo hiểm, tài chính, thương mại bán buôn-bán lẻ). Mặc dù rủi ro đầu tư vào ngành dịch vụ là không nhỏ ở một vài nước của AEC, nhưng phần giá trị gia tăng và lợi nhuận mà các nhà đầu tư Việt Nam thu được từ kênh đầu tư sẽ có xu hướng tăng cao. Bên cạnh mục tiêu cải thiện lợi nhuận thì chuyển đổi cơ cấu ODI và mở rộng quy mô ODI của Việt Nam vào AEC còn giúp thúc đẩy khởi nghiệp trong nước, cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng cường liên kết xuất khẩu và đa dạng hóa rủi ro kinh doanh.

Thứ hai, trong khi AEC tác động tiêu cực tới dòng ODI của ASEAN tới Trung Quốc thì nó lại có tác động tích cực tới ODI của AEC vào Việt Nam kể từ giữa thập kỷ 2010. Nhờ đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế mà môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã trở nên thông thoáng và hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài (gồm cả các nhà đầu tư ASEAN và Trung Quốc) và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo Báo cáo khảo sát môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu như năm 2016 chỉ số thuận lợi kinh doanh của Việt Nam chỉ đứng ở vị trí thứ 82/190 nước xếp hạng (tăng 9 bậc so với năm trước) thì đến năm 2017 con số này đã vươn lên vị trí thứ 68/190 nước xếp hạng (tăng 14 bậc so với năm trước). Nếu chỉ xét riêng chỉ số thuận lợi kinh doanh trong AEC thì năm 2017 Việt Nam hiện đang giữ vị trí thứ 5, Singapore (xếp thứ 2), Malaysia (xếp thứ 24), Thái Lan (xếp thứ 26) và Brunei (xếp thứ 56) trong cùng kỳ. Chính điều này cùng với những thay đổi tích cực về cải cách khung pháp lý về tự do hóa luồng vốn và đầu tư trong AEC (cũng như chiều hướng mở rộng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam) đã góp phần quan trọng vào xu hướng gia tăng quy mô ODI từ các nhà đầu tư ASEAN và Trung Quốc vào Việt Nam. Cụ thể, quy mô ODI của AEC đổ vào Việt Nam đã có xu hướng tăng cao và đạt mức bình quân 2,419 tỷ USD/năm giai đoạn 2016-2017. Mặc dù vẫn có tác động tiêu cực nhỏ trong một số lĩnh vực, nhưng xu hướng chủ đạo của gia tăng quy mô ODI của AEC và Trung Quốc vào Việt Nam là có tác động ngoại lai tích cực như bổ sung vốn đầu tư trong nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp tạo thêm việc làm mới và cải thiện tác phong làm việc cho người lao động, góp phần tăng thu ngân sách, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại cho tầng lớp quản lý người Việt Nam và quan trọng hơn cả là giúp kết nối các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất khu vực và toàn cầu, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cấp ngành.

Bên cạnh đó, trong khi dòng ODI của AEC chảy vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng thì trái lại nó đang bị thu hẹp dần cả quy mô lẫn tỷ trọng ODI của AEC đổ vào Trung Quốc trong giai đoạn 2013-2017. Xu hướng thu hẹp quy mô ODI của AEC vào thị trường Trung Quốc được lý giải một phần bởi sự chậm cải cách môi trường đầu tư của Trung Quốc đại lục (đặc biệt là chi phí nhân công và chi phí giao dịch ngầm tương đối cao so với mặt bằng của AEC nói chung và Việt Nam nói riêng) cũng như phần khác chủ yếu là do tác động ngoại lai tiêu cực của chuyển đổi phương thức phát triển của Trung Quốc đại lục kể từ năm 2012 trở lại đây (nhất là chuyển đổi phương thức tăng trưởng và nâng cấp ngành kinh tế). Theo đó, Chính phủ Trung Quốc không chỉ khuyến khích ODI của nước này ra thế giới, mà còn điều chỉnh chính sách thu hút FDI theo hướng tăng trưởng xanh với động lực chủ yếu dựa vào sáng tạo. Chuyển đổi phương thức phát triển trong bối cảnh dư thừa năng lực sản xuất nội địa đã khiến cho hàng rào về công nghệ thấp và công nghệ trung bình trở nên chặt chẽ hơn rất nhiều đối với các nhà đầu tư ASEAN cũng như gia tăng nguy cơ mở rộng luồng đầu tư của các nhà đầu tư Đại lục tới ASEAN nhằm tận dụng tối đa các cơ hội do AEC đem lại và xu hướng dịch chuyển dây chuyền sản xuất với công nghệ thấp, tiêu tốn năng lượng và gây ô nhiễm môi trường tới châu Á nói chung và ASEAN nói riêng (Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ). Điều này có nghĩa rằng dòng ODI của AEC đổ vào Việt Nam hầu như không gây ra hiệu ứng lấn át đầu tư bởi dòng ODI của AEC chảy vào Trung Quốc trong cùng kỳ. Một trong những điểm đáng lưu ý ở đây đó là dòng ODI của các doanh nghiệp Việt Nam chảy vào Trung Quốc đại lục kể từ đầu thập kỷ 2010 trở lại đây được đánh giá ở mức rất nhỏ (không đáng kể so với quy mô bình quân ODI của AEC vào Trung Quốc). Điều này cũng hàm ý rằng việc thành lập AEC hầu như không có tác động gì tới dòng ODI của Việt Nam tới Trung Quốc trong thập kỷ 2010. Nhìn chung, dòng ODI của các doanh nghiệp ASEAN tới Trung Quốc đại lục chủ yếu nhằm mục đích tìm kiếm thị trường tiêu dùng khổng lồ (đặc biệt là để nắm bắt và tận dụng được xu hướng tăng nhanh của tầng lớp trung lưu ở Đại lục).

