Theo số liệu khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc công bố ngày 22/5, các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đang phải đối mặt với tác động tiêu cực của cọ sát thương mại Mỹ-Trung đang ngày càng gia tăng, gần 47% các doanh nghiệp thành viên Phòng thương Mỹ tại Trung Quốc cho biết, ngoài các mức thuế được thực hiện gần đây, họ đang phải đối mặt với các biện pháp trả đũa, như: làm thủ tục hải quan chậm hơn, bị kiểm tra nhiều hơn và bị trì hoãn phê duyệt cấp phép.
Khoảng 1/3 trong số 239 công ty Mỹ được khảo sát cho biết họ sẽ hủy bỏ hoặc hoãn đầu tư vào Trung Quốc, khoảng 40% cho biết họ đang xem xét chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động của thuế quan, trong đó Đông Nam Á và Mexico là điểm đến được ưa thích nhất.
Chưa đầy hai tuần trước, Hoa Kỳ đã tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc và Trung Quốc cũng thực hiện biện pháp tương tự đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ vào Trung Quốc.
Khi tranh chấp ngày càng sâu sắc, Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp quyết liệt đối với nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc. Hoa Kỳ trên thực tế đã cấm Huawei vào thị trường Mỹ với lý do an ninh quốc gia. Ngày 20/5, Google cho biết họ sẽ không cung cấp cho Huawei một số dịch vụ liên quan đến hệ điều hành Android được sử dụng bởi điện thoại Huawei.
Cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc là tín hiệu thứ hai từ giới doanh nghiệp nước ngoài trong tuần này về môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đi xuống do tác động của cọ sát thương mại Trung-Mỹ.
Trước đó, khảo sát do Phòng Thương mại Châu Âu công bố ngày 20/5, 53% số người tham gia khảo sát cho rằng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn trong năm 2018.
Khoảng 20% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy áp lực phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc (tỷ lệ này 2 năm trước là 10%). Chuyển giao công nghệ là một vấn đề quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Mỹ tuyên bố rằng các công ty Mỹ thường bị buộc phải tiết lộ bí mật thương mại nhạy cảm để đổi lấy tiếp cận thị trường.
(Nguồn: ĐSQVN tại Bắc Kinh, Trung Quốc)