Khảo sát cho thấy, có 4/10 doanh nghiệp Việt Nam từng hưởng lợi từ EVFTA. Điều đó khẳng định, những nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan quản lý ở cấp Trung ương và địa phương, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua đã “đơm hoa kết trái”.
Tại Hội nghị Tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA): Những thành quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại và giải pháp tận dụng hiệu quả, do Bộ Công thương vừa tổ chức ngày 27/12, bên cạnh chỉ ra những thành tựu trong tận dụng hiệu quả thị trường châu Âu, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng nêu những tồn tại, giải pháp khắc phục để xuất khẩu sâu hơn vào thị trường này.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy phụ trách Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis, EVFTA là một trong những hiệp định thế hệ mới thành công nhất của EU và được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình của các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong tương lai.
Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN sau 2 năm thực thi EVFTA. Đây là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU; trong đó, cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, sau hơn 2 năm (1/8/2020-12/2022) thực hiện Hiệp định EVFTA, tăng trưởng xuất nhập khẩu 2 chiều Việt Nam-EU đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, mặc dù EVFTA được thực thi vào thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở châu Âu và trên toàn thế giới nhưng trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu sang EU nói riêng vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3%. Sang năm thứ hai đạt 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9%; trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17%.
Riêng trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21%. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may (tăng 24%), giày dép (tăng 19%), thủy sản (tăng 41%)…
“Một điểm sáng nữa trong hoạt động xuất khẩu sang EU là tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 đạt khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 244% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi là 25,1%, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Có thể khẳng định Hiệp định EVFTA đã tạo ra cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Những kết quả tích cực nói trên cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối hiệu quả các cơ hội từ EVFTA.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 4/10 doanh nghiệp Việt Nam đã từng hưởng lợi từ EVFTA. Điều đó cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan quản lý ở cấp Trung ương và địa phương, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua đã “đơm hoa kết trái”.
Bên cạnh đó, EVFTA đang tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam.
Thống kê cho thấy, sau hai năm triển khai EVFTA, nông sản và hàng hóa của Việt Nam đang ngày càng được mở rộng ở thị trường châu Âu do lợi thế của EVFTA mà các đối thủ cạnh tranh khác chưa có. Hầu hết các mặt hàng nông sản xuất sang EU được hưởng thuế suất 0%. Đây cũng là lợi thế mà Việt Nam có được so với các đối thủ cạnh tranh khác như các nước ASEAN, châu Mỹ, Nam Á…
EU là một trong bốn thị trường xuất khẩu nông-lâm-thủy sản lớn nhất của Việt Nam sau Mỹ, Trung Quốc và ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang EU 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, một số mặt hàng chứng kiến mức tăng rất cao so với cùng kỳ như cà phê (+87%), gạo (+17%), thủy sản (+4,77%), hạt tiêu (+71%).
Tuy nhiên, sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, nhiều doanh nghiệp đã chỉ ra những khó khăn xuất hiện như việc thuế giảm không bù nổi cho cước phí tàu biển tăng khiến giá thành sản phẩm vẫn chưa thể cạnh tranh. Không chỉ chi phí cho logistics bị đội giá mà ngay cả phí nhân công cũng tăng cao dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa thể thay đổi tổ chức sản xuất để đáp ứng yêu cầu từ thị trường EU.
Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng xanh được dự báo sẽ bùng nổ cũng là thách thức đặt ra với doanh nghiệp trong việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Bởi, thực tế cho thấy, việc đáp ứng “tiêu chuẩn xanh” đã trở thành xu thế nên bất kỳ ngành hàng, doanh nghiệp nào cũng phải đáp ứng nếu không muốn nằm ngoài cuộc đua.
Dư địa và cơ hội từ thị trường EU còn rất rộng lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc khi tiếp cận thị trường này, cả về lý do chủ quan và khách quan.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay, thương hiệu Việt Nam chưa được xây dựng hoặc chưa được biết đến nhiều tại các nước châu Âu, giá trị và lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam thu về còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Trao đổi sâu hơn về nội dung này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, có 7 nhóm mặt hàng bao gồm cả công nghiệp và nông nghiệp là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU, bao gồm: Máy vi tính; dệt may; máy móc và thiết bị; giày dép; rau quả tươi, rau củ quả chế biến; thuỷ sản; gạo.
Dư địa để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU là rất lớn, tuy nhiên, để tăng tính bền vững khi xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề chất lượng. Cụ thể, cần kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu vào thị trường này.
Công bố mới đây của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho thấy: có tới hơn 73% doanh nghiệp Đức tin rằng việc thực thi Hiệp định EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh của họ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, phía doanh nghiệp Đức mong muốn Việt Nam cần đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thành thạo kỹ năng vận hành sản xuất. Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút tốt hơn đầu tư từ Đức và các quốc gia khác.
Đại diện Bộ Công Thương, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, thời gian tới để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả thị trường EU thông qua EVFTA, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung xử lý vấn đề kết nối cho doanh nghiệp thông qua cập nhật và nâng cấp cổng thông tin FTA (FTAP), để kết nối với toàn bộ trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, hiệp hội.
Ngoài ra, Bộ triển khai đánh giá việc thực thi FTA tại các tỉnh, thành phố thông qua chỉ số FTA INDEX, bộ chỉ số này dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2023.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ có các chương trình tập huấn dành cho các doanh nghiệp; thúc đẩy các giải pháp cụ thể như triển khai tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tận dụng FTA, thúc đẩy kết nối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.
Trần Liễu