Những điểm sáng kinh tế năm 2019
Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp cả nước đạt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, với ước GDP cả năm tăng 6,8-6,9%. Việt Nam thuộc tốp có mức GDP năm 2019 tăng trưởng cao dẫn đầu khu vực và thế giới, được coi là quốc gia có nền kinh tế ổn định và tăng trưởng nhanh, thế và lực không ngừng được củng cố; uy tín quốc tế được nâng lên, bất chấp những khó khăn chung về kinh tế thế giới trong năm 2019. Thành quả này là cộng hưởng tích cực sự kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cả nước trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Đặc biệt, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện; Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018; năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018; Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành du lịch cũng tăng 2 bậc so với năm trước; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN. Chỉ số xếp hạng về an toàn thông tin mạng của Việt Nam tăng 50 bậc, xếp thứ 50/175 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh – Doing business 2020 (DB 2020) toàn cầu vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, chỉ số nộp thuế (Paying Taxes, với các tiêu chí như: số giờ nộp thuế; số lần nộp thuế trong năm; tổng mức thuế suất trên lợi nhuận; chỉ số sau kê khai (hoàn thuế giá trị gia tăng, thanh/kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp) đã tăng 22 bậc, đưa Việt Nam từ vị trí thứ 131 lên xếp thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá. Nhờ kết quả này, ngành thuế đã vượt chỉ tiêu của Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Theo đó, mục tiêu chỉ số nộp thuế năm 2019 tăng lên 7-10 bậc, tiệm cận mục tiêu đến năm 2021 lên 30-40 bậc.
Theo báo cáo DB 2020 của Ngân hàng Thế giới, phần lớn các chỉ số này đều có sự cải thiện so với năm trước đó và được ghi nhận nhờ những nỗ lực của Việt Nam. Cụ thể, thời gian nộp thuế giảm 114 giờ (từ 498 xuống 384 giờ); trong đó, 94 giờ giảm là do cải cách, đơn giản hóa tại các thủ tục về khai thuế giá trị gia tăng và 20 giờ giảm là do những cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về nộp và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Số lần nộp thuế giảm từ 10 lần năm 2019 xuống còn 6 lần năm 2020. Tổng mức thuế suất (tỷ lệ tổng thuế và đóng góp) giảm 0,2%, từ mức 37,8% năm 2019 xuống còn 37,6% năm 2020. Thời gian doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị nộp thuế giá trị gia tăng, bao gồm lập bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra theo Tờ khai thuế giá trị gia tăng đã giảm khoảng 90 giờ (từ 212 còn 122 giờ). Thời gian kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 5 lần xuống 1 lần…
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động tiếp tục được cải thiện. Đây là 2 chỉ số đo lường sức khỏe môi trường kinh doanh và tạo động lực tăng trưởng chính đến nền kinh tế đã ghi nhận mức kỷ lục mới, với ước cả năm có khoảng 134 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại (9 tháng đầu năm có gần 102,3 nghìn DN đang ký thành lập mới, tăng 34% về số vốn đăng ký và tăng 26,6% về vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 12,6 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây. Điều này cũng cho thấy “sức khỏe” tốt hơn của các DN mới ra nhập thị trường. Đồng thời, cả nước còn có 27,6 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước). đến nay có gần 24 nghìn hợp tác xã kiểu mới với đa số hoạt động hiệu quả.
Sự lạc quan kinh doanh và tích cực đầu tư được khẳng định, với kết quả 81,7% DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Tổng cục Thống kê khảo sát khẳng định kinh doanh của mình trong quý III/2019 là ổn định và tich cực, tốt hơn quý II/2019; 87,9% cho rằng dự kiến quý IV/2019 xu hướng sẽ tốt lên hoặc ổn định so với quý III/2019. Vốn đầu tư nước ngoài được tiếp tục cải thiện với quy mô vốn FDI thực hiện ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3%; tổng giá trị góp tăng 82,3% so với cùng kỳ năm 2018 và cao nhất từ trước đến nay.
Động lực và chất lượng tăng trưởng có bước phát triển, với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm ước khoảng 33,8% GDP; Tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 45,3%; Đầu tư tư nhân với nhiều dự án lớn được triển khai mạnh mẽ, theo đúng định hướng tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội. Năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7%5. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng. Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh. Nhiều thành tựu được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi, trong đó có những lĩnh vực tiệm cận và đạt trình độ khu vực, quốc tế. Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục được hoàn thiện. Các quỹ phát triển khoa học công nghệ phát huy hiệu quả; có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và một số quỹ đầu tư mạo hiểm..
Nhiều địa phương nỗ lực phấn đấu vươn lên, thu hút mạnh các nguồn lực, đạt tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng cho kết quả chung của cả nước.
Thị trường tài chính và nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định vững chắc trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD. Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”. Năm 2019 tổng thu NSNN vượt 3,3% dự toán và là năm thứ hai liên tiếp thu ngân sách trung ương vượt dự toán. Các chỉ tiêu tổng thu, huy động vào ngân sách, thu nội địa… đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm. Bội chi được kiểm soát cả số tuyệt đối và tương đối, với mức bội chi năm 2019 NSNN khoảng 3,4% GDP và năm 2020 ước 3,44% GDP, vượt mục tiêu dưới 3,5% GDP. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%. Nhờ kiểm soát tốt, nợ côngđã giảm một nửa so với giai đoạn trước và tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa (năm 2019, nợ công giảm còn 56,1% GDP so với mức 64,6% GDP năm 2016).
