Theo công bố ngày 18/10/2021 của Cơ quan Giám sát Xu hướng Đầu tư của UNCTAD, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu trong nửa đầu năm 2021 ước tính đạt 852 tỷ USD, cho thấy đà phục hồi mạnh hơn dự kiến. Mức tăng trong hai quý đầu tiên đã khôi phục hơn 70% thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm 2020.
Tuy nhiên, mức độ hồi phục FDI không đồng đều giữa các nền kinh tế và các lĩnh vực. 75% trong tổng “mức tăng phục hồi” của dòng vốn FDI toàn cầu trong nửa đầu năm 2021 (373 tỷ USD) được ghi nhận ở các nền kinh tế phát triển. Trong khi các nước thu nhập cao tăng hơn gấp đôi dòng vốn FDI hàng quý, các nền kinh tế thu nhập thấp (LDCs) lại sụt giảm thêm 9%.
Các nền kinh tế phát triển có mức tăng mạnh nhất, với vốn FDI ước tính đạt 424 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021 – gấp hơn ba lần so với mức thấp nhất vào năm 2020. Ở Châu Âu, một số nền kinh tế lớn đã có mức tăng đáng kể, và tính trung bình chỉ kém khoảng 5% so với mức tăng hàng quý trước đại dịch. Dòng tiền vào Hoa Kỳ đã tăng 90%, hoàn toàn được thúc đẩy bởi sự gia tăng các thương vụ mua bán và sáp nhập xuyên biên giới.
Dòng vốn FDI vào các nền kinh tế đang phát triển cũng tăng đáng kể, đạt tổng cộng 427 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, với mức tăng nhanh ở Đông và Đông Nam Á (+ 25%), sự phục hồi gần mức trước đại dịch ở Trung và Nam Mỹ và mức tăng ở một số nền kinh tế khác trên khắp Châu Phi, Tây và Trung Á.
Triển vọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng tốt do các gói kích thích COVID-19, nhưng đầu tư vào công nghiệp vẫn còn yếu. Sự phục hồi của dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) ở các nước đang phát triển, vốn bị thiệt hại đáng kể trong thời kỳ đại dịch với mức giảm hai con số trên hầu hết các lĩnh vực, vẫn còn mong manh. Số lượng các dự án đầu tư liên quan đến SDG ở các nước kém phát triển nhất tiếp tục giảm mạnh.
Theo UNCTAD, triển vọng FDI toàn cầu trong cả năm đã được cải thiện so với những dự báo trước đó. Động lực hiện tại và sự tăng trưởng của nguồn vốn dự án quốc tế có khả năng đưa dòng vốn FDI trở lại vượt mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, thời gian kéo dài của cuộc khủng hoảng y tế và tốc độ tiêm chủng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, cũng như tốc độ thực hiện các gói kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng, vẫn là những yếu tố không chắc chắn quan trọng. Các yếu tố rủi ro quan trọng khác, bao gồm tắc nghẽn về lao động và chuỗi cung ứng, giá năng lượng và áp lực lạm phát, cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của năm.
(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)