Doanh nghiệp Việt Nam nên ứng phó thế nào trước thách thức về phòng vệ thương mại?

0
76
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 128 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Phía các cơ quan quản lý cảnh báo, dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến nhiều nước nhập khẩu sử dụng triệt để các biện pháp phòng vệ thương mại cho việc bảo vệ sản xuất trong nước. (Nguồn: Medium)

Theo Cục Phòng vệ thương mại, trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) lại vừa cập nhật thêm danh sách cảnh báo 10 sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 5/2021, danh sách theo dõi bao gồm 10 mặt hàng được xác định có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm các mặt hàng: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đá nhân tạo, gạch men, xe đạp điện, ống đồng, vỏ bình ga, ghim đóng thùng, gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục.

Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến hết tháng 9/2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ kiện phòng vệ thương mại, với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỉ USD. Đáng chú ý, số lượng và kim ngạch các vụ việc đang tăng nhanh trong thời gian qua. Nếu cả năm 2019 mới ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới nhưng chỉ 9 tháng của 2020 đã ghi nhận đến 32 vụ kiện. Đa số hàng hóa bị điều tra  phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất.

Trên thực tế, phía các cơ quan quản lý cảnh báo, dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến nhiều nước nhập khẩu sử dụng triệt để các biện pháp phòng vệ thương mại cho việc bảo vệ sản xuất trong nước. Cùng với đó, một loạt các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có hiệu lực thực thi đã dẫn đến chiều hướng gia tăng các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Dù đã tích lũy được ít nhiều năng lực và kinh nghiệm về phòng vệ thương mại, nhưng mức độ hiểu biết về các biện pháp này của doanh nghiệp trong nước vẫn là chưa đầy đủ dẫn đến sự lúng túng nhất định khi phải đối mặt giải quyết tranh chấp.

Theo nhận định của Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), bà Nguyễn Thị Thu Trang, trong các hiệp định thương mại tự do mới hay truyền thống luôn có nội dung cốt lõi, đó là tự do hóa thương mại hàng hóa thông qua việc loại bỏ phần lớn các hàng rào thuế quan.

Chính vì vậy sẽ dẫn tới việc tăng lưu lượng hàng hóa xuất khẩu với các đối tác trong hiệp định thương mại đã ký kết. Phòng vệ thương mại với tính chất là công cụ có thể được dùng để hạn chế lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm thay thế cho công cụ thuế quan đã bị loại bỏ dự báo cũng sẽ tăng lên.

Có thể thấy, trong chừng mực nhất định cùng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thì doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú ý đến nguy cơ các biện pháp phòng vệ thương mại được sử dụng nhiều hơn.

Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động tự bảo vệ khi bước vào thị trường lớn. Từ các trường hợp thực tế, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, đối với phòng vệ thương mại, các thị trường lớn sử dụng công cụ này đối với các hàng hóa có năng lực cạnh tranh tốt và xuất khẩu mạnh của Việt Nam.

Ví dụ như ở thị trường Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) tiến hành điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như thủy sản, giày da,…

Thời gian gần đây, không chỉ là những thị trường lớn hay mặt hàng có thế mạnh mà ngay cả những mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam mới tìm được con đường xuất khẩu hoặc thấy được tiềm năng xuất khẩu thì đã là đối tượng của các vụ kiện phòng vệ thương mại. Đặc biệt điều này đang diễn ra ở những thị trường nhỏ và ngay cả ở khu vực ASEAN.

Kiện phòng vệ thương mại là quá trình đấu tranh pháp lý, kỹ thuật để doanh nghiệp có thể bảo vệ trước khiếu nại của các ngành sản xuất nội địa ở các thị trường nhập khẩu. Vì vậy, việc doanh nghiệp có thể đạt được kết quả thế nào trong các vụ kiện phòng vệ thương mại phụ thuộc rất nhiều vào chính nỗ lực của doanh nghiệp trong việc chuẩn bị.

Kiện phòng vệ thương mại là hình thức tương đối đặc thù và phức tạp, việc chuẩn bị cho các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài của doanh nghiệp phải tiến hành không chỉ khi vụ kiện đã xảy ra mà ngay cả trước khi có vụ kiện.

Các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những giấy tờ, chứng từ để chứng minh cho chi phí sản xuất. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần duy trì hệ thống kế toán minh bạch, bởi khi vụ kiện đã xảy ra thì không quay trở lại để sắp xếp.

Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi các hệ thống cảnh báo về nguy cơ phòng vệ thương mại để chuẩn bị trước. Bởi sớm một ngày thì doanh nghiệp có lợi một ngày.

Hiện có những hệ thống cảnh báo như từ các đối tác của doanh nghiệp ở nước ngoài, từ cơ quan quản lý nhà nước như Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội ngành nghề…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị về nguồn nhân lực, vật lực cho các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, “khi bị kiện phòng vệ thương mại thì doanh nghiệp cũng cần xác định chiến lược của mình ở thị trường bị kiện. Không phải bất kỳ vụ kiện nào cũng phải tham gia đến cùng, nếu doanh nghiệp xác định đó là thị trường không thể bỏ được thì đầu tư tham gia. Còn nếu xác định là thị trường tạm thời hay tập trung vào thị trường khác thì doanh nghiệp cần chuyển hướng và không nên quá để ý.

Khi tham gia vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản và trong bất kỳ vụ kiện nào, sự tham gia của một mình doanh nghiệp là chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ về mặt pháp lý của chuyên gia về lĩnh vực này”, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang tư vấn.

Gia An

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here