Xuất siêu năm thứ tư liên tiếp (trong 10 tháng đầu năm 2019 xuất siêu trên 7 tỷ USD). Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; Công tác quản lý thị trường được tăng cường, với việc xử lý nghiêm nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại.
Nền kinh tế tiếp tục cơ cấu lại nền đúng hướng và thực chất hơn; Các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực trong bối cảnh khó khăn. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển mạnh các dự án năng lượng tái tạo. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều nhà máy chế biến lớn; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41 tỷ USD. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, đến cuối năm 2019 ước có khoảng 53 – 54% số xã và 110 huyện đạt chuẩn, hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 11,5 – 12%; thương mại điện tử tăng mạnh. Khách quốc tế ước cả năm đạt 18 triệu lượt, tăng 16,1%. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực; tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn 1,91%; bảo đảm an toàn hệ thống. Thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN); tập trung xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, thất thoát lớn, trong đó có dự án bước đầu có lãi và một số dự án từng bước khắc phục khó khăn, vận hành trở lại.
Chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục được cải thiện cùng với sự phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị và thúc đẩy liên kết vùng. Xếp hạng đại học tăng 12 bậc, từ hạng 80 lên 68. Quy mô nguồn nhân lực ước đạt 55,8 triệu lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo cả năm khoảng 61 – 62%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%; tạo thêm 1,62 triệu việc làm; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Hệ thống đô thị phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 39,2%.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt.
Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên; đạt 8,6 bác sỹ, 27,5 giường bệnh trên 1 vạn dân và tỷ lệ tham gia BHYT đạt 89,3%, vượt mục tiêu đề ra. Làm tốt công tác y tế dự phòng; chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 – 1,5% (còn khoảng 3,73 – 4,23%); trong đó các huyện nghèo giảm trên 4%. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, theo Báo cáo Chỉ số đói nghèo toàn cầu (GHI) 2019 của Cơ quan viện trợ Concern Worldwide từ Ailen và tổ chức Welt Hunger Hilfe của Đức, Việt Nam đứng thứ 62, tăng 2 bậc so với vị trí thứ 64 trên tổng số 119 nền kinh tế trong bảng xếp hạng toàn cầu. Với vị trí năm nay, Việt Nam tốt hơn một số nước láng giềng Đông Nam Á như Myanmar, Indonesia, Philippines, Campuchia và Lào.
Điểm GHI được tính toán dựa trên 4 chỉ số, bao gồm suy dinh dưỡng, gầy so với chiều cao, thấp còi ở trẻ em và trẻ em tử vong. Cụ thể, chỉ số GHI của Việt Nam đã giảm từ 28,3 trong năm 2000 xuống còn 15,3 trong năm 2019. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi gầy so với chiều cao đã giảm từ 9% năm 2000 xuống còn 6,4% trong năm nay và tỷ lệ thấp còi ở trẻ em đã giảm gần một nửa từ 42,9% năm 2000 xuống 24,6% năm 2019. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm suy dinh dưỡng và xóa đói nghèo. Năm ngoái, Chính phủ đã phát động chương trình “Thanh toán nạn đói” nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và tăng trưởng chậm thông qua cải thiện dinh dưỡng và sản xuất thực phẩm bền vững. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) gần đây đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam nỗ lực hơn nữa tài trợ cho các chương trình liên quan đến dinh dưỡng, xây dựng các kế hoạch đa ngành để giải quyết các yếu tố cơ bản của suy dinh dưỡng và sớm thực hiện can thiệp.
Triển vọng kinh tế năm 2020
Về tổng thể, có thể khẳng định Việt Nam đang vững vàng về đích, đạt tất cả các mục tiêu kế hoạch năm 2019 và hướng tới năm 2020 với 12 chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; Tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; Tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; Tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%; Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; Tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nợ công năm 2020 khoảng 54,3% GDP, thấp hơn nhiều mức 63,7% GDP cách đó 4 năm. Dù vậy, điều hành ngân sách còn tiếp tục gặp khó khăn, khi tỷ lệ huy động thuế, phí giảm dần và chưa đạt mục tiêu 21% GDP giai đoạn 2019-2020. Nguyên nhân là nguồn đóng góp từ dầu thô, xuất nhập khẩu giảm nhanh trong vài năm qua, từ mức 7,3% GDP năm 2015, xuống 4,5% năm 2016, dự kiến còn 4,2% 2019 và giảm tốc về 3,6% năm 2020. Thu từ một số lĩnh vực tăng trưởng cao trước đây đều giảm, trong đó thu từ nhà máy Lọc hoá dầu Dung Quất giảm tới 19%, còn thu từ ngành than chỉ 8,2%… Mặt khác, thu nội địa một số thành phố lớn có điều tiết về ngân sách trung ương đều giảm, như Hà Nội năm 2020 giảm gần 10% so với 2017; TP HCM giảm hơn 3%, Bình Dương gần 8%…,
Năm 2020, có nhiều kỳ vọng mới vào động lực tăng trưởng kinh tế tích cực hơn cho nền kinh tế cả từ việc thông qua các hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA); từ việc EU rút thẻ vàng ngành thủy sản Việt Nam và từ việc Việt Nam tiếp tục ký tham gia nốt 2/8 công ước còn lại của Tổ chức lao động quốc tế.
Trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn và bất trắc khó lường, để bảo đảm thành công, theo chỉ đạo của Chính phủ, các cấp, các ngành cần nghiêm túc thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Quốc hội đề ra cho năm 2020, với
mục tiêu tổng quát là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 2020, Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 41 Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
TS. Nguyễn Minh Phong