Địa chính trị dầu mỏ thời Covid-19

0
101
(Internet)
(Internet)

Nhu cầu dầu mỏ hiện ở mức thấp, giá cả bấp bênh và thiếu đầu tư về ngắn hạn và trung hạn là những yếu tố có thể làm đảo lộn cán cân sức mạnh địa chính trị về năng lượng. Tình hình mới này có nguy cơ làm suy yếu các quốc gia vốn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lợi từ dầu mỏ. Do đó, tác động của Covid-19 lên địa chính trị dầu mỏ xem ra sẽ kéo dài. Trao đổi của Pierre Laboué, chuyên gia nghiên cứu tại IRIS, phụ trách Trung tâm Nghiên cứu An ninh các Dòng và Vật liệu Năng lượng.

Tác động của Covid-19 đối với thị trường dầu mỏ là gì?

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã gây ra một cú sốc đặc biệt lớn đối với các thị trường dầu mỏ năm 2020. Hạn chế đi lại và GDP thế giới sụt giảm 4,4% đã làm giảm 8,8% lượng dầu tiêu thụ trên thế giới. Đây là mức suy giảm chưa từng có trong 20 năm qua. Ngay cả trong khủng hoảng kinh tế năm 2008 và 2009, nhu cầu về dầu cũng chỉ giảm lần lượt 0,6% và 1%.

Cú sốc về cầu khiến giá dầu thế giới, vốn đã bấp bênh do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm năm 2019 và do áp lực về cơ cấu do năng lực sản xuất dầu dư thừa trên toàn cầu, giờ lại giảm thêm lần nữa. Do khủng hoảng Covid-19, giá dầu Brent trung bình năm giảm xuống còn 41 USD vào 2020, mức thấp nhất kể từ 2004.

Sự sụt giảm giá này thậm chí còn dẫn đến một thời kỳ chưa từng có trên thị trường dầu mỏ Mỹ. Cầu giảm kéo theo lượng dầu tồn kho lớn đến mức giá dầu WTI rớt xuống âm 37,6 USD vào tháng 4/2020. Những người nắm hợp đồng kỳ hạn (forward contract) buộc phải bán để giảm bớt lượng dầu tích lũy, nhưng không tìm được người mua. Tổng cộng, giá WTI đã giảm hơn 100 đô la trong khoảng thời gian từ 06/01 đến 20/4//2020.

Tác động đến địa chính trị dầu mỏ năm 2020 như thế nào?

Khủng hoảng thị trường dầu mỏ do Covid-19 đã gây áp lực lên các nước lớn nằm ở vị trí trung tâm địa chính trị dầu mỏ năm 2020, gồm Mỹ, Nga và Ả rập Xê-út.

Vào tháng 3/2020, Covid-19 đã tạo ra khủng hoảng thực sự giữa Ả-rập Xê-út và Nga. Đây là 2 nước đứng đầu tổ chức OPEC+ gồm tập hợp 14 nước thuộc OPEC do Ả-rập Xê-út dẫn dắt và 10 nước sản xuất dầu khác, trong đó có Nga. Mục tiêu của tổ chức này là điều phối giá dầu thế giới. Trước sự suy giảm cầu chưa từng thấy trên thế giới, ngày 6/3/2020, OPEC đã đề nghị các đối tác trong OPEC+ giảm bổ sung lượng dầu sản xuất 1,5 triệu tấn/ngày cho đến hết năm.

Lời đề nghị này đã bị Nga thẳng thừng từ chối. Để đáp trả, Ả-rập Xê-út đã lập tức tăng sản lượng dầu và giảm giá xuất khẩu để bảo vệ thị phần của mình theo cách hiếu chiến. Phản ứng này đã làm các thị trường bất ngờ và làm trầm trọng thêm đà suy giảm giá dầu. Bị thiệt hại nặng nề do khủng hoảng, Nga đã buộc phải quay lại bàn đàm phán và chấp nhận một thỏa thuận mới vào đầu tháng 4: thay vì giảm 1,5 triệu tấn/ngày, các thành viên OPEC+ cam kết giảm 9,7 triệu tấn/ngày từ tháng 5-7/2020, sau đó giảm 7,7 triệu tấn/ngày vào nửa cuối 2020.

