Chính sách kinh tế “khéo léo” của Nhật Bản trong bối cảnh mới

0
2406
Việc tăng cường mạnh mẽ các hoạt động kinh tế trong ASEAN một phần giúp Nhật Bản cân bằng được ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực, phần khác cũng sẽ giúp nước này lan tỏa được sức mạnh mềm của mình.

Chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang tăng cường sức mạnh mềm thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động thương mại phạm vi toàn cầu và các sáng kiến cho kết nối kinh tế khu vực. ASEAN đang trở thành một điểm đến trong những tính toán chiến lược của Tokyo.

Vươn xa với vai trò dẫn dắt

Khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2017, Nhật Bản là một trong những nền kinh tế kiên quyết cùng các thành viên khác hình thành lên một “phiên bản” khác của TPP là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP hiện có 11 thành viên, bao gồm một số nước thành viên ASEAN. Một CPTPP thành công đang khích lệ Hàn Quốc, một số thành viên khác của ASEAN và thậm chí cả Anh – quốc gia đang đối mặt với Brexit không thỏa thuận, cân nhắc việc tham gia.

Không chỉ “hăng hái” trong CPTPP, Nhật Bản còn ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Liên minh châu Âu (EU), EPA có hiệu lực vào ngày 1/2/2019. Chính phủ Nhật Bản ước tính, CPTPP và EPA với EU sẽ góp phần tạo ra thêm 750.000 việc làm và thêm 7,8 tỷ USD cho nền kinh tế xứ sở mặt trời mọc. Người tiêu dùng Nhật Bản được hưởng lợi từ giá cả cạnh tranh trên các mặt hàng tiêu dùng như thịt bò, rượu vang hay socola. Đằng sau những lợi ích về kinh tế, nỗ lực đạt được những thỏa thuận kinh tế đa phương sẽ góp phần tăng cường đáng kể sức mạnh mềm của Nhật Bản trên trường quốc tế.

Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia đi đầu trong việc đảm bảo những lợi ích kinh tế của khu vực thông qua đảm bảo giải quyết các thách thức đối với tự do thương mại, thúc đẩy toàn cầu hóa và tăng cường kết nối thông qua tăng cường hội nhập kinh tế khu vực.

Trước tiên, Nhật Bản có thể trở thành một trong các “leaders” trong các cải cách cần thiết và cấp bách của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những cải cách mà WTO cần phải tập trung trong thời điểm hiện nay bao gồm việc tăng cường hơn nữa các cơ chế hiện hành về thương mại và dịch vụ, giải quyết tranh chấp, xử lý các khác biệt, các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng về kinh tế một cách mạnh mẽ tới nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực, Nhật Bản có thể cạnh tranh lành mạnh với Trung Quốc.

Ngoài ra, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc gia tăng, Nhật Bản có thể cùng các thành viên khác của CPTPP thu hút nhiều nền kinh tế khác tham gia, thiết lập các tiêu chuẩn cho Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà ASEAN làm trung tâm, nâng cao các tiêu chuẩn cho Hiệp định thương mại tự do (FTA) Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc cũng như thúc đẩy hiệp định thương mại hàng hóa Nhật Bản – Mỹ (TAG). Các nền kinh tế không phải là thành viên của RCEP hay CPTPP nhưng là thành viên APEC cũng có thể hướng tới đàm phán Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

“Trở lại” với ASEAN

Đối với thị trường các nước ASEAN, trong năm 2017, EU có số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào ASEAN (18,3% tương đương với 25 tỷ USD), sau đó là Nhật Bản (9,9% tương đương với 13,4 tỷ USD), Trung Quốc (8,4% tương đương với 11,4 USD tỷ) và Mỹ (3,2 % tương đương 4,3 tỷ USD).

Các tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản đã có sự hiện diện mạnh mẽ tại thị trường các nước ASEAN từ những năm 1980 và 1990, tạo ra nhiều việc làm trong khu vực. Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản và Trung Quốc đóng vai trò tương đối quan trọng, được coi như một động lực tăng trưởng về thương mại và đầu tư cho nhóm Asean-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan). Tuy vậy, đầu những năm 2000, lượng đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN có sự suy giảm và bị tụt xuống vị trí thứ 4 trong nhóm các nước có đầu tư lớn nhất vào ASEAN. Chỉ đến những năm gần đây, Nhật Bản thực hiện một chiến dịch quay trở lại ASEAN, một chính sách nhằm giảm sự phụ thuộc lớn của Nhật Bản vào các cơ sở sản xuất và thị trường Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, tính đến năm 2017, ba nhà đóng góp hàng đầu FDI cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương là Nhật Bản (264 tỷ USD), Singapore (217 tỷ USD) và Mỹ (134 tỷ USD).

ASEAN hiện là một thị trường lớn với dân số 630 triệu người, bằng gần một nửa dân số Trung Quốc. Với tầng lớp trung lưu mở rộng nhanh chóng, chi phí lao động tương đối rẻ hơn và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Lào, ASEAN có thể là tổ chức kinh tế lớn thứ tư sau Mỹ, Trung Quốc và EU vào năm 2030.

Do đó, ASEAN là một thị trường rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Việc tăng cường mạnh mẽ các hoạt động kinh tế trong ASEAN một phần giúp Nhật Bản cân bằng được ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực, phần khác cũng sẽ giúp nước này lan tỏa được sức mạnh mềm của mình.

Theo bà Yuri Sato, Phó chủ tịch điều hành Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản JETRO, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty Nhật Bản nhưng vẫn gián tiếp gây ra những tác động tiêu cực như gây tâm lý bất ổn, giảm triển vọng lợi nhuận. Đây có thể là một yếu tố thúc đẩy dòng vốn đầu tư của Nhật Bản sang các thị trường ổn định hơn tại Đông Nam Á.

Theo bà, mặc dù vẫn còn một vài hạn chế trong môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng, tuy nhiên các nước ASEAN vẫn là điểm đến đầy sức hấp dẫn với các công ty Nhật Bản. Xu hướng dịch chuyển của các công ty Nhật Bản sang khu vực ASEAN được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa, tập trung trong các ngành sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ.

Hà Phương (theo Business Times)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here