Vietnam Briefing: Kế hoạch đầu tư công của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng với nhà đầu tư nước ngoài

0
107
Cầu Mỹ Thuận. (Nguồn: Mt.gov)
Cầu Mỹ Thuận – một dự án kết nối giao thông quan trọng. (Nguồn: Mt.gov)

Trang Vietnam Briefing của hãng Dezan Shira & Associates (chuyên tư vấn hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài trên khắp châu Á) ngày 2/2 thảo luận những lý do khiến kế hoạch đầu tư công tác động đến các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo bài viết, đầu tư công là một thành phần quan trọng của quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 và dự kiến tập trung vào các hạng mục cơ sở hạ tầng giúp tăng kết nối nội vùng. Trong tương lai, sự tham gia của vốn nước ngoài vào các dự án này được kỳ vọng có thể sẽ tăng lên và cơ hội hợp tác công tư có thể thu hút các công ty nước ngoài vào các lĩnh vực như giao thông và cơ sở hạ tầng.

Sau đây là 3 lý do khiến kế hoạch đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài:

Thứ nhất là đóng góp cho GDP. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các động lực chính của tăng trưởng kinh tế như tiêu dùng và đầu tư tư nhân đều suy giảm. Bất chấp những tác động này, Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 2,9% vào năm 2020. Điều này mang lại hiệu quả cao hơn trong việc phân phối vốn.

Đầu tư công gia tăng dẫn đến tăng tổng cầu, niềm tin của nhà đầu tư và hoạt động kinh tế ở các khu vực dự kiến được đầu tư. Ví dụ, đầu tư công giúp ngành xây dựng tăng trưởng 6,7% trong năm 2020. Do đó, nhu cầu về vật liệu, công nghệ và lao động cũng tăng lên.
Tổng cục Thống kê ước tính, cứ tăng 1% chi tiêu công thì GDP tăng 0,06%. Do đó, chương trình đầu tư công đóng một vai trò quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam vào năm 2020 và trong 4 năm tới. Các lĩnh vực như xây dựng, giao thông, tiện ích và vật liệu cũng sẽ nhận được các tác động lan tỏa.

Thứ hai là các dự án kết nối giao thông. Một phần đáng kể trong số các khoản đầu tư công này nhắm vào các dự án kết nối quan trọng, gồm mạng lưới đường ven biển, cầu Mỹ Thuận, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và cụm phía Đông của đường cao tốc Bắc – Nam.

Dự án đường cao tốc Bắc – Nam có quy mô 654 km, 13 gói thầu xây lắp, tổng giá trị ước tính 5 tỷ USD. Nằm trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 có 3 dự án trọng điểm của tuyến cao tốc này: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây. Chính phủ kỳ vọng ba dự án này sẽ giảm thiểu đáng kể ùn tắc, đáp ứng nhu cầu đi lại, giảm chi phí vận tải và thời gian cho các công ty trong nước. Tương tự, đường ven biển là một thành phần quan trọng trong nỗ lực đầu tư của chính phủ vào cơ sở hạ tầng giao thông và kết nối.

Việc tập trung vào kết nối và cơ sở hạ tầng giao thông là một động thái đáng hoan nghênh đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách tối đa hóa hiệu quả thu được từ Việt Nam. Trong những năm gần đây, nhiều đường cao tốc, sân bay và bến cảng lâm vào tình trạng tắc nghẽn và áp lực nhu cầu ngày càng tăng.

Thứ ba làcơ hội cho các công ty nước ngoài và các quan hệ đối tác công tư (PPP). Ngoài việc tăng khối lượng và hiệu quả đầu tư công, Việt Nam cũng có kế hoạch tăng cường sự tham gia của tư nhân và vốn nước ngoài vào các dự án này.
Kênh chính của hoạt động này là đối tác công tư thuộc Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam.

Việt Nam đã ban hành luật mới điều chỉnh quan hệ đối tác công tư. Luật tập trung vào 5 lĩnh vực: giao thông vận tải, y tế, giáo dục, lưới điện và nước. Các dự án PPP trong các lĩnh vực này cũng sẽ được gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp ưu tiên, cơ cấu phí sử dụng đất ưu đãi và hỗ trợ tín dụng.

Luật cũng chỉ ra rằng, để đủ điều kiện là một dự án PPP, cần có cam kết vốn đầu tư tối thiểu là 8,5 triệu USD, với vốn đầu tư công giới hạn ở mức 50% giá trị dự án. Để tăng tính hấp dẫn của mô hình PPP đối với các doanh nghiệp nước ngoài, chính phủ cũng phát đi tín hiệu sẵn sàng đưa ra các bảo đảm về khả năng tiếp cận và các hình thức sử dụng đất.

Dự kiến, luật PPP mới có thể dẫn đến tăng trưởng xây dựng trung bình hàng năm là 6,8% từ năm 2021 đến năm 2029. Điều này có thể làm tăng cơ hội thị trường trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, xây dựng, quản lý dự án và hàng công nghiệp có giá trị cao. Hiện tại, các công ty từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đang tham gia tích cực vào thị trường cơ sở hạ tầng giao thông và có khả năng sẽ có nhiều công ty nước ngoài tham gia vào các dự án này trong trung hạn.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here