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 2020 cũng làm nhà sản xuất số một thế giới là Mỹ điêu đứng. Sự sụt giảm giá dầu Brent và WTI đã làm cho ngành sản xuất dầu của Mỹ vốn dựa vào khai thác đá phiến mất một phần lợi nhuận. Nhưng đúng là giá sản xuất dầu đá phiến cao hơn nhiều so với dầu mỏ thông thường đang khai thác ở Ả-rập Xê-út và Nga.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã đặt nền công nghiệp dầu của Mỹ vào tình trạng rất khó khăn. Số lượng giàn khoan hoạt động khai thác dầu và khí gas đã giảm xuống còn 250 đơn vị vào tháng 8/2020, mức giảm thấp nhất được ghi nhận ở Mỹ từ 1973. Theo Văn phòng luật sư kinh tế Haynes and Boone, khoảng 250 công ty dầu đã rơi vào tình trạng phá sản từ tháng 01-10/2020, trong đó có Chesapeak Energy, California Resources và Ultra Petroleum Corp. Về tổng thể, theo Văn phòng luật sư Detroit, các công ty dầu của Mỹ đã sa thải 14% nhân công.

Quy mô cuộc khủng hoảng này đã đẩy Mỹ xích lại gần OPEC+ nhằm ngăn chặn sụt giảm giá dầu và cứu ngành công nghiệp đá phiến Mỹ. Trong một lần hiếm hoi, tổng thống Donald Trump khi vận động tái cử thậm trí còn cam kết giảm sản lượng dầu của Mỹ để tạo thuận lợi cho nước láng giềng là Mexico đang dọa làm chệch hướng thỏa thuận của OPEC+ ký tháng 4/2020 bằng cách từ chối tham gia giảm 10% sản lượng dầu thế giới.

Cuộc khủng hoảng này có làm thay đổi địa chính trị dầu mỏ ?

Khủng hoảng Covid-19 không đơn thuần là một cuộc khủng hoảng tình huống, nó có thể làm đảo lộn địa chính trị dầu mỏ một cách có hệ thống.

Nhu cầu vàng đen của thế giới sẽ tiếp tục suy giảm trong các năm tới, mặc dù giá dầu Brent có khả năng hồi phục nhanh chóng và mạnh mẽ hơn mong đợi từ đầu năm 2021. Về mặt lịch sử, giá dầu giảm tạo điều kiện hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tiếp thêm động lực hồi phục tiêu dùng. Nhưng khủng hoảng Covid-19 là một cuộc khủng hoảng y tế dẫn đến suy giảm hoạt động cũng như một phần nhu cầu dầu trong vận chuyển. Theo các ước tính của IEA, nhu cầu dầu của thế giới chỉ trở lại mức trước khủng hoảng vào cuối năm 2022. Về dài hạn, hiện tượng này có thể đi kèm với tình trạng đầu tư từng bước suy giảm trong lĩnh vực dầu mỏ. Tập đoàn dầu khí BP đã đưa ra giả thuyết rằng tiêu thụ dầu sẽ đạt đỉnh vào 2019 và sẽ tiếp tục suy giảm tới năm 2050 theo 3 kịch bản Rapid, Net ZeroBusiness as usual. Trên thực tế, khủng hoảng Covid-19 góp phần và làm gia tăng các xu hướng hiện có như chuyển đổi năng lượng.

Sự bất ổn của thị trường dầu mỏ cùng với sự cất cánh của năng lượng tái tạo và sự phát triển chín muồi của các công nghệ phi carbon bắt đầu làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hóa thạch. Theo kết quả thăm dò dư luận đối với 148 nhà đầu tư do Văn phòng tư vấn BCG thực hiện, 46% người được hỏi không đồng ý với nhận định “Lĩnh vực dầu và khí hấp dẫn đầu tư hơn năng lượng tái tạo” và 51% không chấp nhận ý kiến cho rằng “Dự trữ dầu và khí sẽ tiếp tục tăng và có vai trò ngày càng lớn trong 10 năm tới”.

Cuối cùng, Bắc Mỹ và Trung Đông có thể là 2 khu vực hứng chịu nhiều bất ổn do tác động của Covid-19 lên thị trường dầu mỏ. Theo ước tính của FMI, Algeria cần giá 135 USD/thùng để cân đối cán cân tài chính năm 2021, với Li-băng là 124 USD/thùng và Iran là 394 USD/thùng. Chưa kể đến việc khủng hoảng Covid-19 đã làm suy yếu nền kinh tế của nhiều nước sản xuất dầu mỏ mà lợi nhuận có nguy cơ không đủ để duy trì ổn định chính trị – xã hội vốn đã mong manh, như trường hợp của Iraq. Sự suy giảm đầu tư trong lĩnh vực dầu mỏ sẽ là một thách thức đối với các khu vực như vùng Kurdistan thuộc Iraq vốn đang chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất dầu để bảo đảm quyền tự trị trước Bagdad.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here