Diễn đàn Bác Ngao 2019 diễn ra từ 26-29/3 tại Hải Nam được coi là một trong những hoạt động “ngoại giao chủ nhà” quan trọng của Trung Quốc trong năm nay. Như thường lệ, Diễn đàn Bác Ngao năm nay ít thảo luận về các vấn đề gây tranh cãi, như cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, hay suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn Bác Ngao Châu Á năm 2019, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định, các bên cần tích cực thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, thích ứng với sự thay đổi của cục diện chính trị, tuy nhiên cải cách không chỉ để phục vụ lợi ích của một số ít quốc gia, và cần tìm ra điểm tương đồng lớn nhất. Trung Quốc mong muốn tìm kiếm những cải cách cần thiết với Tổ chức Thương mại Thế giới, tuy nhiên cũng cần kiên trì những nguyên tắc cốt lõi. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng khẳng định, Trung Quốc cần tiến hành chỉnh sửa toàn diện các quy định pháp luật và văn bản mang tính chính sách, kiên quyết sửa đối vấn đề thiếu nhất quán liên quan đến cạnh tranh công bằng trong “Luật đầu tư nước ngoài” và các nguyên tắc cải cách mở cửa. Trước tháng 06 năm nay, Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai sửa đổi và công bố danh mục các lĩnh vực hạn chế với đầu tư nước ngoài.
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Luxemburg Xavier Bettel đang tham dự Diễn đàn Châu Á Bác Ngao năm 2019, ngày 27/3, Chủ nhiệm Uỷ ban Cải cách Phát triển Trung Quốc Ninh Cát Triết đã cùng Đại sứ Luxemburg tại Bắc Kinh ký kết Bản ghi nhớ hợp tác cùng thúc đẩy xây dựng Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Như vậy tiếp sau Italia, Luxemburg đã trở thành quốc gia Tây Âu thứ hai tham gia ký kết hợp tác với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định, kinh tế Trung Quốc-Luxemburg có tính bổ trợ mạnh mẽ, Trung Quốc sẵn sàng cùng Luxemburg mở cửa với nhau, tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế, đi sâu hợp tác thực tiễn, đặc biệt là hợp tác tài chính nhằm thực hiện cùng phát triển.
Phó Tổng thư kí Diễn đàn, nguyên Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên bày tỏ, “Trung Quốc không chỉ phát biểu cho mình, đồng thời còn phát biểu theo lẽ phải (trượng nghĩa chấp ngôn) cho các quốc gia đang phát triển khác, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện như vậy”. Ông Chu Tiểu Xuyên cũng cho rằng, trong quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, Trung Quốc đã cắt giảm đáng kể các hành vi can thiệp thị trường, tuy nhiên không tránh khỏi việc xuất hiện các hành vi can thiệp này. Một số can thiệp còn do sự hiểu nhầm của hai bên tạo ra. Nhưng Trung Quốc rất sẵn sàng loại bỏ những can thiệp này. Cần hiểu rõ Trung Quốc là một nước lớn, trong quá trình triển khai quyết sách có thể xuất hiện sự thiếu thống nhất giữa chính phủ trung ương và địa phương, nhưng đây không phải là quyết định của chính phủ Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, việc đối diện với sự phê phán trực tiếp của các bên có thể giúp Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình cải cách và mở cửa. Ông Chủ Tiểu Xuyên cũng khẳng định, gia nhập WTO đã thúc đẩy các cải cách trong nước của Trung Quốc, thông qua cải cách giá và thuế, hệ thống giá trong nước của Trung Quốc đã trở nên phù hợp hơn với hệ thống giá quốc tế. Trong quá trình này, chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực cắt giảm các trợ cấp, và đã không còn tiến hành trợ cấp mang tính hệ thống cho các doanh nghiệp vốn nhà nước.
Hai phiên đầu tiên của Diễn đàn mang chủ đề: “Triển vọng kinh tế thế giới 2019: các nhân tố xác định và không xác định”, và “Ký ức 70 năm và 40 năm: bước vào thời đại mới của Trung Quốc”. Điều này cho thấy, Trung Quốc đang muốn chuyển đi một thông điệp: dù kinh tế thế giới có tồn tại các nhân tố không xác định, nhưng Trung Quốc vẫn duy trì sự tự tin riêng. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quỹ Tiền tế Quốc tế IMF nhận định, kinh tế thế giới đang phải đối mặt với hai nhân tố không xác định là chính sách thương mại của các bên và khả năng đối diện tình huống thắt lưng buộc bụng về tài chính. Theo đó, nếu xuất hiện việc Mỹ tiếp tục tăng thuế quan đối với hàng hóa thương mại xuất khẩu của Trung Quốc, và mức áp thuế cao tới 25% sẽ gây tác động xấu tới nền kinh tế Châu Á, thậm chí khiến tăng trưởng GDP của Châu Á giảm 0,9%. Ngoài ra, nếu xảy ra tình hình tài chính bị thắt chặt đột ngột, điều này cũng có thể khiến tăng trưởng GDP của thế giới giảm 0,75%.
Tin từ ĐSQVN tại Trung Quốc (theo Sina, FT Chinese, Mạng Nhà Quan sát 28/3)