2. AEC tác động tới quan hệ thương mại Việt-Trung.

Tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ cũng là một trong những khía cạnh rất quan trọng trong trụ cột thứ nhất của AEC. Quá trình tự do hóa thương mại của AEC đã chịu tác động đáng kể của các hiệp định thương mại nội khối ASEAN như Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS)… và các Hiệp định thương mại tự do của ASEAN với các đối tác lớn ở châu Á (ASEAN+6 gồm ASEAN với 6 đối tác lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc – New Zealand). Bên cạnh đó còn phải kể đến một số hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết giữa ASEAN với Trung Quốc kể từ đầu thập kỷ 2000 như Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN – Trung Quốc (ngày 4/11/2002), Hiệp định về Thương mại hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định khung (có hiệu lực từ tháng 7/2005), Hiệp định về Thương mại dịch vụ trong Khuôn khổ Hiệp định khung (có hiệu lực từ tháng 7/2007) và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung giữa ASEAN và Trung Quốc (có hiệu lực từ tháng 5/2016). Nhờ có những cải cách về thể chế kinh tế liên quan tới thúc đẩy thương mại tự do (nhất là tự do hóa thương mại hàng hóa và thậm chí là cả dịch vụ trong nội khối AEC) mà hàng rào thuế quan giữa các nước trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và Trung Quốc đã hạ thấp đáng kể theo lộ trình cụ thể, qua đó góp phần mở rộng không chỉ quy mô trao đổi thương mại của Việt Nam với AEC và Trung Quốc kể từ đầu thập kỷ 2010, mà quan trọng hơn là giúp thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như nâng cao vị thế đối tác thương mại của Việt Nam với cả AEC và Trung Quốc.

Một mặt, thương mại giữa Trung Quốc với AEC bắt đầu có chiều hướng hồi phục sau khi đã bị đột ngột giảm mạnh vào năm 2016 (kim ngạch thương mại song phương đạt mức tăng bình quân 31,7 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2016- 2017). Sau khi AEC thành lập, cơ cấu hàng xuất khẩu của Trung Quốc tới thị trường AEC cũng hầu như không có biến động lớn (ngoại trừ sự điều chỉnh giảm đáng kể về tỷ trọng kim ngạch trao đổi của nhóm hàng chế biến dựa trên tài nguyên). Điểm đặc biệt nhất trong quan hệ thương mại song phương của Trung Quốc với AEC đó là Trung Quốc luôn duy trì thặng dư cán cân thương mại hàng hóa ở mức rất cao, khoảng 42,3 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2016-2017 (giảm 11,9 tỷ USD/năm so với giai đoạn 2013-2014). Nguyên nhân gốc rễ là do Trung Quốc chủ yếu đẩy manh quy mô xuất khấu hàng chế tạo công nghệ thấp và một phần khác là hàng chế tạo công nghệ trung bình (riêng đối với nhóm hàng công nghệ cao thì Trung Quốc luôn ở trong tình trạng thâm hụt thương mại với AEC kể từ đầu thập kỷ 2010 trở lại đây).

