Với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lai chung tươi sáng hơn”, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRI) diễn ra từ ngày 25/4, có sự tham dự của khoảng 5.000 đại biểu, trong đó có nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ của 37 quốc gia và hai tổ chức quốc tế là Liên hợp quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Đây là hội nghị quốc tế lớn lần thứ hai do Trung Quốc tổ chức theo Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) sau hai năm triển khai. Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các bên tham gia BRI tiếp tục thúc đẩy sáng kiến này hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững, chất lượng cao góp phần cải thiện đời sống dân sinh. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, xây dựng sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã mở ra không gian mới cho tăng trưởng kinh tế thế giới, tạo ra một nền tảng mới để thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế. Và việc tiếp tục duy trì các nguyên tắc là hợp tác trên tinh thần chia sẻ lợi ích, cùng nỗ lực và trên cơ sở tham vấn rộng rãi.
Quan điểm trái chiều của Mỹ và Ấn Độ
Trong khuôn khổ Sáng kiến, Trung Quốc đề xuất 5 mảng hợp tác chính: Kết nối chính sách; kết nối cơ sở hạ tầng; kết nối thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại; kết nối tài chính – tiền tệ; kết nối con người.
Theo thống kê chính thức của phía Trung Quốc, tính đến cuối tháng 3/2019, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác với 125 quốc gia – chiếm 36% GDP toàn cầu và 60% tổng dân số thế giới.
Trong ngày đầu tiên của Diễn đàn Cấp cao “Vành đai và Con đường” (BRF) đã diễn ra nhiều diễn đàn hợp tác và hội nghị các nhà doanh nghiệp. Lãnh đạo các nước cũng có các cuộc họp kín với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trước lễ khai mạc chính thức. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quốc gia giữ quan điểm cẩn trọng về hợp tác với Trung Quốc. Chẳng hạn, Ấn Độ đã hai lần liên tiếp từ chối tham gia BRF. Trong khi đó, Mỹ – nước cử quan chức Nhà Trắng tham dự tại Diễn đàn lần thứ nhất – lại không cử bất cứ quan chức nào tham gia diễn đàn năm nay, đồng thời chỉ trích Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ông Tập Cận Bình là “kế hoạch phù phiếm”.
Tháng 11/2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng chỉ trích rằng Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đã khiến các nước đang phát triển tham gia kế hoạch này phải gánh những khoản nợ khổng lồ.
Một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai
Giữa bối cảnh Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đang vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích, trong khuôn khổ BRF, các quan chức Trung Quốc đã tìm cách giải tỏa những quan ngại quanh dự án của Chủ tịch Tập Cận Bình, được trông đợi sẽ đi cùng các khoản đầu tư trị giá hơn 1.000 tỷ USD.
Trong ngày khai mạc tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn nói rằng, nước này muốn Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là một dự án bền vững. Hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu rằng, BRI không phải là một “khái niệm địa chiến lược”, mà là một phần trong nỗ lực xây dựng “một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai, giữa các quốc gia trên toàn cầu”.
Trong khi đó, Dương Hạo – Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Chính trị Đài Loan cho rằng Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc cần phải phản hồi những lo ngại của cộng đồng quốc tế về nguy cơ “bẫy nợ”, cũng như giải thích về tính minh bạch của Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Cao Chí Khải, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho rằng những chỉ trích của phương Tây về khủng hoảng nợ công do Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đem lại là không đúng. Ông giải thích rằng, sau khi xây dựng ở quy mô lớn, hiệu quả đem lại cần phải được đưa ra đánh giá, thay vì chỉ nhìn vào các khoản nợ. Theo ông, việc xây dựng các cảng có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm, giúp giá trị đất đai và nhà máy tăng lên và người hưởng lợi cuối cùng chính là người dân và chính quyền địa phương, do đó không thể chỉ nhìn vào con số vay nợ.
Tuy nhiên, vấn đề nợ vẫn là tâm điểm quan tâm của tất cả các nước. Ví dụ được sử dụng thường xuyên nhất là Sri Lanka. Do Sri Lanka không có khả năng thanh toán các khoản nợ, các tập đoàn đầu tư của Trung Quốc đã tiếp quản cảng Hambantota của nước này với thời gian thuê là 99 năm.
Trung Quốc muốn điều chỉnh lại cục diện chính trị thế giới
Ngoài vấn đề nợ công, vấn đề liệu kế hoạch “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc có đủ minh bạch hay không và liệu người dân địa phương có thể trực tiếp hưởng lợi hay không từ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” cũng gây ra những tranh cãi.
Giám đốc Dương Hạo phân tích, Nhật Bản và Hàn Quốc khi có chương trình hợp tác quy mô lớn với các nước sẽ cân nhắc các vấn đề như ưu tiên quyền con người và môi trường, nhưng Sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ không xem xét những điều này.
Trong hai lần liên tiếp tổ chức Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều đích thân tham dự. Theo giới phân tích, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là một chính sách hạt nhân về ngoại giao quan trọng nhất của ông Tập Cận Bình. Chuyên gia Dương Hạo cho rằng, mục đích của “Vành đai và Con đường” là nhằm thiết lập một hệ thống, trong đó Trung Quốc là hạt nhân, để các nước có thể hình thành mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với Trung Quốc, nhưng cấu trúc phụ thuộc lẫn nhau là sự phụ thuộc cao của các đối tác vào Trung Quốc. Ông nói: “Ở mức độ nào đó, Trung Quốc muốn điều chỉnh lại cục diện chính trị thế giới”.
Chuyên gia Cao Chí Khải cho rằng “Vành đai và Con đường” là sáng kiến có thể kéo dài 50 đến 100 năm và cần có kế hoạch dài hạn. Theo ông, “Vành đai và Con đường” là một nỗ lực để thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua các mối liên kết.
Phương Nga (theo BBC)