Thống kê của Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho thấy, sau 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường này và đạt được những kết quả tích cực.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp CPTPP với chủ đề: “Tận dụng ưu thế của người đi đầu” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến ngày 26/12.
Vụ Chính sách thương mại đa biên thông tin, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6% so với năm 2020.
Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ.
Trong đó, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đó gồm Canada và Mexico đã có kim ngạch tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Hội nghị, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thông tin, để thực thi hiệu quả CPTPP, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp bao gồm: Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định CPTPP; Tăng cường phổ biến, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; Tích cực trao đổi với các nước thành viên CPTPP để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi.
Mặc dù đã tận dụng khá tốt cơ hội từ thị trường CPTPP, nhưng các chuyên gia cũng nhận thấy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để khai thác tốt hơn cơ hội xuất khẩu vào thị trường này.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lương Hoàng Thái cho hay, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng Việt Nam sang thị trường các nước đối tác CPTPP có tỷ lệ tận dụng là tích cực, nhưng giá trị mặt hàng còn khiêm tốn, tỷ lệ thị phần tại các thị trường này chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.
“Cơ hội tận dụng ưu đãi từ hiệp định chưa thực sự cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, còn nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa giải quyết được những vướng mắc về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế của Hiệp định CPTPP.
Ngoài ra, nhận thức về Hiệp định CPTPP của một bộ phận cán bộ, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế và còn chưa thực sự chủ động trong việc tìm hiểu và tận dụng cơ hội từ CPTPP”, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhận định.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Hiệp, đại diện Tập đoàn PAN đánh giá, CPTPP tạo ra một cú hích cho các sản phẩm nông nghiệp. Nhiều sản phẩm của PAN như gạo Vinaseed, hạt điều Lafooco… từng bước chiếm được thị phần ở Mỹ Latinh.
Dù CPTPP tạo ra những ưu đãi về thuế quan nhưng Nguyễn Hồng Hiệp cho rằng, phía doanh nghiệp vẫn gặp khó về chi phí logistics, khoảng cách địa lý. Bên cạnh đó, tại khu vực Mỹ Latinh, ngôn ngữ sử dụng chính là tiếng Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha, trong khi doanh nghiệp Việt Nam quen làm việc bằng tiếng Anh. Điều này gây cản trở về việc công khai, minh bạch thông tin, cũng như dán tem mác, bao bì.
Đại diện Tập đoàn PAN nhấn mạnh: “Song song với đó, hàng hóa Việt Nam mới thâm nhập thị trường các thành viên CPTPP nên năng lực sản xuất còn bị nghi ngờ, thương hiệu đôi lúc còn bị nhầm lẫn với Trung Quốc hoặc các nước ASEAN”.
Trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều thay đổi, Vụ Chính sách thương mại đa biên nhận định, lợi thế người đi đầu của Việt Nam không còn kéo dài. Do đó, thời gian tới, Vụ này đưa ra năm giải pháp để doanh nghiệp tiếp tục tận dụng tốt thị trường tiềm năng này.
Cụ thể như: Định hướng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa; Phát triển thương mại điện tử để doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư trực tuyến; Tăng cường tổ chức các hội chợ giới thiệu hàng Việt Nam; Kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với ngân hàng để có nguồn vốn ưu tiên; Khuyến khích các bên tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.
Gia Thành