Tương lai thương mại Anh – Việt hậu Brexit

0
99
Thương mại giữa Anh và Việt Nam năm 2018 ước tính đạt gần 6,5 tỷ USD.

Anh hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 của EU. Thương mại giữa Anh và Việt Nam năm 2018 ước tính đạt gần 6,5 tỷ USD.

Thương mại giữa Anh và Việt Nam năm 2018 ước tính đạt gần 6,5 tỷ USD.

Nhận định về tương lai thương mại giữa Việt Nam và Anh trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vừa được ký kết và nước Anh có thể rút khỏi khối này theo thỏa thuận Brexit, trang Leoxology đăng bài phân tích về tương lai giao thương Anh – Việt và chỉ ra 3 trường hợp mà thương mại Việt Nam – Anh có thể được hưởng lợi từ EVFTA.

Theo trang mạng này, EVFTA là một trong những hiệp định thương mại của EU. EVFTA được Việt Nam và EU ký kết vào ngày 30/6/2019 và dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2020 sau các thủ tục phê chuẩn. Sau đó, các doanh nghiệp Việt Nam và EU sẽ được hưởng mức thuế suất thấp hơn, tiếp cận thị trường ưu đãi cho các nhà cung cấp dịch vụ và các điều khoản thương mại có lợi khác.

EVFTA sẽ áp dụng cho các lãnh thổ được xác định là một phần lãnh thổ của EU hoặc lãnh thổ của Việt Nam. Sau khi rút khỏi EU, Anh sẽ không còn được coi là quốc gia thành viên EU, và do đó nằm ngoài khu vực mà EVFTA có hiệu lực.

Thương mại giữa Anh và Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi từ EVFTA trong các trường hợp sau: (1) giai đoạn chuyển tiếp Brexit; (2) Anh vẫn là thành viên của liên minh hải quan EU; hoặc (3) Anh và Việt Nam ký một hiệp định thương mại tự do riêng dựa trên các điều khoản của EVFTA.

Thứ nhất, giai đoạn chuyển tiếp Brexit, nếu EU và Anh đàm phán thành công Brexit, thỏa thuận sẽ bao gồm một giai đoạn chuyển tiếp, trong đó EU và Anh tiếp tục giao dịch theo các điều khoản trước Brexit trong khi chuẩn bị cho việc Anh rút khỏi EU (“Thời kỳ chuyển tiếp”). Nếu EVFTA có hiệu lực trong giai đoạn này, EVFTA sẽ tạm thời áp dụng cho thương mại giữa Anh và Việt Nam.

Thứ hai, Anh vẫn là thành viên của liên minh hải quan EU, tương tự thời kỳ chuyển tiếp Brexit, có thể Anh và EU sẽ đạt được thỏa thuận trong đó Anh vẫn là một phần của liên minh hải quan EU, hoặc thậm chí thành lập liên minh hải quan của riêng họ với EU. Như vậy, Anh và EU sẽ áp dụng mức thuế chung bên ngoài, đồng thời xóa bỏ tất cả thuế quan nội bộ. Một liên minh hải quan như vậy có thể được công nhận trong EVFTA cho mục đích thương mại hàng hóa. Điều này sẽ cho phép Anh và Việt Nam giao dịch hàng hóa để được nhận mức thuế quan EVFTA. Hiện vẫn chưa rõ cách thức một liên minh như vậy tác động đến hàng rào phi thuế quan, rào cản kỹ thuật đối với các tiêu chuẩn thương mại, vệ sinh, kiểm dịch thực vật và rào cản tiềm năng đối với thương mại, ngay cả trong một liên minh hải quan.

Thứ ba, một FTA Việt Nam – Anh riêng biệt dựa trên các điều khoản của EVFTA. Anh và Việt Nam có thể đàm phán FTA riêng, có hiệu lực bất cứ lúc nào sau khi Anh rời khỏi EU. FTA Anh-Việt có thể được đàm phán trong giai đoạn chuyển tiếp hoặc sau khi Anh rút hoàn toàn khỏi EU.

Ngoài 3 khả năng trên, thương mại giữa Việt Nam và Anh sẽ diễn ra theo các điều khoản của quy chế Tối huệ quốc (MFN) của WTO, là các quy tắc giao dịch mặc định cho bất kỳ 2 quốc gia thành viên WTO nào không có thỏa thuận ưu đãi. Hiện thương mại giữa EU và Việt Nam là theo các điều khoản của MFN, cho đến khi EVFTA có hiệu lực.

Một đề xuất khác là Anh tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có hiệu lực từ ngày 30/12/ 2018. CPTPP không yêu cầu các bên phải là các quốc gia Thái Bình Dương, nhưng sự tham gia của Anh cần hỗ trợ của tất cả 11 thành viên CPTPP hiện nay./.

Thọ Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here