Kết quả chỉ số Môi trường Kinh doanh (Business Climate Index – BCI) mới nhất từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, các doanh nghiệp châu Âu kết thúc năm 2020 với góc nhìn lạc quan về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam.
BCI tăng 6 điểm trong quý 4 năm 2020, đạt 63,6 điểm phần trăm – ghi nhận ở mức cao nhất kể từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19. Tổng cộng, chỉ số này đã tăng 37 điểm kể từ năm ngoái, sau khi ghi nhận mức điểm thấp kỷ lục trong quý I với sự bùng phát dịch COVID-19 lần thứ nhất. Kể từ đó, BCI đã duy trì mức tăng trưởng tích cực khi Việt Nam đối phó thành công với đại dịch và kết hợp thực thi Hiệp định EVFTA, cải thiện niềm tin vào nền kinh tế và thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Khi được hỏi về triển vọng kinh tế Việt Nam trong quý tới, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có tâm lý lạc quan khi cho rằng năm 2021 nền kinh tế được cải thiện. Chỉ 10% tin rằng nền kinh tế có khả năng xấu đi trong quý tới. 57% thành viên EuroCham tham gia khảo sát dự đoán sự “ổn định và cải thiện” sẽ được duy trì trong 3 tháng đầu năm 2021. So với 39% trong quý 3 năm 2020, sự tự tin về triển vọng kinh tế tăng tới 18%. Điều này cho thấy sự lạc quan về triển vọng kinh tế đã tăng 18% so với quý 3 năm 2020 (chỉ ở mức 39%).
Mặt khác, các ý kiến khảo sát cho rằng, ở Việt Nam, ngoài việc hạn chế đi lại quốc tế đang diễn ra thì việc kinh doanh vẫn diễn ra như thường lệ. Do đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu lạc quan hơn về hiệu quả kinh doanh của họ, thậm chí dự đoán rằng hiệu quả hoạt động quý 4 sẽ cải thiện đáng kể.
Đánh giá về triển vọng của doanh nghiệp, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam thận trọng trông đợi một năm tuyệt vời sắp tới. Họ hy vọng về sự cải thiện của nền kinh tế và khoảng 30% doanh nghiệp có kế hoạch tăng số lượng nhân viên. 57% dự đoán sẽ duy trì mức tương tự. Trong khi đó, 30% người tham gia khảo sát dự đoán đầu tư sẽ phát triển. 43% lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán các đơn đặt hàng và doanh thu sẽ tăng trưởng trong quý tới và sẽ tăng vừa phải hoặc đáng kể. Tâm lý lạc quan trong quý III tiếp tục ổn định và tăng lên trong quý IV. Điều này cho thấy một động lực cho tăng trưởng trong năm 2021 nói chung và quý I nói riêng.
Một dấu hiệu đáng khích lệ, với việc EVFTA đã đi vào hiệu lực từ ngày 1/8, 70% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, họ đã được hưởng lợi từ EVFTA. Tuy nhiên, 33% cũng cho rằng “thủ tục hành chính” là thách thức, rào cản lớn khi áp dụng EVFTA trong kinh doanh. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc giám sát việc thực thi Hiệp định.
Theo Chủ tịch EuroCham ông Nicolas Audier, khảo sát cho thấy một bức tranh tích cực về môi trường kinh doanh của Việt Nam và định hướng triển vọng năm 2021. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào nền kinh tế ngày càng được củng cố trong một năm qua là minh chứng cho việc chính phủ Việt Nam xử lý thành công đại dịch COVID-19 và hợp tác xúc tiến EVFTA, tạo ra một nền tảng cho tăng trưởng kinh tế – xã hội 5 năm tới của Việt Nam.
“Với các tác động tích cực của Hiệp định EVFTA, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng sự tăng trưởng thương mại và đầu tư mà hiệp định sẽ mang lại. Đồng thời cũng nêu rõ một số vấn đề cần được giải quyết để đảm bảo việc thực hiện Hiệp định diễn ra suôn sẻ và thành công”, ông Nicolas Audier nhận định.
Ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam bổ sung, xu hướng nhận thức tích cực của các doanh nghiệp châu Âu cho thấy niềm tin ngày càng tăng vào môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam. Điều này trái ngược với tình hình ở các nơi khác trên thế giới.
“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, sự tự tin về tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam đang có đà tăng trưởng trên diện rộng. Các lãnh đạo doanh nghiệp EU kỳ vọng và dự đoán khối lượng nhân sự sẽ tăng khoảng 33% trong quý đầu tiên của năm 2021. Cao hơn 10% so với 23% được dự đoán trong quý thứ ba năm 2020. Trong khi đó, 30% lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng đầu tư của họ trong quý tới, tăng từ 20% trong quý 3 năm 2020”, đại diện YouGov Việt Nam nhấn mạnh.
(Vũ Khuê/vneconomy.vn)