Mặt khác, trong khi kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với AEC đã có, xu hướng hồi phục vào năm 2017 nhưng cơ cấu mặt hàng trao đổi cũng không biến động lớn (ngoại trừ kim ngạch của nhóm hàng chế tạo với trình độ công nghệ trung bình là có xu hướng tăng nhanh hơn trong cùng kỳ). Điểm đáng lưu ý ở đây đó là xu hướng tăng nhanh về thâm hụt thương mại của Việt Nam với AEC lại phần lớn bắt nguồn từ gia tăng thâm hụt về nhóm hàng chế tạo công nghệ trung bình và nhóm hàng chế tạo dựa trên tài nguyên thiên nhiên. Trên thực tế, AEC đã tác động ngoại lai tích cực tới Việt Nam theo hướng gia tăng tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng công nghệ trung bình và công nghệ cao (mặt hàng điện và điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất trong giai đoạn 2013-2017). Trong trường hợp phân theo giai đoạn sản xuất thì cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam tới AEC cũng có dấu hiệu chuyển biến tích cực theo hướng giảm nhanh tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nguyên liệu và tăng nhanh tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng linh kiện và phụ tùng (chủ yếu thuộc nhóm hàng điện và điện tử). Ngoài ra, chiều hướng tăng về tỷ trọng xuất khẩu hàng tiêu dùng cuối cùng của Việt Nam tới AEC được cho là bắt nguồn từ tác động ngoại lai của việc Việt Nam đã thu hút được nhiều tập đoàn xuyên quốc gia TNCs lớn như Samsung, Intel, LG… Bên cạnh đó, AEC còn có tác động tiêu cực tới gia tăng áp lực cạnh tranh lên hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường ASEAN bởi vì đa phần các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa biết cách tận dụng và tối đa hóa các cơ hội từ FTA của AEC để mở rộng thị trường xuất khẩu và cơ cấu hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam còn có nhiều nét tương đồng với các nước trong AEC (nhất là Thái Lan, Phillippines, Indonesia, Malaysia). Thứ trưởng Bộ Công thương, Trần Quốc Khánh cho biết, “các thị trường ASEAN hay ASEAN+ không mang lại lợi ích rõ rệt cho Việt Nam vì phần lớn các đối tác có cơ cấu kinh tế trùng lặp, cạnh tranh với Việt Nam”. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại hơn về tác động ngoại lai tiêu cực của AEC là nguy cơ Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ hàng tiêu dùng cuối cùng của nhiều nước thành viên AEC trong dài hạn: “AEC là thỏa thuận về một thị trường thống nhất, nhưng mới 7 tháng gia nhập, Việt Nam đang trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hoá của khu vực”.

Ngoài ra, quan hệ trao đổi thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với đối tác Trung Quốc không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ sau khi thành lập AEC mà còn luôn ở trong tình trạng thâm hụt thương mại lớn (cho dù đã có dấu hiệu giảm tốc trong giai đoạn 2016- 2017). Nguyên nhân hàng đầu dẫn tới thâm hụt thương mại lớn của Việt Nam với đối tác Trung Quốc chủ yếu là do thâm hụt trong trao đổi nhóm hàng chế tạo công nghệ trung bình và một phần khác là nhóm hàng chế tạo công nghệ thấp (Việt Nam luôn đạt thặng dư thương mại trong trao đổi nhóm hàng mới sơ chế với đối tác Trung Quốc, đặc biệt là từ sau khi thành lập AEC đến nay). Do việc thành lập AEC mới chỉ từ năm 2015 nên để có thể đánh giá được tác động ngoại lai của AEC tới quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc thông qua kênh thương mại thì phương pháp đánh giá tác động (Pre-Post method) dựa trên cơ sở của việc tiến hành đo lường khoảng cách chênh lệch về trao đổi xuất khẩu và nhập khấu hàng hóa giữa hai nước tại giai đoạn trước (2013-2014) và giai đoạn sau khi thành lập AEC (2016-2017) đã được lựa chọn để áp dụng trong giai đoạn 2013- 2017. Phương pháp phân tích này về cơ bản là phù hợp hơn so với phương pháp đánh giá tác động dựa trên hồi quy đa biến có biến giả vì số lượng quan sát kể từ sau năm 2015 đến nay là “quá ngắn” cho việc tiến hành kiểm định chuẩn đoán mô hình hồi quy xem ước lượng có bị gẫy (thay đổi đột biến) vào năm 2015 trong giai đoạn 1991-2017 hay không. Về cơ bản, mặc dù quan hệ thương mại song phương về trao đổi hàng hóa của Việt Nam với đối tác Trung Quốc phân theo trình độ công nghệ và phân theo giai đoạn sản xuất được cho là có bị ảnh hưởng (chủ yếu về thay đổi trong cơ cấu trao đổi hàng hóa xuất-nhập khẩu) bởi việc thành lập AEC nhưng mức độ tác động trực tiếp là không lớn và không rõ ràng trong ngắn hạn (không có ý nghĩa thống kê trong giai đoạn 2015-2017)….. (còn tiếp)

(TS. Nguyễn Thị Phương Hoa).

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here